Làm ơn đừng mang lòng trắc ẩn ra lừa đảo!
Lòng trắc ẩn của con người đang bị đem ra để trục lợi khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Hàng loạt thủ đoạn đánh vào lòng thương cảm của người dân để kiếm lợi bất chính. Những người thực hiện các chiêu trò này thường có bộ dạng rất đáng thương, tội nghiệp. Lòng trắc ẩn của con người đang bị đem ra để trục lợi khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Chiêu lừa của người bán bánh chuối ở TPHCM
Những ngày qua, câu chuyện về một người đàn ông bán chuối chiên không may bị té ngã và đổ hết bánh ra đường khiến nhiều người thương cảm.
Và nhận được 100.000 đồng đầu tiên từ một người qua đường tốt bụng
Tuy nhiên, ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ, ngoài những bình luận thương cảm và kêu gọi tìm người đàn ông nghèo khổ này để giúp đỡ, nhiều người đã lên tiếng "vạch trần" thủ đoạn của người đàn ông kia. Họ cho biết đã từng thấy người đàn ông này ở một số khu vực trên địa bàn TP. HCM. Có người đã gặp người này với hoàn cảnh tương tự ở đường Yersin, Quận 1, có người thấy ông ấy bị đổ bánh ở Quận 10, rồi lại đến Quận 6...
Sau khi được cho tiền và giúp đỡ, người đàn ông lại bưng mâm bánh lên giữa cầu, tiếp tục dùng chiêu cũ để xin tiền...
Trong số các bình luận của mọi người, một cô gái có tên T.D cho biết: "Ông này ở gần nhà mình, ngày nào ông ấy cũng ra đầu hẻm mua khoai lang, chuối chiên để đến các bệnh viện, chợ, những nơi đông người... để thực hiện hành vi té giả làm tay bị đau, rồi tự làm rớt mâm bánh xuống đường để mọi người thương hại mà cho tiền. Mọi người đừng tin ông ấy".
Chiêu trò lừa tiền người tốt của cụ già vờ nghèo khổ
Tháng 9/2014, một thành viên trên fanpage khá nổi tiếng trên mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện "lừa đảo ngoạn mục" của một cụ già, giúp mọi người tránh bị dính bẫy.
Theo như fanpage này chia sẻ, cụ già này đã kể bị con dâu hành hạ, đuổi ra khỏi nhà, trong người không có tiền để đi xe. Một anh thanh niên sau khi nghe cụ kể chuyện đã cho cụ 130.000 đồng để đi lại và ăn uống dọc đường. Số tiền này được anh thanh niên đưa cho lái xe và dặn lái xe khi nào đến nơi thì trả lại cho cụ tiền thừa.
Nhưng ngay sau đó ít phút, khi anh thanh niên kia xuống xe thì cụ già liền đổi giọng, nói anh thanh niên vừa rồi là con rể cụ, thường xuyên đánh con gái cụ... Cả xe đã bàng hoàng khi biết cụ là một tay lừa đảo, láu cá chuyên nghiệp.
Tây balo giả cướp, xin tiền du lịch?
Cách đây chưa lâu, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ bức ảnh hai du khách nước ngoài đang ngồi xin tiền ở bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vì bị cướp sạch. Thương khách du lịch phương Tây gặp vận đen, rất nhiều người đã cho cặp đôi này tiền, rồi đưa lên các mạng xã hội nhờ giúp đỡ.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số độc giả, cặp đôi này không hề bị cướp. Họ xin tiền là để ăn nhậu, đi du lịch. Bởi trước đó, bức ảnh của cặp đôi này đang ngồi uống bia, tươi cười vui vẻ ở Tạ Hiện cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.
Hai du khách "xin tiền" tại vỉa hè Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Khá nhiều người cho tiền hai du khách
Cặp đôi được xác định là anh Tautvydas Urbelis (26 tuổi, quốc tịch Lithuanian) và bạn gái cùng quốc tịch. Họ khai bị kẻ gian lấy hết tài sản khi đến Hà Nội và mong được giúp đỡ. Nhưng, khi lực lượng chức năng thuyết phục về trụ sở công an khai báo để nhận được sự giúp đỡ thì cặp đôi này nhất quyết từ chối. Theo thông tin trên một số trang mạng, sau đó, cặp đôi này đã xuất hiện đi du lịch ở TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
Kết
Lòng tốt và tinh thần giúp đỡ người hoạn nạn ở đâu và lúc nào cũng cần được khuyến khích, đề cao. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những trường hợp sức dài vai rộng nhưng lười lao động, lợi dụng lòng thương người để lừa lọc, “móc túi” của người đi đường một cách trắng trợn.
Người dân cần cảnh giác khi thấy có dầu hiệu lừa đảo. Nếu phát hiện tình trạng như trên, cần phối hợp báo cho cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm, để người dân không còn đắn đo, trăn trở trước mỗi hành động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn gặp phải trên đường.