Lời khẩn cầu của chàng trai nhiễm chất độc da cam, mù mắt nhưng nghị lực phi thường

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đàm Văn Thái, sinh năm 1994, quê ở Cao Bằng là một chàng trai bị nhiễm chất độc da cam từ khi mới ra đời. Em bị mù hẳn một bên mắt, suy tim, mất một bên thận. Tuy vậy, không đầu hàng số phận, em vẫn nỗ lực giành kết quả cao trong học tập và chưa từng nản chí trong cuộc sống của chính mình.

Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ nhỏ em đã bị mù một bên mắt, khuôn mặt biến dạng.

Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ nhỏ em đã bị mù một bên mắt, khuôn mặt biến dạng.

Cuộc đời chưa từng có nổi một ngày bình yên

Chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe Đàm Văn Thái kể về cuộc sống của em. Bố của em là Đàm Văn Sang sinh năm 1944, từng tham gia chiến trường miền Nam, đường 9 Nam Lào. Trở về sau những năm tháng chiến đấu anh dũng, bố em đã bị nhiễm chất độc màu da cam mà không hề hay biết. 

Đàm Văn Thái được ra đời trong sự trông chờ của bố mẹ như biết bao đứa trẻ khác. Nhưng khoảnh khắc em chào đời cũng là khoảnh khắc đánh dấu chuỗi tháng ngày bi ai với chính Thái và gia đình. Em bị mù một bên mắt bẩm sinh và hàng loạt các chứng bệnh liên quan.

Tuổi thơ của em lớn lên trong sự mặc cảm với những người bạn lành lặn cùng lớp, cùng trường. Thái tâm sự với chúng tôi: "Ngay từ những ngày học cấp một rồi THCS, thầy cô các bạn hỏi em chỉ dám nói mình bị bệnh chứ không dám nói bị chất độc da cam vì sợ mọi người tránh xa, không dám lại gần. Trẻ con thường nghĩ bị da cam thì rất nguy hiểm". 

Việc học tập của em cũng khó khăn hơn những học sinh bình thường khác khi sức khỏe yếu nên mỗi khi trái gió, trở trời là em phải nghỉ học do đau nhức toàn cơ thể.

Trong suốt 12 năm học, những tưởng có nhiều lúc em đã dừng lại việc học tập của mình vì sức khỏe không cho phép. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, Đàm Văn Thái đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể vươn lên trong học tập, giành nhiều kết quả tốt.

Đàm Văn Thái, một cậu bé da cam đã có thể đậu đại học là tin mừng, kỳ tích với tất cả những người biết em. Thái đỗ Đại học Thái Nguyên và theo học chuyên ngành Thương mại quốc tế. Cũng từ đây, cuộc đời lại đưa em vào một lối rẽ mới, một cuộc sống tự lập, một hành trình không có bố mẹ và người thân kề cạnh.

Gia đình Thái vất vả khi có đến 6 anh chị em, mẹ làm nông, bố sức khỏe yếu nên gần như không ai có thể bỏ việc theo em vì gánh nặng "cơm áo gạo tiền" vẫn đang còn đè nặng.

Những ngày gian nan trên giảng đường đại học

Mang trong mình chất độc da cam, những ngày học đại học của Thái không chỉ được đo bằng những trải nghiệm, kiến thức, những giờ học mà còn bằng những lần ngất xỉu, những ngày nằm viện liệt giường.

Thái tâm sự, giọng em đầy nghẹn ngào: "Bạn cùng phòng của em lúc đầu thấy em ngất thì hoảng hồn, gọi cầu cứu xung quanh. Nhưng khi đã quen, là bạn ấy biết bệnh, lấy ngay thuốc trợ tim cho em uống là em lại dần tỉnh lại. Sợ nhất là những lần bị ngất trong lớp sẽ khiến các bạn hoảng sợ". 

Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên Thái ngoài học tập còn tranh thủ làm thêm. Tuy nhiên, các công việc của em cũng không thể duy trì đều đặn vì sức khỏe quá yếu.

Đàm Văn Thái đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể đậu đại học.

Đàm Văn Thái đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể đậu đại học.

Nhiều lần do lịch học và ôn thi kéo dài nên Thái lại bị ốm, sốt li bì đến 40 độ C. Ngoài gia đình, bạn bè thì luôn có những tình nguyện viên túc trực để động viên em. Bốn năm học đại học của Đàm Văn Thái trôi qua trong lay lắt, ốm đau, bệnh tật bủa vây. Vừa hoàn thiện toàn bộ chương trình đại học của mình, chỉ còn kỳ thi môn Tiếng Anh là em có thể ra trường thì một cú sốc lớn lai ập đến với em. Mẹ em, người phụ nữ tảo tần nuôi em khôn lớn, bị đột quỵ và qua đời.

Thái và bố của mình. Bố em năm nay đã 76 tuổi.

Thái và bố của mình. Bố em năm nay đã 76 tuổi.

Thái như suy sụp hoàn toàn. Mẹ mất, gia đình mất đi một trụ cột gánh vác khiến em phải đi ra ngoài lao động kiếm tiền nhiều hơn. Cuối năm 2017, bệnh tình của Thái chuyển nặng, em lên cơn sốt cao, liệt nửa người, suy tim, suy thận nặng. Gần như mọi thứ rơi vào bế tắc. 5 chị em trong nhà phải thay phiên nhau chăm sóc Thái mỗi người một tháng vì còn vướng bận gia đình riêng và phải đi làm để chi trả viện phí cho em.

Đau đớn tột cùng khi phải nằm liệt một chỗ, trở thành gánh nặng của mọi người, em đã hai lần định tự rút dây ôxy để kết liễu cuộc đời. Nhưng điều kỳ lạ là trong những cơn mê sảng của mình, em lại nhìn thấy hình ảnh của mẹ tần tảo làm lụng. Đó là lý do chính để em phải sống tiếp, mạnh mẽ và vươn lên bởi "mẹ đã lao lực đến ngày cuối đời phần lớn cũng là để mình được sống".

Lời khẩn cầu "tàn nhưng không phế"

Một năm sau, sức khỏe của Thái dần ổn định, em đã có thể chuyển về tuyến tỉnh. Ổn định có nghĩa là thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Thái lại chiến đấu tiếp với hàng chục căn bệnh mãn tính mang trong người. Cột sống của em bị vẹo, thoái hóa 3 đốt, có đốt chia 3, chia 4. Từ một chàng thanh niên cao 1m69, nặng 52 kg em chỉ còn 28kg.

Một góc trong căn nhà vắng lặng của hai bố con em.

Một góc trong căn nhà vắng lặng của hai bố con em.

Chàng trai đó được các bác sĩ trong bệnh viện gọi với cái tên rất đỗi xót xa "chàng trai từ cõi chết trở về". Bởi chẳng ai có thể hình dung một bệnh nhân nặng như em còn có cơ hội tái khám. Thái lạc quan hơn khi đi đến bệnh viện, chứng kiến nhiều người bị nhiễm chất độc da cam khác còn có hoàn cảnh bi đát hơn mình.

Trở về nhà sau hai năm nằm viện, gần 1 năm tập làm quen với xe lăn. Cuộc đời của Thái 3 tháng nay tạm ổn vì dù có bệnh nhưng đã có thể đi lại, không cần dùng xe lăn nữa, chủ động sinh hoạt. Bố em năm nay đã 76 tuổi, lúc nhớ lúc quên, anh chị em hầu hết kinh tế đều khó khăn nên em vẫn còn lắm những trăn trở cho tương lai của chính mình.

Em đã hoàn thiện toàn bộ chương trình đại học với bảng điểm khá và mong muốn có một công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Em đã hoàn thiện toàn bộ chương trình đại học với bảng điểm khá và mong muốn có một công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi em gọi những mong ước trong những ngày tiếp theo của mình là "lời khẩn cầu": "Ai cũng phải trả giá khi khẩn cầu một điều gì đó, em và gia đình đã chịu đựng và nỗ lực rất nhiều rồi". Thì ra, Thái vẫn khát khao hoàn thiện chương trình Tiếng Anh và cầm trên tay tấm bằng đại học, xin được một việc làm phù hợp với năng lực của bản thân.

Chúng tôi bảo Thái: "Vậy em sẽ nói gì với những người mong muốn giúp đỡ em?". Thái đáp: "Em muốn mình trở thành một người "tàn mà không phế", muốn được làm việc bằng chính tâm sức của mình".

Chúng tôi tin đó là một "lời khẩn cầu xứng đáng" ít nhất là với sự nỗ lực của một người có hoàn cảnh như em. Và càng tin hơn sẽ có những lời hồi âm khi ai đó nghe được lời khẩn cầu "tàn nhưng không phế" của em.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh Hà Nội bị làm nhục trước lớp, cách “trả đũa” ai cũng phải nể

Trong chương trình Thiếu niên nói tập 9, bạn Đoàn Hùng Mạnh đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện từng là nạn nhân của Bạo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN