Liên tục phải nhập viện giữ thai, bà mẹ trẻ vỡ oà khi đón "con yêu"
Trước khi được tận hưởng niềm hạnh phúc có con, Thắm phải trải qua những ngày thấp thỏm “tìm con” và 9 tháng thai kỳ đầy vất vả.
Hành trình mang thai đầy vất vả của bà mẹ Hà thành
Mang thai, sinh con đối với nhiều bà mẹ là bản năng tự nhiên nhưng với những bà mẹ hiếm muộn, đó là hành trình gian nan vô cùng. Mang thai đã khó, giữ con trong bụng đủ 9 tháng 10 ngày rồi đón con khỏe mạnh chào đời lại càng không phải chuyện đơn giản. Nguyễn Thắm (Hà Nội) hơn ai hết hiểu rõ điều này, bởi trước khi được tận hưởng niềm hạnh phúc có con yêu, cô phải trải qua những ngày thấp thỏm “tìm con” và 9 tháng thai kỳ đầy vất vả.
Vợ chồng Thắm kết hôn vào năm 2019. Sau nửa năm “thả” không đậu thai, cô đi khám thì được chẩn đoán bị “polyp cổ tử cung” (tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung). Tuy nhiên, bác sĩ vẫn gieo cho cô hy vọng có thể mang thai tự nhiên.
3 tháng sau đó, Thắm đi khám lại thì được chỉ định mổ nội soi và thông vòi trứng. Tưởng vấn đề đã được giải quyết nhưng cô ngóng đợi mãi vẫn không có tin vui. 3 tháng sau, hai vợ chồng quyết định đi khám lại tổng thể, chồng cô hoàn toàn bình thường nhưng cô lại có vấn đề. Cách duy nhất để có thể mang thai là thụ tinh nhân tạo với tỷ lệ thành công là 15%. Kết quả này khiến Thắm suy sụp. Cô khóc rất nhiều vì chồng cô là con trai một, không thể không có con cái. Thắm thậm chí đã nghĩ đến việc ly hôn để giải thoát cho chồng.
Cuối cùng, với sự động viên hết lòng của hai bên gia đình, vợ chồng Thắm quyết định làm IVF (thụ tinh nhân tạo). Nhưng hành trình này cũng không dễ dàng. Cô tiêm kích trứng trong vòng 12 ngày, sau đó khi chọc trứng thì chỉ được 3 quả và chỉ tạo được 2 phôi. Vợ chồng cô “đánh liều” nuôi đến ngày thứ 5 và may mắn được cả 2 phôi loại 1 và 2. Thắm ngay lập tức tiến hành chuyển phôi loại 1 vào buồng tử cung nhưng may mắn không đến với cô do thời điểm đó cô bị ho quá nhiều.
Thắm đã nghĩ đến chuyện kích trứng lại từ đầu nhưng nhờ mọi người động viên, cô quyết định chuyển phôi còn lại. Sau 7 ngày chuyển phôi, Thắm thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để thử que thử thai. Nhìn một vạch đỏ chót, cô thất vọng tột cùng. 5 tiếng sau đó, cô quyết định thử thai một lần nữa và thấy 1 vạch đậm, 1 vạch mờ. Niềm hy vọng nhỏ nhoi nhen nhóm lên trong bà mẹ trẻ. Cứ thế, mỗi ngày, Thắm đều dùng rất nhiều que thử thai để chứng kiến vạch thứ hai đậm dần.
Thắm hạnh phúc khi đón con yêu
Ngày thứ 14 sau khi chuyển phôi, cô đi xét nghiệm beta và biết trong bụng mình đang mang một sinh linh bé nhỏ. Thắm xúc động đến bật khóc, vợ chồng cô bảo nhau: “Cuối cùng con đã đến”.
Đối với bà mẹ trẻ Hà Nội, có thai đã khó, giữ còn còn càng khó hơn. Suốt 3 tháng đầu thai kỳ, Thắm chỉ ở nhà dưỡng thai, không làm bất kỳ việc gì khác. Những tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, cô đi làm trở lại thì khó khăn lại ập đến. Ở tuần thứ 14 của thai kỳ, cô bị ra máu tươi và phải nhập viện điều trị 1 tuần. Bác sĩ thậm chí còn nói, cô phải khâu giữ thai vì cổ tử cung tụt chỉ còn 21mm.
“May sao hôm sau mình đi khám lại ở Bệnh viện Bưu điện Hà Nội thì bác sĩ nói không cần khâu giữ thai. Mình tiếp tục nghỉ ở nhà an dưỡng 1 tháng. Đến khi đi làm trở lại, mình phải xin ăn ngủ lại cơ quan để có gì tiện vào khoa sản cấp cứu”, Thắm kể lại.
Bước sang tuần 31 của thai kỳ, Thắm lại bị ra máu tươi vào đúng mùng 1 Tết. Cô bình tĩnh gọi cho bác sĩ và tiến hành tự tiêm thuốc tại nhà theo hướng dẫn. Sau đó, cô phải nhập viện 1 tuần để truyền thuốc giữ thai.
Vỏn vẹn 1 tuần sau, Thắm vào viện khám, bác sĩ đo cổ tử cung nói cô đã “mở 2 phân”, phải nhập viện theo dõi ngay vì có nguy cơ sinh non. Lúc đó, cô mới mang bầu được 33 tuần 2 ngày, còn chưa kịp sắm sửa đồ cho con.
“3 giờ sáng, hai vợ chồng vào viện và phải chờ ở khu cách ly COVID-19. Thời gian chờ kết quả test PCR đêm ấy dài như vô tận, cuối cùng, mình dương tính với COVID-19 thật. Bác sĩ định cho về điều trị tại nhà do cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang rất đông nhưng vì đã mở 2 phân nên mình vẫn được đưa sang đó. Chồng không được đi cùng, đồ đạc bỏ lại hết, một mình mình bước lên xe cứu thương sang Cảm Hội.
Đến đây mới thực sự là ác mộng, mỗi lần bác sĩ khám trong cho mình là một lần chiếc găng tay màu trắng dính đầy máu. Nỗi sợ sinh non khiến mình không thở được. Mình nằm ở đó điều trị 7 ngày”, Thắm kể lại.
Khi chuẩn bị xuất viện về nhà vào sáng hôm sau, Thắm bất ngờ vỡ ối vào lúc 3 giờ sáng. Trước đây, Thắm luôn ao ước có một cơn đau đẻ như những người phụ nữ bình thường khác và khi được toại nguyện, cô cũng cảm thấy cơn đau đẻ của mình bớt dữ dội hơn.
“Khi được đẩy vào phòng đẻ, mình nổi da gà. Máu me của ca mổ trước chưa dọn xong, mình nằm tạm trên bàn đẻ mổ chờ. Dịch dã thiếu nhân lực, ca đẻ của mình đã là ca thứ 6 trong kíp trực. Lúc mình bước lên bàn đẻ, bác sĩ chỉ kịp thay cái găng tay mới, còn khay hứng sản dịch vẫn còn nguyên xi, chỉ nhìn thôi đã đớn lạnh.
Cơn đau đẻ ập đến, mình không nghĩ được gì nhiều, bác sĩ bảo sao làm vậy. Mình rặn mãi không được, càng về sau càng mất sức, lại thêm cổ họng đau rát vì COVID-19. 50 phút trôi qua em bé vẫn chưa ra, cứ 5 phút, bác sĩ phải đo tim thai một lần. Sợ con ngạt, dù mệt đến mấy mình cũng cố rặn, sau đó là tiếng kéo cắt tầng sinh môn ngọt sắc, mình vừa rặn, bác sĩ vừa phải dùng khuỷu tay huých vào bụng đẩy xuống. Cuối cùng, em bé cũng chào đời khỏe mạnh và an toàn”, Thắm kể lại.
Tổ ấm hạnh phúc của bà mẹ trẻ
Do mắc COVID-19 nên mẹ con Thắm phải tách nhau ngay sau lúc sinh. Hai ngày nằm phòng bệnh chờ đợi đối với cô dài như cả năm. May mắn thay, em bé không phải nằm lồng kính nên mẹ con cô sớm được gặp mặt nhau. “Cuộc hội ngộ diễn ra ở cổng bệnh viện. Lần đầu tiên nhìn thấy con, mình cứ ngỡ đây chỉ là mơ”, Thắm tâm sự.
Khoảnh khắc ôm con trên tay, ngắm nhìn con ngủ đối với những bà mẹ hiếm muộn là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời. Thắm không có hành trình tìm con dài đằng đẵng như các bà mẹ khác nhưng cô vẫn hiểu rõ điều này, bởi hành trình giữ nhau, cùng nhau vượt cạn của mẹ con cô chẳng hề dễ dàng.
“Chỉ những người khó có con, khó giữ con mới hiểu được, để đón được con yêu phải trải qua những đau đớn, vất vả nhường nào. Nhưng chúng mình lại cảm nhận rõ hơn ai hết niềm hạnh phúc khi được ôm con trong vòng tay. Đôi khi nhìn con, mình vẫn nghĩ như đang mơ, một giấc mơ có thật”, Thảo nói.
Em bé của Thảo đã được hơn 1 tuổi. Từ ngày có con, mỗi ngày của Thắm đều đầy ắp niềm vui và ý nghĩa. Mỗi sáng thức dậy, nhìn cô con gái bé bỏng nằm bên cạnh, cô lại thấy cuộc đời bình yên đến lạ. Thắm cũng tự thấy bản thân mình chững chạc hơn, mọi suy nghĩ và quyết định đều đặt con lên hàng đầu.
“Nếu được nói một lời cảm ơn, mình muốn gửi lời cảm ơn đến cô con gái bé nhỏ của mình. Cảm ơn con đã đến bên mẹ”, Thảo cười chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Bỗng chốc, tất cả những đớn đau, tủi thân, thất vọng trước đây của Ngọc Hoa đều trở nên xứng đáng. Sự xuất hiện của cô con gái bé nhỏ đã bù đắp cho cô tất cả.