Kinh hoàng hủ tục cắn đứt ngón tay để 'trừ tà' cho trẻ sơ sinh

Nghe cháu bé khóc thét lên, các bác sỹ chạy tới thăm khám thì phát hiện một đốt ngón tay út bàn tay trái của bé đã đứt lìa. Ho kinh hoàng hơn khi nghe người mẹ thú nhận tự cắn đứt ngón tay con...

Họ còn kinh hoàng hơn khi nghe người mẹ thú nhận tự cắn đứt ngón tay con để thực hiện nghi lễ của dân tộc Thái để đứa trẻ dễ nuôi hơn.

Hành động “lạ” của người mẹ

Trao đổi với PV, bác sỹ Nguyễn Lê Đa Hà (Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, bệnh viện vẫn đang trong quá trình điều trị cho bé Lò Thị G. (nhập viện cấp cứu lúc 2 ngày tuổi, quê tỉnh Nghệ An; tạm trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị đứt lìa đốt ngón tay út do bị... mẹ cắn.

Kinh hoàng hủ tục cắn đứt ngón tay để 'trừ tà' cho trẻ sơ sinh - 1

Bé G. vẫn đang nằm điều trị trong phòng cách ly

Bác sỹ Hà cho biết thêm, theo hồ sơ bệnh án, bé G. được nhập viện vào cuối tháng 1/2016, trong tình trạng không còn đốt ngón tay út, bạch cầu tăng cao bởi vết thương nham nhở. Do vết thương có nguy cơ nhiễm trùng nên các bác sỹ tiến hành tiêm thuốc giảm đau, kháng sinh và sát trùng, điều trị vết thương ngón tay bị cụt. Riêng việc nối đốt ngón tay út thì khó có khả năng phục hồi.

Trình bày thông tin với bác sỹ, bà Lê Thị H. (50 tuổi, bà ngoại của bé G.) cho biết, bé G. là con của chị Lê Thị Q. (26 tuổi, quê Hà Tĩnh, tạm trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; con gái bà H.). Cháu G. được mẹ sinh tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ngay khi chào đời, bé G. nặng 3,5kg, sức khỏe tốt.

Việc cháu bị mẹ cắn đốt ngón tay diễn ra vào khoảng 9h sáng 25/1. Khi người nhà ra ngoài mua đồ về thì nghe tiếng cháu bé khóc ré lên. Ngay lập tức, bà H. liền gọi các bác sỹ tới thăm khám mới phát hiện đốt ngón tay út cháu G. đã đứt lìa. Lúc này, bác sỹ tiến hành băng bó vết thương rồi chuyển gấp tới bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Thấy con gái trong tình trạng nguy kịch, chị Q. khóc lóc nói vừa làm một nghi lễ theo phong tục nhà chồng là anh Lộc Văn B. (32 tuổi, người dân tộc Thái, quê huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An). Theo đó, sau khi vợ sinh con, anh B. đã đề nghị vợ cần phải hoàn tất nghi lễ của dân tộc mình là cắn ngón tay con gái để “dễ nuôi” và “trừ tà”. Nghe lời chồng, chị Q. thực hiện để cầu an cho con.

Khi cháu G. được đưa vào phòng bệnh cấp cứu, nhiều người có mặt trong bệnh viện không khỏi ngỡ ngàng trước hủ tục lạ. Chia sẻ với PV, bà Bùi Thị Hg. (55 tuổi, đang chăm người nhà tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) chia sẻ: “Nghe tin có cháu bé bị cắn ngón tay vì hủ tục, tôi lấy làm lạ. Thời hiện đại này rồi còn có những hủ tục mê tín như vậy, thật không thể tin nổi.

Nghe nói giờ cháu bé phải chấp nhận sống cảnh mất một đốt ngón tay suốt đời. Tôi không dám nghĩ tới chuyện người mẹ có thể dùng răng mình cắn đứt ngón tay con. Thương cháu bé nhưng tôi cũng trách người mẹ...”.

Cần bài trừ hủ tục mê tín dị đoan

Theo tìm hiểu của PV, chị Q. lấy chồng từ năm 2013. Trước đó, chị Q. học tại trường đại học Vinh rồi quen anh B.. Sau khi kết hôn, anh chị vào TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) làm công nhân.

Do chưa xin được việc đúng chuyên ngành nên chị vừa làm công nhân vừa chờ đợi cơ hội xin việc phù hợp. Bản thân chị là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Còn anh B. sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em là người dân tộc Thái. Sau khi lấy chồng, chị Q. đã phải tập thích nghi với nhiều phong tục khác lạ bên nhà chồng.

Tiếp xúc với PV, bà H. (mẹ chị Q.) kể, những ngày đầu lấy chồng, chị Q. từng nói nhiều với bà H. về việc nhà chồng có nhiều nghi lễ lạ. Thế nhưng, vì tình yêu, vì gia đình, chị phải làm theo. Lúc cắn ngón tay con gái, chị cũng không dám nói với mẹ ruột vì sợ bị phản đối. Hơn nữa, lúc đó anh B. nói phải giữ kín, kẻo mất thiêng.

Được hỏi về nghi lễ cắn ngón tay nếu đúng sẽ đem lại sự bình an cho đứa trẻ hay không? Bà H. bày tỏ: “Thực tế, tôi có nghe nói dân tộc Thái có hủ tục ấy nhưng từ xa xưa cơ. Khi con gái tôi mang thai rồi đến ngày sinh, cũng không nghe nó nói gì về việc cắn đứt ngón tay con gái cả. Sau chuyện này, tôi rất buồn và thương cháu ngoại. Riêng thằng B. mấy hôm nay cũng buồn và suy nghĩ nhiều. Hiện B. vẫn phải chạy qua bệnh viện chăm vợ rồi lại tranh thủ ghé thăm con gái. Tôi thấy B. cũng đã rất hối hận khi bắt vợ phải cắn đốt ngón tay con. Nó chia sẻ với chúng tôi và bác sỹ chỉ là muốn con gái dễ nuôi và khỏe mạnh, thông minh nên làm theo nghi lễ của cha ông để lại thôi chứ không có ý gì khác”.

Bác sỹ Hà cung cấp thêm thông tin, cuối năm 2012, bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị mẹ cắn đứt ngón trỏ trái cũng vì hủ tục mong... dễ nuôi. Đó là trường hợp của sản phụ Đ.T.S. (quê ở tỉnh Thanh Hóa, tạm trú TP.Biên Hòa). Khi chị S. cắn ngón tay con thì bị các nữ hộ sinh phát hiện sự việc nên kịp thời cấp cứu, nối lại thành công ngón tay cho bé. Còn trường hợp của cháu G. thì thời gian cấp cứu bị trễ, khiến khả năng phục hồi ngón tay rất thấp.

Nhận xét về nghi lễ cắn ngón tay trẻ sơ sinh để dễ nuôi theo quan niệm của người dân tộc Thái, bác sỹ Hà khẳng định: “Có lẽ cha mẹ cháu bé còn mang tư tưởng nặng nề của hủ tục xưa. Chứ hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc làm này. Ngược lại, chỉ thấy để lại hậu quả đáng tiếc cho những đứa trẻ sinh ra lành lặn lại trở thành khuyết tật”.

Nhấn mạnh về hủ tục cắn ngón tay để đứa trẻ được dễ nuôi, bà Trần Thị Thuận (đại diện bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) chia sẻ: “Sự việc xảy ra với cháu G. là đáng tiếc vô cùng. Thực tế, chúng tôi cũng đã tìm hiểu phong tục này của người Thái nhưng tới nay không còn tồn tại hủ tục cắn ngón tay trẻ mới sinh. Hơn nữa, chị Q. là người Kinh, có học vấn, không hiểu sao lại tin vào một điều vô lý đến vậy. Đây là hủ tục đã lạc hậu, cần loại bỏ”.

Thông tin với PV, Thạc sỹ Nguyễn Thế Hải (chuyên gia nghiên cứu văn hóa trường ĐHQG TP.HCM) phân tích: “Hủ tục cắn ngón tay cho trẻ sơ sinh dễ nuôi là quan niệm của người Thái tại một số vùng núi thuộc tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Một số người lớn tuổi thường truyền lại hủ tục này cho con cái đến tuổi lập gia đình, sinh con. Họ cho rằng, nếu không cắn ngón tay trẻ mới sinh thì đứa trẻ sẽ bị con ma rừng tìm đến bắt. Còn làm cho cháu bé mất một đốt ngón tay thì ma sẽ không bắt được.

Hơn nữa, khi mới sinh ra, cháu bé phải chịu thử thách đau đớn, nếu sống tiếp được sẽ rất khỏe mạnh và thông minh. Dù vậy, đây chỉ là một quan niệm mang tính tâm linh tồn tại trước đây, còn bây giờ thì hoàn toàn không còn. Tuy nhiên, thực tế thì còn một số gia đình mang nặng tư tưởng cổ hủ nên vẫn âm thầm thực hiện theo”.


Một hủ tục lạc hậu, mang nặng tính mê tín dị đoan

Tiến sĩ Lê Văn Thanh (chuyên gia nghiên cứu văn hóa tộc người tại TP.HCM) cho biết: “Tôi từng nghiên cứu về nhiều vấn đề phong tục, tập quán, văn hóa các vùng miền. Tôi khẳng định, đây là hủ tục lạc hậu, mang nặng tính mê tín dị đoan. Thiết nghĩ, xã hội càng phát triển, chúng ta phải sống theo khoa học hiện đại chứ không dựa vào tâm linh được”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Trần ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN