Loạt trào lưu giới trẻ 'gây bão' mạng xã hội trong năm qua
Trong năm qua, tần suất sử dụng mạng xã hội của các bạn trẻ tăng cao do ở nhà thường xuyên. Cũng vì thế, nhiều trào lưu trên mạng xã hội dễ dàng thu hút và hấp dẫn người trẻ cùng tham gia.
Trải qua các đợt dịch diễn biến phức tạp, mạng xã hội TikTok lần lượt xuất hiện loạt trend giới trẻ như #ONhaLamDep, #ONhaVanVui; #HocCungTikTok… nhằm tạo nên tinh thần lạc quan và vui tươi cho mọi người khi bị “giam chân” ở nhà mùa dịch.
Vũ điệu đuổi COVID cổ vũ tinh thần chống dịch
Bài nhạc “COVID nhanh đi đi” của K-ICM đã nhanh chóng được cặp đôi trẻ Phan Thái Bình (sinh năm 1990) và Trần Hoàng Yến (sinh năm 1989) sáng tạo thành vũ điệu đơn giản, lạc quan, đầy khí thế. Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, video ghi lại điệu nhảy này đã “chạm” đến trái tim của nhiều bạn trẻ, thôi thúc họ làm những clip sôi nổi trên mạng xã hội.
Trào lưu "Ở nhà vẫn đẹp"
Trào lưu "Ở nhà làm đẹp" đã nhận được hơn 136 triệu lượt xem và vô số clip hướng dẫn làm đẹp tại nhà được bạn trẻ hưởng ứng.
Mùa dịch ở nhà nhiều nên các bạn nữ không có cơ hội diện váy đẹp, vì vậy, để tạo niềm vui, bạn trẻ đã bắt trend trào lưu "ở nhà làm đẹp", "ở nhà vẫn luôn lạc quan, xinh đẹp".
Trào lưu #ONhaLamDep, #ONhaVanVui lan tỏa thông điệp tích cực là dù đang phải thay đổi thói quen sinh hoạt, phải ở nhà vì dịch bệnh vẫn vui vẻ, xinh đẹp. Trào lưu này cũng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia trên mạng xã hội, Hoa hậu Lương Thùy Linh cũng sôi nổi tham gia trào lưu này.
Trào lưu ăn đậu đỏ ngày Thất Tịch để "thoát ế"
Dịp Thất tịch vừa qua, các bạn trẻ thi nhau khoe ảnh ăn chè đậu đỏ tự nấu và chụp ảnh đăng Facebook làm mạng xã hội thêm rộn ràng. Nhiều người đặt câu hỏi: Những ai năm ngoái ăn chè đậu đỏ để có người yêu, năm nay sao rồi?
Theo quan niệm của nhiều người, đậu đỏ vốn được xem là một thực phẩm mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn trong các dịp như thi cử, cầu duyên... Nhiều bạn trẻ còn truyền tai nhau việc nếu những cặp đôi yêu nhau ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch) thì họ sẽ có một tình yêu bền vững, còn với những người đang lẻ bóng một mình sẽ tìm được "một nửa". Vì thế, nhiều bạn trẻ thi nhau mua và nấu chè đậu đỏ với mong muốn "thoát ế", trở thành trào lưu xôn xao mỗi dịp Thất Tịch hàng năm.
Trend tách kẹo đường
Trào lưu "tách kẹo đường" nổi lên từ bộ phim Squid Game (trò chơi con mực) thử thách sự khéo léo, tỉ mỉ của người chơi.
Trong phim Squid Game, người chơi sẽ chọn 1 trong 4 biểu tượng: hình tam giác, hình tròn, hình ngôi sao và hình chiếc ô. Sau đó họ sẽ được nhận 1 hộp kẹo đường, bên trong có hình biểu tượng mà họ chọn. Nhiệm vụ của người chơi là phải tách được kẹo theo đúng biểu tượng đã in sẵn với công cụ hỗ trợ chỉ là một cây kim, trong một khoảng thời gian giới hạn. Nếu tách được kẹo một cách hoàn chỉnh là thành công, còn không người chơi sẽ bị loại.
Mỗi thử thách trong phim đều khiến người xem hồi hộp, thót tim nhưng ấn tượng hơn cả là trò chơi tách kẹo đường. Nhiều bạn trẻ đã làm ra món kẹo này để tự thử thách sự khéo léo của bản thân.
Trend 'tóc ngắn, má tàn nhang'
Bất ngờ nổi tiếng với vai Kang Sae-byeok trong bộ phim ăn khách đang trở thành "cơn sốt" thu hút đông đảo người xem khắp thế giới, nữ diễn viên Jung Ho Yeon vụt sáng thành sao với diện mạo đẹp lạ ấn tượng, cá tính.
Gõ hashtag #SquidGame trên TikTok cho ra kết quả hơn 18 tỉ lượt xem, bạn trẻ khắp nơi đua nhau sáng tạo đa dạng các thử thách từ tách kẹo đường, trò chơi đèn xanh đỏ... Xu hướng trang điểm theo nhân vật Kang Sae-byeok trong phim cũng gây "sốt" trong giới trẻ một thời gian.
Để tạo tàn nhang giả, các cô gái có thể thử kem che khuyết điểm có tông màu trầm, được chấm lên da bằng cọ phấn mắt khô, sau đó đến kẻ lông mày và bắt chước kiểu tô son môi ửng hồng, nứt nẻ.
Vũ điệu rửa tay
Không thể phủ nhận sức hút mãnh liệt của "Vũ điệu rửa tay" chứa đựng ý nghĩa cộng đồng cao đẹp: nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng trước đại dịch.
Điều thú vị chính là điệu nhảy khái quát 6 bước rửa tay cơ bản giúp phòng chống dịch hiệu quả do WHO khuyến cáo.
Thử thách "vũ điệu rửa tay" (#vudieuruatay hay #handwashingdance) của Quang Đăng được phát động từ tháng 2 năm ngoái, ngay sau khi nam vũ công sáng tạo điệu nhảy dựa trên ca khúc Ghen cô Vy.
Trào lưu thu hút rất nhiều khán giả trẻ trên mạng xã hội Tik Tok. Rất nhiều bạn trẻ đã cover lại điệu nhảy và khiến nó lan truyền rộng rãi không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế.
Vũ điệu đi bầu cử
Chiến dịch truyền thông "Tôi đi bầu cử" được phát động trên nền tảng xã hội TikTok và các nền tảng xã hội trước dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Trung ương Đoàn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai.
Đây là một hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền, lan toả trong thanh thiếu nhi và cộng đồng về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Với nhịp điệu sôi động và điệu nhảy đơn giản đầy ý nghĩa, "Vũ điệu đi bầu" đã lan truyền rầm rộ trên các mạng xã hội với sự tham gia của đông đảo các đoàn viên thanh niên từ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
"Nhìn sang trái, nhìn sang trái..."
Được biết, đoạn nhạc "nhìn sang trái, dòng người vội vàng bước qua..." có nguồn gốc từ ca khúc Bước Qua Nhau của "hoàng tử indie" Thái Vũ. Trào lưu này xuất phát từ video của một hot TikToker chuyên làm video với nội dung là những thước phim đẹp cho người lạ mà anh chàng bắt gặp trên đường.
"Enjoy cái moment này..."
Trên sóng livestream mới đây của Chi Pu khi mới sang Mỹ đã có cách nói chuyện "nửa tây nửa ta" như: enjoy cái moment, hoạt activies... khiến giới trẻ xôn xao bàn luận.
Dù chỉ là đoạn hội thoại ngắn nhưng cũng gây tranh cãi không nhỏ trong cộng đồng mạng, trở thành top những câu nói trending của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ "thi nhau" sáng tác thành những câu nói hài hước khác như: "Mình sẽ tương tác với mọi người nhiều hơn và có cái hoạt activities nào thì sẽ show cho mọi người"; "Mình thấy chuyện yêu đương rồi chia tay bình thường mà nhiều people cứ make it complicated. Miễn là họ enjoy cái moment mà họ đã trải qua with nhau là được mà"; "Loa loa loa! Tháng này chúng mình tặng nhiều sách quá nhỉ, nhưng mà hãy enjoy cái moment này vì sẽ còn rất nhiều quà nữa đó nha"...
"Thi nhau" bày biện món ăn đẹp mắt như ngoài hàng
"Ai rồi cũng trở thành đầu bếp" là câu nói vui của nhiều bạn trẻ khi chia sẻ hình ảnh món ăn trên mạng xã hội mùa dịch. Ở nhà nhiều hơn, những món ăn cầu kỳ từ chất lượng đến hình thức được lên mâm, không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt.
So với trước đây thoải mái đi ăn ở hàng quán nhiều, đặt qua ứng dụng đồ ăn để đỡ mất nhiều thời gian nấu nướng. Nhưng giờ đây, thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều bạn từ không biết nấu thành nấu giỏi, những bạn có đam mê nấu ăn từ trước lại càng có thêm thời gian chế biến những món ăn cầu kỳ, đẹp mắt.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới trẻ Hà Nội rộ lên một trào lưu “mới” được nhiều người yêu thích và tham gia, đó chính là đạp xe dạo phố.