Làm thuê đỗ thủ khoa

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Tâm từ khi học lớp 10 đến nay, ngày nào không phải đi học là Tâm cùng đi làm thuê với mẹ.

Tâm mỉm cười chào tôi nhưng gương mặt phảng phất nét ưu tư, mệt mỏi. “Em đang trong đợt trị liệu 2 tháng để chữa bệnh á sừng. Em mắc bệnh lâu rồi, được chữa trị nhiều đợt nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Mẹ đi làm thuê quanh năm suốt tháng kiếm tiền lo cho em và bà ngoại gần 80 tuổi trong khi bản thân mẹ cũng bị đau cột sống và khớp chân, trời trở lạnh thì càng đau” - Tâm tâm sự.

Mẹ của Tâm là Cao Thị Thanh Lam, hiện cư ngụ tại tổ 4, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng. 18 tuổi, chị Lam xung phong đi bộ đội vào Trường Sơn. Chị đã được tặng kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn đường mòn Hồ Chí Minh. Cuộc đời vất vả, chìm nổi, mãi đến khi gần 40 tuổi chị Lam mới sinh được Tâm.

Chị Lam từng là nhân viên văn thư lưu trữ nhưng xin nghỉ hưu sớm. Lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cho sinh hoạt của 3 người trong gia đình và nuôi con ăn học nên chị đi làm thuê (cắt nấm) với tiền công 100.000 đồng/ngày.

Làm thuê đỗ thủ khoa - 1

Học sinh đầu tiên của Trường THPT Đức Trọng đỗ thủ khoa đại học.

Tâm từ khi học lớp 10 đến nay, ngày nào không phải đi học là Tâm cùng đi làm thuê với mẹ. Ban đầu em được trả công 40.000 đồng/ngày rồi nâng dần lên 60, 80 và bây giờ là 100.000 đồng/ngày. “Mẹ thiệt thòi và vất vả nhiều rồi, đỡ đần mẹ được chút nào hay chút nấy. Em ước có chiếc xe máy để chở mẹ đi vì bao năm qua mẹ chỉ có chiếc xe đạp ” - Tâm nói.

Tâm là thủ khoa đầu vào của Đại học Đà Lạt trong đợt tuyển sinh vừa qua với 26,5 điểm và học tại Khoa Ngữ văn & Văn hóa học. Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) tự hào vì lần đầu tiên học sinh của trường đỗ thủ khoa.

Trả lời câu hỏi vì sao học chuyên khối A suốt ba năm ở THPT nhưng lại dự thi sư phạm văn, Tâm nói: Ở bậc THCS, em được một cô giáo cũng tên là Tâm dạy văn. Cô dạy rất hay và khuyên em nên theo ngành này. Khi vào cấp III, do điểm thi đầu vào của em khá cao nên được xếp vào học khoa học tự nhiên. Đến lúc làm hồ sơ thi đại học, em cũng phân vân lắm nhưng cuối cùng chọn ngành văn vì tin vào lời khuyên của cô giáo ngày nào và thấy mình cũng có năng khiếu.

“Em không đọc văn mẫu mà thích đọc các tác phẩm; đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thấy thấm, thấy hay. Em thích nhất là truyện Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam bởi đồng cảm với tuổi thơ tăm tối, vất vả, đơn côi của các nhân vật chính” - Tâm chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN