Làm cả năm không đủ lo 3 ngày Tết
Tết là nỗi lo của nhiều người trưởng thành trong năm kinh tế khó khăn.
Bài toán kinh tế ngày Tết khiến nhiều người đau đầu (ảnh minh hoạ)
Bài toán chi tiêu ngày Tết khiến nhiều chị em đau đầu, nhất là vào năm kinh tế khó khăn như năm nay. Trên các diễn đàn tâm sự hay các nhóm chat văn phòng, câu chuyện chi tiêu ngày Tết sao cho hợp với túi tiền là đề tài được bàn luận nhiều hơn cả.
Làm cả năm không đủ lo 3 ngày Tết
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là tâm sự thật của chị Tú Oanh (30 tuổi, nhân viên kế toán). Chị là nhân viên kế toán của công ty gia đình, lương chỉ khoảng 8-9 triệu đồng, ngoài ra không có thu nhập thêm. Chồng chị thì thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của gia đình 4 người với hai đứa con ăn học ở đất thành phố khá chật vật. Hàng tháng, vợ chồng chị kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy nên vào dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, chị có rất nhiều nỗi lo. Thường chị sẽ trông đợi vào khoản thưởng Tết để có tiền trang trải nhưng năm nay, thưởng Tết của chị cũng giảm đi một nửa nên nỗi lo Tết lại càng nhân lên gấp bội.
Chị Tú Oanh chia sẻ, dù cố gắng tiết kiệm, bớt cái nọ, giảm cái kia nhưng khoản tiền cần chi tiêu cho Tết cũng không nhỏ. Tiền tàu xe đi lại, sắm sửa quần áo cho con, tiền lì xì Tết, tiền biếu ông bà hai bên nội ngoại… Chị dự kiến phải chi 20 triệu đồng cho Tết, khoản tiền dù không lớn so với người khác nhưng là quá tải so với gia đình chị.
“Cả năm mới có ngày Tết, chẳng lẽ không sắm được bộ quần áo mới cho con. Bố mẹ hai bên cũng già rồi, không ít thì nhiều cũng phải biếu ông bà. Cứ nói là “nhiều tiền ăn Tết to, ít tiền ăn Tết nhỏ” nhưng có những thứ không đừng được. Bởi vậy, Tết năm nào cũng là nỗi sợ của tôi, nhiều khi chỉ ước Tết đừng vội đến”, chị Tú Oanh ngậm ngùi.
Cùng chung nỗi niềm, chị Phùng Xuân (33 tuổi) cũng lo ngay ngáy tiền chi tiêu Tết. Năm nay, Tết đối với chị càng buồn khi không có thưởng Tết, cũng không có lương tháng 13. Năm vừa qua, chị “nhảy việc” 2 lần, cách đây 1 tháng lại bị cho nghỉ việc vì công ty gia đình gặp khó khăn, chủ công ty chỉ giữ lại người nhà, cắt giảm người ngoài. Chỉ còn gần nửa tháng nữa là đến Tết, chị phải tìm công việc thời vụ để thêm thắt vài đồng, phụ chồng lo Tết.
Tết nào cũng vậy, nhà chị Xuân luôn có những khoản cố định phải chi. Vợ chồng chị quê Nghệ An, tiền xe hai chiều đi về cho 3 người là khoảng 2 triệu đồng, sắm sửa Tết khoảng 3 triệu đồng, biếu ông bà hai bên nội ngoại 10 triệu đồng, tiền lì xì Tết 5 triệu đồng… Chưa kể, mang tiếng đi làm ăn xa, cả năm về quê được 1 lần, chị còn phải mua quà biếu vài người anh em thân thiết. Bởi vậy, dù rất nhớ nhà nhưng nghĩ đến tiền tiêu Tết chị lại… ngại về.
“Vạch sẵn những khoản phải chi tiêu là thế nhưng đến giờ vợ chồng tôi vẫn chưa gom đủ tiền. Cả nhà tôi vẫn đang trông vào khoản thưởng Tết của chồng, Tết no đủ hay thiếu thốn cũng chỉ ở đó”, chị tâm sự.
Không dám về quê vì không có tiền thưởng Tết
Chị Liễu (28 tuổi) nhẹ nhõm hơn phần nào kể từ khi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Chị cho biết, không về quê chị rất nhớ nhà nhưng đổi lại, cắt giảm được rất nhiều khoản chi tiêu. Chị chấp nhận điều đó bởi năm nay là một năm đặc biệt với gia đình chị.
Vợ chồng chị Liễu cùng quê Hà Tĩnh, sống và lập nghiệp ở Hà Nội. Năm nay, vợ chồng chị quyết định dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để mua một căn chung cư nhỏ. Có tổ ấm mới, chị rất hạnh phúc nhưng lại phải đối mặt với một cái Tết… nghèo. Nghĩ về khoản tiền tàu xe vài triệu đồng cho 4 người, tiền lì xì Tết, tiền mua quà biếu họ hàng nội ngoại… chị áp lực suốt mấy tuần liền.
“Từ khi biết công ty năm nay không có thưởng Tết, chỉ cho mỗi người 1 triệu đồng gọi là “mừng xuân”, tôi quyết định bàn với chồng ở lại Hà Nội ăn Tết. Tôi tiết kiệm được một khoản chi khá lớn cho Tết, chỉ cần mua chút đồ trang trí nhà mới cho có không khí, mua bộ quần áo mới cho con, chuẩn bị ít tiền để cả gia đình đi cà phê cho đỡ buồn… Quanh quẩn vài ngày rồi mùng 6 bố mẹ đi làm, con đi học là xong cái Tết”, chị chia sẻ.
Dẫu vậy, chị Liễu vẫn rất buồn khi không thể về quê sum vầy bên bố mẹ, anh em họ hàng và lo các con phải đón một cái Tết hiu quạnh nơi xa xứ. Chị chỉ mong năm sau kinh tế vững hơn để vợ chồng con cái vui vẻ kéo nhau về quê ăn Tết.
Nỗi lo chi tiêu ngày Tết là không của riêng ai. Thế nhưng, thay vì gồng mình sắm một cái Tết to để rồi ra giêng “cháy túi”, các cặp vợ chồng nên có kế hoạch chi tiêu Tết tỉ mỉ, tiết kiệm. Tết to hay nhỏ không quan trọng bằng niềm vui sum vầy bên gia đình.
Người chồng cực kì bức xúc với người vợ tiêu tiền không tiếc tay của mình, thậm chí anh ta còn muốn bỏ vợ. Tuy nhiên, khi biết số tiền anh ta đưa cho vợ thì ai cũng phải...
Nguồn: [Link nguồn]