''Kiêu'' như ô sin sau Tết
Tình trạng người giúp việc thất hẹn, đòi tăng lương trong dịp đầu năm khiến nhiều gia chủ lại lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.
Chiều ô sin như... chiều vong
Cũng giống như mọi năm, tình trạng ô sin thất hẹn không ra đúng ngày hoặc “bỏ bom” chủ nhà để tìm chỗ làm việc mới vẫn lặp lại vào những ngày đầu năm Quý Tỵ khiến nhiều gia đình lâm vào tình trạng khổ sở. Tại nhiều cơ quan, công ty, doanh nghiệp, sau những lời chào hỏi, chúc tụng đầu năm mới là việc nhờ nhau tìm hộ người giúp việc.
Tình trạng người giúp việc thất hẹn, đòi tăng lương trong dịp đầu năm khiến nhiều gia chủ lại lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.
Gia đình anh Việt, chị Quỳnh, phường Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đang không biết gửi đứa con hơn 2 tuổi cho ai trông vì cháu chưa đi nhà trẻ, còn người giúp việc thì vẫn chưa lên dù anh, chị đã giao hẹn là người này phải lên trước mùng 5 Tết. Bí quá, gọi điện hỏi thì họ bảo là chưa lên được vì bận việc nhà. Người này còn yêu cầu phải tăng lương từ 2,5 triệu lên 3 triệu đồng/tháng thì mới đi làm vì giá cả chung bây giờ là thế. Không còn cách nào khác, vợ chồng anh Việt chấp nhận trả thêm lương và đồng ý cho người giúp việc nghỉ hết tháng Giêng để giữ chân.
Chị Hạnh (Ba Đình, HN) tâm sự: Theo thỏa thuận trước Tết thì đúng mùng 6 là chị giúp việc phải có mặt tại nhà để trông nom bé cho hôm sau vợ chồng tôi đi làm, thế mà tới mùng 6, cả nhà chị Hạnh lên rồi mà đợi mãi không thấy người giúp việc lên. Cũng không thấy điện thoại thông báo tình hình có lên hay không lên. Chị Hạnh đành gọi cho chị ta hỏi vì sao thì chị ta lúc đó mới xin phép là nhà có việc, phải mùng 8 mới lên được. Nghe vậy, chị Hạnh ức lắm, nhưng mà ức cũng không giải quyết được gì, khéo lại mất người như chơi trong khi đã thưởng Tết hậu hĩnh rồi. Thế nên chị nhịn, chị đồng ý là mùng 8 chị ta lên.
Vậy mà đến mùng 8, chị ta lại nuốt lời không thấy mặt mũi đâu. Chị Hạnh bực bội lắm, gọi ối gọi ồi không thấy chị ta nghe máy. Con cái thì khóc ầm lên cứ gọi tên người giúp việc, giờ con còn theo chị ta hơn là mẹ nữa. Chị đành phải bó tay, thuê một chiếc xe cùng chồng và con về đón chị ta lên làm, và sẽ thỏa thuận điều kiện sau.
Đường xá xa xôi, đi hơn 100km mới về được nhà người giúp việc. Tìm được về nhà này cũng tốn kém tiền bạc và công sức nhưng biết làm sao được. Vừa nhìn thấy chị giúp việc, con chị Hạnh khóc gào lên và nhoài người ra vì theo người phụ nữ đó. Chị bực quá, thế là chị ta lại càng có cớ làm kiêu. Chị bảo việc bận quá chưa xong nên chưa gọi điện cho chị Hạnh được. Thái độ kênh kiệu ấy chị Hạnh biết chẳng dễ gì thuyết phục. Chị đành đưa ra thỏa thuận tăng thêm 1 triệu tiền lương và còn phải nói giọng ngọt ngào.
"Trời ạ, mãi chị ta mới đồng ý mới bực chứ. Thế là cả nhà phải đón chị ta lên làm, rồi còn tăng lương, cho thêm ít tiền. Thế này thì khác gì nuôi bà cô trong nhà. Tôi đang tính đường khác nhưng con chị quấn chị ta quá. Nếu như sau này chị ta thấy mình cần chị ta quá lại tăng giá thì sao nên không tính nước khác không được. Nhưng mà sau Tết, kiếm ô-sin không phải dễ nên đành chấp nhận, nín nhịn để cho chị ta làm một thời gian nữa, sau đó thì có chiến lược khác...", chị Hạnh cho biết.
Sau tết nhiều gia đình khốn đốn vì thiếu ô sin (Ảnh minh họa)
Tăng giá
Thời gian gần đây, lương người giúp việc đã có sự thay đổi theo chiều hướng tăng của giá cả thị trường. Mức trung bình hiện nay là khoảng 2,5-3 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người sẵn sàng trả lên 3,5 đến 4 triệu đồng để tìm một người trông trẻ có kinh nghiệm nhưng vẫn khó. Việc “làm mình, làm mẩy” của ô sin đã không còn xa lạ. Cứ vào dịp năm hết Tết đến, biết hoàn cảnh nhiều chị em không có thời gian để sắm sửa đồ ăn thức uống, dọn dẹp lau chùi nhà cửa, nên vai trò của ô sin thời điểm này quan trọng đến… chóng mặt. Ô sin lại càng được thể lấn át chị em. Không ít người giúp việc đòi về quê sớm, buộc gia chủ phải “thưởng” cho ô sin một khoản kha khá để giữ chân, dù cuối năm là lúc thắt lưng buộc bụng vì nhiều khoản phải chi.
Lý do “làm giá” được đưa ra nhiều vô kể nhưng tựu chung thì lại rất giống nhau: thích đi làm “công ty” (làm công nhân trong các công ty, khu công nghiệp), phải ở nhà lo việc gia đình, bố mẹ ốm, con cái hư nên muốn ở gần gia đình, sắp lấy chồng, gia đình người yêu không muốn con dâu làm ô sin,… Ở các khu chung cư, khu tập thể hay các ngõ xóm, ô sin lập thành “hội” hẳn hoi. Ban ngày chủ nhà đi làm vắng là “hội” lại tụ họp để tranh thủ vừa… “buôn” chuyện nhà chủ, vừa trao đổi đủ thứ thông tin, thống nhất giá cả, truyền nhau “kinh nghiệm ép chủ nhà” để được làm việc một cách nhàn nhã nhất mà vẫn có thu nhập cao. Nhà nào có người giúp việc là nhà đó đau đầu với đủ kiểu chiêu trò của ô sin.
Theo giám đốc một trung tâm môi giới việc làm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), ngay từ mùng 4 Tết, nhiều gia đình ở Hà Nội đã đến trung tâm để “đặt chỗ” tìm ô sin. Trung bình mỗi ngày, trung tâm này nhận được từ 20 – 25 đơn yêu cầu trực tiếp của khách và hàng chục cuộc điện thoại nhờ tìm người giúp việc. Do đầu năm mới việc tìm ô sin cũng rất khó khăn, nên phí môi giới thành công mỗi vụ cũng được tăng lên 800.000 - `1.000.000 đồng. Tuy nhiên, đại đa số các khách hàng đều cho rằng, giá không quan trọng, miễn là tìm được người giúp việc ưng ý, nhiệt tình, chịu khó và hiền lành.
“Giá thuê người giúp việc bây giờ cũng rất cao, đa số từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già và khoảng 3 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà. Còn giá thuê theo giờ, do đầu năm khan hiếm ô sin nên giá cũng khá cao, từ 150.000 – 200.000 đồng/giờ. Đa số các ô sin làm việc theo giờ đầu năm này là sinh viên, vì họ thường muốn tranh thủ thời gian nhàn rỗi đầu năm để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt, học hành...", vị giám đốc này cho biết.
Xem thêm các bài viết liên quan: