"Không sinh con có phải là ích kỷ" và quan điểm khiến MXH "dậy sóng"
Một đứa trẻ sinh ra đời không phải chỉ để “vui cửa vui nhà”, “cho xong nhiệm vụ” và không nên là kết quả của một quyết định chóng vánh, hay vì lỡ, hay vì do người khác bảo vậy.
(Tranh minh họa của họa sĩ Paul Noth).
20 tuổi, người ta sẽ hỏi bạn rằng có người yêu chưa.
25 tuổi, người ta sẽ hỏi bạn bao giờ lập gia đình.
Ngay sau cột mốc lập gia đình, người ta sẽ hỏi bạn rằng bao giờ có con. Nếu vài tháng chưa thấy vợ chồng “có gì”, người ta sẽ hỏi tiếp cho đến một ngưỡng để bản thân tự đưa ra đồn đoán “chắc có vấn đề, hay là “cau điếc””.
Và nếu bạn nói rằng vợ chồng mình không/chưa có ý định sinh con, sẽ là hàng loạt những chỉ trích cho rằng bạn “ích kỷ, thiếu trách nhiệm với bố mẹ, xã hội...”. Vậy quyết định không/chưa sinh con có phải là ích kỷ và phải sinh con mới là có trách nhiệm với xã hội này?
Mới đây, một bài chia sẻ về quan điểm của mình xoay quanh việc lựa chọn sinh con hay không đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Được sự đồng ý của tác giả, xin đăng tải về quan điểm đáng suy ngẫm này:
“Cần phải xác định ngay từ đầu với tất cả mọi người rằng mình không phản đối việc đẻ con của bất cứ ai. Đối với mình, việc sinh con đẻ cái không chỉ là quyền bất khả xâm phạm của mọi người, là lựa chọn cá nhân, mà còn là một phần nào đó có thể coi là trách nhiệm đối với xã hội. Mình cũng là một người khá gay gắt với những vấn đề về bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng như các vấn đề về cải cách giáo dục. Đối với mình, đây là những điều quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một xã hội văn minh và tiến bộ.
Riêng về vấn đề con cái, mình và vợ từ trước khi lấy nhau đã có rất nhiều cuộc thảo luận, trao đổi mang tính lý trí, thậm chí là học thuật về việc có sinh con sau khi kết hôn hay không. Và cho đến thời điểm hiện tại, bọn mình vẫn thống nhất với nhau là sẽ không/chưa có con trong tương lai gần, ít nhất là 5 năm trước mắt.
Hầu hết các cuộc thảo luận của bọn mình đều xoay quanh một số luận điểm sau đây:
Bọn mình chưa sẵn sàng, trong ít nhất là 5 năm trước mắt, cả về tâm lý lẫn kinh tế. Đương nhiên, ở cái lứa tuổi này của bọn mình, có rất nhiều bạn bè xung quanh, có cả các bạn trẻ tuổi hơn đã có đến con thứ 2, thứ 3. Khi nhìn vào các gia đình đó, khi cùng họ chia sẻ về những kinh nghiệm, trải nghiệm trong việc sinh đẻ, nuôi con, những niềm vui và nỗi vất vả, những thay đổi về tâm lý, sức khỏe lẫn kinh tế, thì cả 2 vợ chồng mình thấy bản thân cần phải có sự sẵn sàng.
Với bọn mình, làm cha mẹ là một công việc toàn thời gian, là ưu tiên trên mọi thứ khác của cuộc sống và mỗi người đều cần tập trung dành sức lực, tâm huyết và tình yêu dành cho con. Khi đó có lẽ mình sẽ không có đủ thời gian cũng như năng lượng để thực hiện tiếp những ước mơ đang dang dở và cả hai vợ chồng mình đều nhận thấy bản thân chưa sẵn sàng cho những điều đó.
Vợ chồng mình còn trẻ, phần lớn chặng đường đã đi qua đều dành cho việc học và cũng chỉ mới rời khỏi vòng tay bố mẹ chưa tới 5 năm, chưa kịp hết “trẻ con”, chưa kịp làm những gì mình muốn, chơi những thứ mình thích. Bọn mình đều chưa sẵn sàng để dành tiếp 25 năm tiếp theo để hi sinh cho con cái.
Với bọn mình, làm cha mẹ là một công việc toàn thời gian, là ưu tiên trên mọi thứ khác của cuộc sống và mỗi người đều cần tập trung dành sức lực, tâm huyết và tình yêu dành cho con. (Tranh minh họa của họa sĩ Snezhana Soosh)
Bản thân ngay lúc này, nhà mình chỉ có 2 vợ chồng, mỗi ngày đi làm về đã cảm thấy kiệt sức, đến bữa cơm nhiều khi còn mệt không buồn nấu chứ chưa nói đến thời gian dành cho các hoạt động khác như thể dục thể thao (vì làm gì còn sức cũng như thời gian). Lắm hôm cố về nấu được bữa cơm (nhiều khi mua sẵn đồ chín ở ngoài), rồi ăn uống rửa bát, giặt giũ, dọn nhà, đổ rác… xong xuôi cũng đã 10 giờ, về muộn chút là coi như đến nửa đêm. Chỉ muốn dành ít thời gian để xem 1 bộ phim mình thích đã lâu hay vẽ một chút những thứ mà lúc đi làm chưa có cơ hội vẽ, nhưng nhiều khi cũng không được vì phải đi ngủ sớm để lấy sức mai đi làm.
Dạo gần đây, 2 đứa cũng mới nhận nuôi một con mèo và thế là đã đủ lý do để có thêm những cuộc cãi vã, những căng thẳng, những việc nhà mà trước kia chưa bao giờ có. Đó mới chỉ là một con mèo rất độc lập với những nhu cầu ăn uống, vệ sinh siêu đơn giản mà cả hai đều đã phải có những điều chỉnh nhất định để thích nghi sau vài tháng nuôi. Vậy thì làm sao có thể nói rằng nuôi nấng một đứa con là việc nhẹ tựa lông hồng với cái cớ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “cứ đẻ rồi sẽ biết nuôi”… Đó là một con người với cả một cuộc đời phía trước.
Thường xuyên có những người nói với vợ chồng mình rằng: “Đẻ ra rồi sẽ biết nuôi”. Cơ sở ở đâu ra để khẳng định cứ một đứa bé ra đời là bố mẹ của chúng sẽ nuôi dạy được tốt vậy? Nên nhớ rằng ngoài xã hội kia vẫn có những cặp vợ chồng ly hôn vì mâu thuẫn sau khi có con, đẻ con rồi không nuôi dạy được con nên người hay thậm chí là sinh con mà không hề có trách nhiệm, nỡ vứt bỏ con… Với mình, sinh con không phải để “cho xong”.
Tiếp nữa là đến quan điểm “làm vậy là ích kỷ, không biết thương bố mẹ; ông bà dù sao cũng muốn có cháu bế, đẻ sớm ông bà chăm cho”. Câu hỏi đặt ra của mình là, vậy đứa trẻ sinh ra là cho mình hay cho ông bà? Ai sẽ là người mang nặng đẻ đau, chăm sóc nó những năm sau này? Ông bà có nuôi con mình được mãi hay không và đẻ ra một đứa con rồi vứt toàn bộ trách nhiệm cho ông bà như vậy có được không?
Trong trường hợp đó, ai mới là ích kỷ, ai mới là người không biết thương ai? Ích kỷ với mình là khi đẻ con ra mà không có trách nhiệm nuôi dạy nó, vô tư mà đẻ với suy nghĩ “đẻ cho ông bà chăm”… Đó mới là ích kỷ, không hề quan tâm đến những hậu quả của việc đẻ con thiếu trách nhiệm gây ra.
Một đứa trẻ cần được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ thay vì lớn lên cùng những chiếc điện thoại thông minh. Nếu đẻ ra mà không có trách nhiệm nuôi nấng, vứt cho con cái iphone thay vì dành thời gian chơi cùng con, không dạy dỗ con để rồi khi con gây phiền toái đến người khác thì tặc lưỡi “nó trẻ con biết gì” thì nên suy nghĩ lại về thời điểm sinh đẻ.
Hãy sinh con khi bạn và bạn đời của bạn cảm thấy đã sẵn sàng về tâm lý, về kinh tế, về kiến thức, về trách nhiệm với xã hội để có thể nuôi nấng con mình trở thành một thành viên có ích cho xã hội. (Ảnh minh họa)
Lạ kỳ một điều nữa khi có những người bình luận rất buồn cười về cuộc sống của vợ chồng mình: “Không có con sướng nhỉ, không phải làm điều này, lo điều nọ…”. Sự thật thì cái “sướng” đó đâu phải ông trời ban cho, do vợ chồng mình gặp may hay nhờ điều gì nên mới “sướng” vậy. Đó là lựa chọn của vợ chồng mình và nếu như bạn sinh con ra để rồi nhìn cuộc sống của người khác mà thốt ra câu “sướng nhỉ” đầy ghen tỵ như vậy thì có lẽ nên xem lại sự lựa chọn của bạn.
Sau cùng, mình cho rằng đẻ hay không điều đó 100% là quyền quyết định của 2 vợ chồng, là lựa chọn cá nhân, có sự đồng thuận của 2 người, chứ không phải của bất cứ ai khác, bất kể có huyết thống đến thế nào đi nữa. Bởi trách nhiệm nuôi con suy cho cùng, cũng chỉ là của 2 vợ chồng. Trong nhiều trường hợp, thậm chí lựa chọn tối cao của việc sinh con nằm ở người phụ nữ vì họ mới là người mang nặng đẻ đau, gần gũi và chăm sóc con cái nhiều hơn.
Quan trọng hơn trong chuyện đẻ con, đó không phải là đẻ hay không đẻ, mà là làm sao có trách nhiệm nhất với lựa chọn của mình. Điều mình muốn nhấn mạnh chính là việc nâng cao trách nhiệm của mọi người khi đưa ra quyết định đẻ con.
Một đứa trẻ sinh ra đời không phải chỉ để “vui cửa vui nhà”, “cho xong nhiệm vụ” và không nên là kết quả của một quyết định chóng vánh, hay vì lỡ, hay vì do người khác bảo vậy. Hãy sinh con khi bạn và bạn đời của bạn cảm thấy đã sẵn sàng về tâm lý, về kinh tế, về kiến thức, về trách nhiệm với xã hội để có thể nuôi nấng con mình trở thành một thành viên có ích cho xã hội. Đừng đem những quan niệm lạc hậu và định kiến để đè nặng lên vai người khác bởi cuộc đời này vốn đã lắm những lo toan rồi.”
Nguồn: [Link nguồn]
Người độc thân là người thích sống theo cách họ muốn, không phải cố gắng thoả hiệp để đi tìm sự hòa hợp giả tạo.