Kỹ nghệ dụ dỗ sinh viên con nhà giàu

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Hiện nay đang xuất hiện một loại “cò” hành nghề chăn dắt, dụ dỗ sinh viên con nhà giàu sa vào ăn chơi để thu lợi bất chính. Đây là câu chuyện, là kinh nghiệm mà các tân sinh viên, cũng như phụ huynh cần quan tâm.

Nắm bắt được thị hiếu đua đòi, lêu lổng của một bộ phận nhỏ thanh niên, sinh viên từ quê ra phố học hành, làm việc, đội quân “thợ săn” mai phục, đón lõng với những chiêu trò ma mãnh.

Qua 12 năm khổ luyện đèn sách, vào được giảng đường đại học là niềm vui và là nấc thang quan trọng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Thế nhưng, một số tân sinh viên gia đình có điều kiện vừa đạt được chút thành tích đã mắc bệnh tự mãn.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang lo lắng cho môi trường học tập mới thì một số “cậu ấm, cô chiêu” này lại tạm gác học hành, dành thời gian “giao lưu”, “tìm hiểu” thú vui lạ. Với tâm lý đó, những sinh viên này dễ lọt vào tấm ngắm của những “thợ săn”.

Kỹ nghệ dụ dỗ sinh viên con nhà giàu - 1

Không ít sinh viên ham ăn chơi thì rất dễ dính bẫy (Ảnh minh họa)

Theo Hoàng “trọc” - một tay chơi thì “săn” sinh viên có điều kiện không có gì khó. Hoàng cho biết, chỉ cần ngồi la lê quán xá quanh các trường đại học sẽ dễ dàng nhận ra những sinh viên có “tiềm năng”. Tùy ngoại hình và tính cách thể hiện của từng đối tượng, các “thợ săn” sẽ đưa ra những loại “mồi nhử” phù hợp.

Nhận diện “thợ săn”

Thông qua Hoàng “trọc”, phóng viên được biết những “thợ săn” được các tay anh chị giao nhiệm vụ “cò mồi” trinh sát, làm quen với những thiếu gia, ái nữ có điều kiện, không ai khác chính là những sinh viên khóa trước. Nhóm “thợ săn” này trước kia cũng từng là “con mồi” và giờ đây khi lún sâu vào vũng bùn, biến thành “cò mồi” tiếp tay cho những kẻ làm giàu bất chính.

Những thiếu gia, tiểu thư tỉnh lẻ tại trường đại học dân lập X. không xa lạ gì với Quý “ròm”, một tay “thợ săn” mác sinh viên. Bề ngoài của Quý không bảnh, dáng cao lêu nghêu nhưng về độ chịu chơi hồi mới bước vào giảng đường thì ít ai sánh bằng. Quý “ròm” xuất thân trong gia đình có điều kiện ở đất mỏ, bố mẹ đều kinh doanh, lại là con độc nhất nên rất được cưng chiều.

Vì vậy, khi con đỗ đại học, bố mẹ Quý “ròm” không ngần ngại tậu ngay cho con một con SH màu mận chín. Quý vung tiền tiêu xài hoang phí. Chỉ trong thời gian ngắn, cậu công tử tỉnh lẻ chẳng còn xa lạ gì với các vũ trường, điểm ăn chơi có tiếng ở Hà thành. “Con mồi” béo bở như vậy hà cớ gì cánh “thợ săn” không tìm cách tiếp cận và chẳng mấy chốc, Quý “ròm” dính bẫy.

Giờ đây hằng ngày, Quý “ròm” tranh thủ ghé qua các trường đại học để “săn mồi”. Theo một người quen biết của Quý, vốn có nhiều chiêu trò nên không khó khăn để Quý tiếp cận và làm cho những cậu ấm, cô chiêu sinh viên lao vào cuộc chơi đầy nguy hiểm.

Đi săn

Cái trò chăn dắt sinh viên nhà có điều kiện nhưng đua đòi, sĩ diện là mấy vở diễn “xưa như quả đất” vậy nhưng vẫn nhiều người sập bẫy. Để chiếm được lòng tin cũng như sự ngưỡng mộ của đám sinh viên gia đình có điều kiện, các ông trùm núp trong bóng tối, sẵn sàng chi tiền để “thợ săn” đưa các cô cậu đi sàn, đi bar, mua đồ hiệu…, đưa rước bằng ô tô. Mấy cô cậu sinh viên được thân quen với những “thợ săn” lấy đó làm hãnh diện, lên mặt với bạn bè, nâng tầm quan hệ!

Chơi với các anh dần dà oai phong lẫm liệt hơn, ra đường mặt không phải cắm xuống đất sợ mấy anh chị khóa trước nó bắt nạt hay lỡ có đụng xe thì cũng chỉ cần “cú alô” là các anh kéo đến thị uy, dằn mặt đối thủ khiến cái độ oai của các sinh viên này nổi nhanh như cồn.

Cuộc sống “xa hoa” ấy chính bẫy ngọt ngào mà những “thợ săn” cứ dần dần thít chặt khiến “con mồi” chết mà không biết. Các thợ săn giở tiếp chiêu chơi đẹp để chính thức bắt sống “con mồi”. Đó là “hết tiền thì anh cho mượn”, “chơi thì anh cho vay”… “Con mồi” cứ thế sa lầy và rất khó thoát.

Bắt “con mồi”

Khi đã quen ăn, quen chơi mà tiền thì có hạn, nhà chu cấp cả tháng chẳng đủ cho một lần lên sàn. Thế là các cậu ấm cô chiêu bắt đầu lần mò đến con đường cá độ bóng đá, chơi lô đề, thậm chí ngồi chiếu bạc.

Dính vào cờ bạc thì “bác thằng bần” rồi! Từ đây cuộc sống của những sinh viên “thời thượng” này bắt đầu rơi vào cảnh túng thiếu. Cứ thế, bao nhiêu đồ đạc, hàng hiệu đội nón ra đi. Xoay xở hết cách, họ bắt đầu tìm đến “thợ săn”. Đã đọc được tình huống này, các “thợ săn” bắt đầu diễn trò chơi đẹp, cứu các em và dẫn cậu ấm cô chiêu đến gặp trùm cho vay nặng lãi. Những ông chủ tiệm cầm đồ ẩn mình trong vỏ bọc hỗ trợ tín chấp cho sinh viên sẵn sàng giúp đỡ để “các em không dang dở chuyện học hành”. Khi đó, các cậu ấm cô chiêu ký xoành xạch vào giấy vay nợ không phải thế chấp mà chẳng mảy may suy nghĩ. Muốn bao nhiêu, có bấy nhiêu!

Như kẻ chết đuối vớ được cọc, có tiền cậu ấm cô chiêu lại lao vào cuộc chơi như thiêu thân. Cuộc sa lầy cứ thế không có điểm dừng! Thua bạc lao vào gỡ lại càng thua, khoản nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con. Khi con mồi sa lưới “các thợ săn” trở về đúng nguyên hình là những tay đòi nợ thuê. Cái đích mà các tay đòi nợ nhắm tới là bố mẹ của các cậu ấm cô chiêu, họ là quan chức, doanh nhân, những người lắm của nhiều tiền!

Thu hoạch

Hào “bệu”, một trùm ở Bắc Ninh đã rửa tay gác kiếm tình cờ chia sẻ trong một cuộc nói chuyện bên lề với phóng viên qua mối quen biết: Thời buổi làm ăn khó khăn không ít kẻ dùng kế chăn dắt sinh viên con nhà giàu để kiếm lợi. Đây là cách làm ăn rủi ro ít, thu vốn nhanh mà trúng mánh thì lãi to!

Khi đám “thợ săn” ngắm được “con mồi” ngon họ cất công đi xác minh được thân thế, gia đình, độ giàu có. Sau khi xác định được mức độ tài chính của gia đình “con mồi” sẽ có những kế hoạch cụ thể bao gồm chi phí cho cuộc săn đuổi và cách thức dẫn dụ vào bẫy.

Trung bình mỗi cuộc đi săn, các ông trùm chi cho thợ săn từ 100 đến 200 triệu đồng, tùy mức độ tài chính của “con mồi”. Việc chi tiền cho mỗi cuộc đi săn đều có những tiêu chí riêng như: Nếu gia đình “con mồi” có tổng tài sản tiền tỷ trở lên, đang buôn bán hoặc là công chức cỡ bự có nhiều tài lộc thì sẵn sàng chi mạnh cho đám “thợ săn” chăn dắt nhiệt tình.

Mỗi cuộc săn đuổi thiếu gia, ái nữ, tuy phải chi nhiều tiền nhưng việc thu hồi vốn, theo Hào “bệu” là dễ dàng. Trong từng cuộc săn đuổi, những “thợ săn” luôn là người chủ động, có sự toan tính và vạch sẵn những kế hoạch để đưa “con mồi” vào tròng. Vì thế, việc lấy lại vốn và thu lãi lớn đã nằm trong kế hoạch.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hi hữu, gặp phải gia đình rắn thì những tay “thợ săn” lại có “chính sách riêng”, như lời Hào “bệu” thì “mềm nắn, rắn buông”, cùng lắm thì lấy lại gốc thôi, không lỗ”. Bởi vì những tên “thợ săn” đã nắm được điểm yếu những gia đình quan chức, giàu có thì cái sĩ diện rất lớn. Chẳng may quý tử lỡ gây ra cơ sự này thì cũng cố cắn răng mà chịu vì lo sợ ảnh hưởng danh dự, uy tín.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Ngợi (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN