Lên chùa 'sám hối' dịp cuối năm

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

5h ngày giáp Tết, Minh Duy nhẹ nhàng bước vào chánh điện ngôi chùa ở gần nhà, thỉnh ba tiếng chuông rồi bắt đầu tụng Kinh Phổ môn cùng các sư thầy.

"Kinh Phổ môn giúp tôi tĩnh tâm, bớt tham sân si, hiểu về luật nhân quả và học cách tha thứ cho người xung quanh", chàng trai 27 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nói sau khi kết thúc bài tụng kinh.

Duy đang trong một khóa tu ngắn ngày. Mỗi ngày anh tụng kinh hai lần, thời gian còn lại cùng các sư thầy làm oản xôi lá mít, thức xuyên đêm nấu bánh chưng dâng lên ban tam bảo. Lúc rảnh rỗi anh ngồi trò chuyện cùng các phật tử lớn tuổi, nghe kể về Tết xưa.

Duy tìm đến cửa Phật bởi áp lực cuộc sống. Công việc của anh đang trong giai đoạn không thuận lợi, liên tục tăng ca nhưng lương không tăng, đồng nghiệp hay gây mâu thuẫn. Mệt mỏi "đến mức gần như không thể chịu đựng thêm" nhưng anh không dám nghỉ bởi sợ khó xin việc khác.

"Tôi thấy nhẹ lòng hơn khi làm những việc ý nghĩa vào cuối năm, hy vọng tích thêm chút phúc đức, cuộc sống sang năm thuận lợi hơn", Duy nói.

Ngọc Trang đến một ngôi chùa ở huyện Gia Lâm, Hà Nội lễ tạ dịp cuối năm, tháng 1/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Trang đến một ngôi chùa ở huyện Gia Lâm, Hà Nội lễ tạ dịp cuối năm, tháng 1/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối tuần nào Ngọc Trang cũng đến một ngôi chùa ở huyện Gia Lâm, Hà Nội làm công quả, tụng kinh sám hối.

Nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi quê Bắc Ninh phải xử lý công việc của hai người bởi công ty cắt giảm nhân sự. Công việc áp lực, chuyện tình cảm không thuận lợi khiến Trang muốn tìm đến nơi bình yên.

Tại chùa, Trang được các sư thầy hướng dẫn đọc kinh, niệm Phật và viết sớ cầu bình an. Cô cũng tham gia quét dọn, trồng hoa và trang trí cảnh quan trong chùa để đón Tết.

Thay vì tiếng thúc giục của cấp trên, chuông báo điện thoại từ nhóm chat công việc, Trang thích nghe tiếng gõ mõ, chuông chùa mỗi sáng thức giấc. "Đây là cuộc sống những ngày cuối năm tôi luôn mơ ước được trải nghiệm", Trang nói.

Trang và Duy là những đại diện của xu hướng "lên chùa sám hối, tổng kết năm cũ và cầu bình an cho năm mới" mới xuất hiện trong giới trẻ từ cuối tháng 12/2024. Các khóa tu ngắn hạn, buổi cầu kinh sám hối do một số chùa ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP HCM tổ chức, thu hút đông người tham gia.

Khi đến chùa, họ được trải nghiệm cuộc sống tạm thời không Internet, viết sớ cầu bình an cho gia đình, nấu cơm thiện nguyện hay cùng dọn dẹp, trang trí cảnh quan tại đền, chùa.

So với khóa tu mùa xuân, hè thu hút hàng trăm người, những ngày cuối năm chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc cá nhân đến chùa làm công quả.

Đại diện một câu lạc bộ chuyên tổ chức các khóa tu ở Hà Nội nói người trẻ đến chùa làm công quả, sám hối dịp giáp Tết đa phần trong độ tuổi 24-35. Mục đích chủ yếu của họ là hiểu hơn về Phật giáo, học các nghi thức, lễ nghi thờ cúng về phụ giúp bố mẹ. Số khác gặp áp lực tinh thần, muốn đến giải tỏa.

"Là lý do gì thì việc thành tâm đến chùa tìm sự bình an, mở lòng với người lạ cũng nên làm để trút bỏ muộn phiền", người đại diện nói.

Các bạn trẻ tham dự khóa tu tại một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Ảnh: Sinh viên sống không hối tiếc

Các bạn trẻ tham dự khóa tu tại một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Ảnh: Sinh viên sống không hối tiếc

"Việc người trẻ lên chùa giải tỏa áp lực tâm lý là điều nên khuyến khích. Một số người có thể thấy lạ lẫm nhưng không nên định kiến rằng họ yếu đuối, suy nghĩ viển vông hoặc làm việc vô nghĩa", chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội, nói.

Theo chuyên gia, giáo dục ngày nay đang chú trọng đến lý thuyết chưa dạy người trẻ cách thích nghi với cuộc sống, đối diện với khó khăn. Cường độ làm việc cao, ít được nghỉ ngơi hoặc ảnh hưởng của làn sóng sa thải sau đại dịch cũng khiến họ gặp bất ổn về tâm lý.

Ưu tiên cân bằng cuộc sống, nhu cầu được hỗ trợ sức khỏe tinh thần là xu hướng chung của thế hệ trẻ trên khắp thế giới. Khảo sát của công ty tuyển dụng quốc tế Randstad với 26.000 nhân sự ở 35 quốc gia cho thấy 85% Gen Z coi cân bằng cuộc sống là ưu tiên cao nhất, 66% coi sức khỏe tinh thần quan trọng hơn mọi yếu tố khác như thu nhập, cơ hội thăng tiến...

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tỷ lệ người đến khám các bệnh liên quan đến tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm tăng khoảng 20%. Đa số các trường hợp gặp áp lực học tập, công việc, đặt mục tiêu cuộc sống cao hoặc bị thúc ép kết hôn, lập gia đình sớm.

Tuy vậy, chuyên gia cho rằng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội khiến một số người hiểu sai về việc "tích đức" hay "gánh nghiệp". Từ đó họ mới nghĩ cần phải đi tụng kinh sám hối, làm công quả hay phóng sinh để đón nhận năng lượng tích cực, gặp may mắn.

Như với Minh Duy, mỗi lần công việc không thuận lợi anh đều đến chùa tụng kinh. Anh hy vọng có thể giảm bớt những lỗi lầm vô tình mắc phải trong cuộc sống.

Chuyên gia Vũ Thu Hương khuyên người trẻ cần đối diện với khó khăn, học cách chấp nhận những sai lầm và tìm cách giải quyết thay vì cho rằng "là nghiệp phải gánh". Khi nhìn rõ vấn đề, họ dần trở nên mạnh mẽ và tích thêm nhiều kinh nghiệm sống.

"Đến chùa làm công quả, đọc kinh sám hối cũng nên làm lúc rảnh rỗi để giải tỏa tâm lý nhưng không nên sa đà vào mê tín", bà Hương nói.

Lê Dung, 25 tuổi đi chùa Long Hưng ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đầu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Dung, 25 tuổi đi chùa Long Hưng ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đầu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai năm trở lại đây, Lê Dung duy trì thói quen cuối năm đi đền, chùa phóng sinh thả cá, chim rồi tụng kinh, niệm phật giúp tâm thanh tịnh. Nữ MC truyền hình ở Hà Nội thích cảm giác cùng hàng nghìn phật tử, phần lớn là người trẻ tu tập tại chùa và hoàn thiện bản thân.

"Thay vì đi du lịch, tiệc tùng cuối năm gây tốn kém, việc tới chùa khiến tôi thấy thư giãn hơn, bản thân cũng trở nên tích cực và yêu đời hơn sau những khóa tu", cô gái 25 tuổi cho biết.

Bị trộm xe máy trị giá hơn 20 triệu đồng nhưng thay vì khóc lóc hay truy tìm thủ phạm, Ngọc Trâm bắt đầu thực hành viết lời cảm ơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN