Kinh nghiệm thuê trọ cho "tấm chiếu mới": Ở đâu rẻ nhất, có nên trọ chung với bạn thân?
Sinh viên các trường đại học tại TP.HCM đang rục rịch trở lại trường sau gần 1 năm học online. Bên cạnh tâm trạng háo hức cho ngày trở lại trường, không ít bạn đang đau đầu khi phải đối mặt với “cơn khủng hoảng” mang tên: Tìm phòng trọ.
Nơi ở "hời" nhất luôn là Ký túc xá!
Trung bình phí trọ tại KTX chỉ từ 140.000 đến 580.000 đồng/người/tháng. Tiền điện nước cũng rẻ hơn so với ở trọ ngoài.
Sinh viên thường nói vui với nhau "Ưng nhất giá tiền của KTX". Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, KTX còn ghi điểm ở vị trí siêu đắc địa khi thường được xây dựng trong hoặc cạnh khuôn viên trường học nên sinh viên sẽ rất thoải mái trong việc đi lại, không lo đi học muộn, không phải chịu cảnh chờ xe, tắc đường. Bên cạnh đó, nhiều KTX còn xây dựng nhiều công trình, dịch vụ tiện ích phục vụ sinh viên như phòng y tế, phòng tự học, thư viện, sân chơi thể thao, phòng tập GYM… Yếu tố an ninh và giờ giấc cũng được nhiều phụ huynh an tâm khi để cho con ở KTX.
“Có thể bạn chưa biết nhưng “hiệu ứng đám đông” tại KTX sẽ thôi thúc bạn khó có thể nhởn nhơ xem phim, vui chơi khi nhìn các bạn khác đang chăm chỉ học bài. Nếu được ở cùng phòng với các bạn cùng ngành cùng khóa thì cũng là trải nghiệm tuyệt vời để học nhóm cùng nhau.” - Bạn Tuyết Nhung (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) bật mí.
Cô bạn Tuyết Nhung chia sẻ về lợi ích từ "hiệu ứng đám đông" khi ở KTX. Ảnh: NVCC
Việc sống trong tập thể khó tránh khỏi cảnh chín người mười ý nếu không tôn trọng nhau và luôn có những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi ở KTX đến từ bạn cùng phòng, chị quản lý, phòng kế bên, bác bảo vệ…
Khi chọn ở KTX đồng nghĩa với việc bạn đang sống trong “Không gian chung” có rất rất nhiều người. “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” là điều KTX nhắc “vui” cho sinh viên trong các thông báo. Sinh viên nên chú ý ở các khoảng giữ gìn trật tự chung, vệ sinh chung, đồ đạc dùng chung, giới nghiêm... để tôn trọng không gian riêng của các bạn sinh viên khác.
Vì sống tập thể, nên bạn không thể tự do quá mức kiểm soát đâu! Thuê trọ “tự do” - chuyện lo không ít!
Với từng mức tiền nhất định, sinh viên có thể dễ dàng lựa chọn phòng trọ theo ý thích, nhu cầu và tiện nghi được cung cấp. Dù các phòng trọ có diện tích không lớn nhưng bù lại, mỗi quận, mỗi thành phố đều có rất nhiều khu trọ, teen sẽ dễ dàng tìm được một căn phù hợp với mức sống của mình.
Tuỳ theo nhu cầu và điều kiện tài chính thì sẽ có những loại nhà trọ, cư xá, căn hộ mini hay chung cư dành cho các bạn sinh viên. Nguồn: Internet.
“Sau khi chuyển ra trọ thì mình đã tiết kiệm khá nhiều chi phí khi tự nấu ăn so với việc “ăn cơm tiệm 3 cữ”. Việc tự do nấu ăn cũng giúp mình kiểm soát được dinh dưỡng và khẩu phần ăn phù hợp với cơ thể hơn. Nhưng cũng cẩn thận vấn đề củi lửa nha” - bạn Thanh Thuý (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM).
Dù hơn 9 tháng về quê lánh dịch nhưng cô bạn Thanh Ngân (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) vẫn phải đóng tiền “giữ trọ” tại TP.HCM, một số tiền không ít nên cô bạn khuyên rằng: “Trong thời buổi dịch bệnh không ổn định như này thì không nên thuê trọ theo hợp đồng 1 năm, tầm 3-6 tháng là ổn”.
Bạn Thanh Ngân (trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM). Ảnh: NVCC
Lần đầu đi thuê phòng trọ các bạn sinh viên cần phải tham khảo trước các ý kiến của các tiền bối để biết được các địa điểm cho thuê phòng trọ uy tín. Hoặc các bạn sinh viên có thể tìm hiểu các địa điểm cho thuê phòng trọ uy tín thông qua các trang website, facebook với các lượt review, đánh giá tốt. Nếu không có điều kiện đến xem xét trực tiếp thì teen hãy lên Google Map tham khảo trước về giao thông, quãng đường đến trường, tuyến phương tiện công cộng, những dịch vụ tiện ích xung quanh…
Việc thuê trọ cũng cần phải đắn đo và cân nhắc kỹ càng hơn từ khâu chọn địa điểm gần trường, thời gian thuê, các vấn đề chung chủ, vệ sinh, an ninh, điện nước,…với nhiều yếu tố khác. Một yếu tố khác mà teen cần quan tâm đó là việc thuê trọ với bạn thân.
Tài khoản Facebook có tên viết tắt là N.T cho biết, lời khuyên bất di bất dịch được truyền tai nhau nhiều nhất có lẽ là: "Đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân, đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân, đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân. Xin phép nhắc lại 3 lần. Hãy giữ cho mình tình bạn lâu dài nhá."
Trước khi "bút sa gà chết" thì kiểm tra lại một lượt các dụng cụ điện tử, thiết bị, đồ đạc có trong phòng, nếu hư hỏng thì báo ngay cho bên đơn vị cho thuê kiểm tra và sửa chữa. Nguồn: Internet
Bạn Trúc Linh (trường ĐH Kinh Tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) đã “rải tips” cho các bạn sinh viên: “Quan trọng nhất khi thuê trọ là phải hỏi kỹ giá (giá cọc, giá thuê hàng tháng, giá điện nước, giữ xe, an ninh và các chi phí phát sinh khác) rõ ràng vấn đề tiền bạc từ lúc đầu sẽ dễ hơn rồi sau đó mới lập hợp đồng. Khi đã “chốt đơn” phòng trọ thì sinh viên nên chụp ảnh hiện trạng căn phòng ban đầu để đối chiếu về sau tránh mất tiêu oan”.
Nguồn: [Link nguồn]
Vị khách nam bề ngoài trông lịch thiệp, đáng tin nhưng thực chất có lối sống vô ý thức và còn quỵt tiền nhà.