Lễ Vu Lan, có bao nhiêu người lấy bông hồng cài áo?

Báo ơn cha mẹ là chuyện của một đời chứ đâu chỉ một ngày, nhưng chẳng phải cũng nên dành một ngày trọn vẹn về ngẫm nghĩ nhiều hơn về điều đó.

Valentine (14/2), giáng sinh (25/12)… đã trở thành những ngày quá quen thuộc với giới trẻ Việt. Nó được mặc định là ngày của tình yêu, ngày của những bó hoa, món quà và ngày của những lời “mật ngọt”. Trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy tình yêu nảy nở, từ đường phố, rạp chiếu phim cho đến mạng xã hội... đến mức những ai còn FA phải ghen tị mà thốt lên “bội thực tình yêu”.

Nhưng có mấy ai biết đến ngày lễ Vu Lan (15/7 âm lịch)? Mấy ai biết đây là ngày báo hiếu, báo ơn cha mẹ, ngày trở về nói đôi lời yêu thương với đấng sinh thành? Mấy ai biết, trong ngày này nên có một bông hồng cài áo, hồng đỏ dành cho những người còn cha mẹ, hồng trắng dành cho những bậc sinh thành đã khuất?

Lễ Vu Lan, có bao nhiêu người lấy bông hồng cài áo? - 1

Bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ trong lễ Vu Lan (ảnh minh họa)

Còn nhớ, dịp Tết 2015, trong một clip quảng cáo, một số bạn trẻ Việt được yêu cầu gọi điện về nói lời yêu thương cha mẹ. Thật kỳ lạ, chỉ với ba từ đơn giản “con yêu cha/mẹ” mà hầu hết các bạn trẻ phải hít vào, thở ra, lấy hết can đảm mới thốt lên thành lời. Còn các bậc cha mẹ thì hết ngỡ ngàng đến ngạc nhiên, thậm chí còn không tin vào tai mình khi nhận được lời yêu thương từ con cái. Clip đó chỉ sau 4 tuần xuất hiện đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem cùng hàng nghìn chia sẻ, bình luận.

Có lẽ không ít người thắc mắc, tại sao câu nói chỉ vỏn vẹn 3 từ mà khó nói ra đến thế? Đơn giản bởi nó không được nói thường xuyên, thậm chí với một số người đó còn là “lần đầu”, mà lần đầu của thứ gì chẳng khó khăn, e ngại.

Cha mẹ sinh thành, dưỡng giục con cái không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình yêu thương vô bờ bến, cho đi không hòng nhận lại. Một chuyên gia tâm lý trong khi nói về công ơn cha mẹ đã đặt ra ba câu hỏi: “Ai có thể nuôi ta một bữa cơm/10 ngày cơm/1 năm/20 năm/40 năm?”; “Khi ta thất bại, đau khổ, chán chường, mệt mỏi, đâu là chốn bình yên ta có thể trở về?”; “Sau tất cả những lỗi lầm, đâu là nơi vẫn đón nhận và tha thứ cho ta?”. Vỏn vẹn có vậy đã đủ nói lên tấm lòng vĩ đại của đấng sinh thành.

Về phía con cái, họ đón nhận tình yêu thương đó như một điều hiển nhiên, dù có nói yêu, có tặng quà, có bày tỏ tình cảm hay không thì thứ họ nhận được vẫn là sự chăm lo không tính toán của cha mẹ. Có bao nhiêu người trong chúng ta từng 5 ngày tiệc lớn, 3 ngày tiệc nhỏ nhưng cả tháng không có nổi bữa cơm chung cùng cha mẹ;  có thể bỏ ra cả số tiền lớn để mua quà nịnh người yêu nhưng chưa từng mua được cho cha mẹ một bó hồng… Ấy vậy mà chỉ cần nói: “hôm nay con sẽ về”, là đã biết chắc có một mâm cơm tinh tươm, nóng hổi đang chờ ở nhà.

Nhưng như vậy không có nghĩa là các bậc sinh thành không cần được nghe, được thấy tình yêu con cái dành cho mình. Họ cho đi không tính toán, nhưng họ đáng được nhận lại, dù đó chỉ là một câu nói yêu thương. Vì thế đừng ngại ngùng, đừng lo mình đang sến súa.

Nhưng cũng hãy nói sao để cha mẹ có thể nghe thấy. Đừng chỉ trăn trở, thổn thức, rơi nước mắt trên “phây”. Những dòng trạng thái mùi mẫn như: “Yêu mẹ nhất trên đời”, “Con nhớ cha nhiều lắm” hay những hình ảnh cảm động, những câu chuyện đẫm nước mắt về tình phụ mẫu trên Facebook thật khó để cha mẹ đọc được. Bạn có thể gõ phím, có thể like (thích)… nhưng ngay sau đó hãy chạy về nhà, hãy nhấc máy lên và gọi điện cho mẹ nói những điều bạn vừa viết ra. Cha mẹ cần những điều đơn giản lắm, đó là nhìn thấy khuôn mặt bạn, nghe được giọng nói bạn.

Mùa Vu Lan đang đến gần, hãy can đảm nói “con yêu cha/mẹ”, hãy nghĩ đơn giản đó chỉ là cách lấy hơi từ thanh quản rồi phát âm thành giọng nói. Nếu bận rộn, nếu ngượng ngùng… nếu không thể nói câu đó trong 365 ngày thì chẳng phải đã có riêng một ngày đúng dịp, đúng nghĩa để làm điều đó?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN