Kỹ sư giao thông và bước ngoặt bất ngờ
Từ bỏ công việc có thu nhập cao ở Sài Gòn, một kỹ sư trẻ trở về quê hương làm giàu với nhiều mô hình kinh tế kết hợp, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại vùng quê nghèo.
Từ mô hình mới…
30 tuổi nhưng Ngô Thanh Phong, trú tại thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) là chủ nhân của hàng loạt mô hình kinh tế kết hợp bao gồm nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, nuôi chim yến, mở cơ sở mây tre đan, nuôi bồ câu và gà thịt đem lại thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cơ sở mây tre đan của anh tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Sau khi người dân hoàn thành sản phẩm, anh thu mua và phân phối ra thị trường.
Tốt nghiệp ngành xây dựng, trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, anh Ngô Thanh Phong (30 tuổi) có một công việc đúng chuyên ngành học với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần 6 năm lặn lội với các công trình nhưng vẫn không tìm thấy niềm đam mê.
Đầu năm 2012, một lần về quê, Phong thấy quê mình có nhiều diện tích đất khá rộng và bằng phẳng nhưng để hoang hóa, Phong thuyết phục bố mẹ để mình vay vốn mua đất xây dựng chuồng trại thử nghiệm chăn nuôi với mô hình hoàn toàn mới- nuôi heo trên nền đệm sinh học mà anh đã có dịp ghé thăm một số mô hình trong thời gian anh làm kỹ sư ở miền Nam.
Nuôi heo theo mô hình lót đệm sinh học là mô hình trước nay chưa từng làm tại địa phương. Vì vậy, để có những kiến thức cơ bản, Phong phải dành thời gian hàng tháng trời đọc sách về kỹ năng chăn nuôi, tham khảo các mô hình thành công trên mạng và gửi câu hỏi thắc mắc nhờ các chuyên gia tư vấn.
Sau đó, Phong mạnh dạn sử dụng nguồn heo giống vốn có của gia đình để thử nghiệm và nhân rộng cả về số lượng và kỹ thuật.
Phong cho biết, ưu điểm của mô hình chăn nuôi này chính là không gây ô nhiễm môi trường. Lớp lót chuồng bằng trấu, mùn cưa khi gặp phân heo sẽ phản ứng lên men nên người nuôi không phải tốn công vệ sinh chuồng trại.
Hiện tại, mô hình nuôi heo lót đệm sinh học của anh có gần 100 con heo cho thịt, mỗi năm cho xuất bốn lứa, sau khi trừ chi phí, Phong lãi khoảng 120 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở thành công nuôi heo thịt, tháng 12/2012, Phong tiếp tục mở rộng mô hình nuôi chim yến. Lợi dụng địa hình rộng, khí hậu thuận lợi cho yến sinh sống, Phong dày công tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến để nuôi chim yến.
Đến nay anh đã có khoảng 500 cặp chim yến, mỗi tháng Phong dắt túi từ 20-25 triệu đồng. Thừa thắng xông lên từ mô hình heo, chim yến thành công, Phong triển khai thí điểm nuôi 100 cặp bồ câu, hàng trăm con gà thịt, mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi gia súc tại gia đình.
...Đến tạo việc làm
Có nguồn thu nhập ổn định từ các mô hình làm giàu nhưng chàng trai trẻ vẫn thấy băn khoăn khi chứng kiến nhiều người dân tại địa phương không có công ăn việc làm nào khác ngoài việc đồng áng. Phong tìm cách liên hệ với một công ty cung cấp nguyên liệu mây tre đan. Anh kết nối và mở cơ sở mây tre đan cung ứng nguyên liệu.
Bà con nhận đem về đan lát thành sản phẩm hoàn thiện rồi nhập lại để Phong phân phối sản phẩm đi nhiều nơi dọc các tỉnh miền Trung. Hiện tại, cơ sở của Phong đang tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương, chủ yếu là nông dân, có thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Với nguồn thu nhập khá từ các mô hình kinh tế kể trên, Phong thường xuyên quyên góp đầu tư xây dựng nhiều công trình công ích như đầu tư hệ thống dây điện cho thôn, ủng hộ tích cực quỹ khuyến học… của địa phương. Với thành quả từ các mô hình kể trên, nhiều người dân địa phương thường gọi anh là “ông chủ trẻ” làm giàu của xã.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Chuỗi mô hình làm giàu của anh Phong đã tạo ra nhiều hiệu ứng cho bà con trong xã nhân rộng các mô hình mới. Không chỉ nhiệt tình tư vấn cách làm giàu và tạo việc làm cho bà con, Phong còn tham gia rất tích cực các hoạt động Đoàn, Hội của địa phương. Những tấm gương trẻ vươn lên làm giàu như vậy, rất đáng trân trọng”.
Hiện tại, mô hình nuôi heo lót đệm sinh học của anh có gần 100 con heo cho thịt, mỗi năm cho xuất bốn lứa, sau khi trừ chi phí, Phong lãi khoảng 120 triệu đồng/năm. |