Lạ đời bố chồng “soi” con dâu từ chuyện… gặm xương

Từ bé tôi đã thích nhai dập xương đùi gà, mút tủy bên trong...

Kể cũng lạ, hồi mới cưới, tôi cứ lo liệu có hòa hợp được với mẹ chồng hay không. Hóa ra là tôi lo thừa. Mẹ chồng tôi dễ tính và nhỏ nhẹ, nhưng bố chồng thì khó tính vô cùng, lại còn hay soi xét những chi tiết nhỏ tí ti.

Tôi về nhà, từ chuyện quét nhà, quét sân, nấu cơm, nhặt rau… tôi đều làm dưới sự giám sát của bố chồng, uốn nắn từng tí một. Đồng ý là tôi vụng về, không biết làm việc nhà, đồng ý là bố chồng tôi dạy gì đều đúng cả nhưng sự sát sao thái quá như vậy khiến tôi cảm thấy ngạt thở.

Ngay cả tới chuyện ăn cơm cũng vậy. Người ta nói: "Trời đánh còn tránh miếng ăn", vậy mà, lúc ăn tôi cũng chẳng được yên thân. Từ bé tôi đã thích nhai dập xương đùi gà, mút tủy bên trong. Thử hỏi, như vậy mà cũng sai à? Thế mà bố chồng tôi bảo, ăn như thế vừa hại răng lợi, vừa mất mỹ quan, với lại ăn cơm thì phải có ý nhai không phát ra tiếng động. Nghe mà vừa mất hứng ăn uống, vừa xấu hổ.

Cứ gần tới thứ Bảy là tôi lại thấy căng thẳng, mệt mỏi hơn khi biết là sắp phải về nhà gặp bố chồng. Tôi thậm chí còn mong ngày nào cũng phải đi làm để đỡ phải về nữa. Liệu có cách nào khiến tôi thoải mái hơn không?

(Dịu, Hưng Yên)

Lạ đời bố chồng “soi” con dâu từ chuyện… gặm xương - 1

Ảnh minh họa

Dịu thân mến,

Ông bà ta có câu: Nhập gia tùy tục. Một đất nước có luật pháp và chuẩn mực xã hội, một gia đình có gia pháp và nề nếp riêng. Vì thế, để hòa nhập được với gia đình chồng, bạn phải xác định tư tưởng rằng, chính bạn là người phải thay đổi đầu tiên, trước khi nỗ lực để làm ai đó thay đổi.

Theo như những gì bạn kể, quả thật, bố chồng bạn là người kỹ tính, nhưng hầu hết những lời dạy bảo của ông đều đúng phải không? Bạn tự nhận mình là người vụng về, không đảm việc nhà đúng không? Vậy hãy suy nghĩ một cách tích cực hơn xem nào. Hai ngày về quê là hai ngày bạn tham gia vào khóa học nữ công gia chánh, quán xuyến gia đình, và bố chồng bạn chính là giảng viên tâm huyết, tận tụy. Như vậy, chẳng phải mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn sao? Hãy làm những việc mà bố chồng dạy một cách tự nguyện, nhiệt tình vì điều đó có ích cho bạn, giúp bạn hoàn thiện mình hơn. Tại sao bạn phải hậm hực, miễn cưỡng, khó chịu khi bố chồng bạn dạy không sai?

Người già đôi khi khó tính thái quá vì cảm thấy cô đơn, vì muốn đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ con cái. Bạn nên tìm ra một chủ đề nào đó mà cả hai bố con có thể cùng trò chuyện, bàn luận được. Vì có quan hệ tốt với mẹ chồng nên bạn hoàn toàn có thể nhờ bà tư vấn giúp. Những cuộc trò chuyện về thời chiến đấu (nếu ông từng đi bộ đội), chuyện làng quê… sẽ giúp bố chồng, con dâu hiểu nhau hơn và dễ cảm thông với nhau hơn.

Khi làm việc nhà và khi giải quyết các vấn đề gia đình, hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách chủ động hỏi ý kiến của bố chồng. Hộp thầm kín tin rằng, việc làm này sẽ khiến bạn “ghi điểm” với bố chồng đấy.

Chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hộp thầm kín ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN