Không phải cứ làm tốt sẽ được tăng lương, 3 kiểu đề nghị sau chỉ gây phản tác dụng
Đề nghị tăng lương là một vấn đề khá nhạy cảm, bạn cần biết cách cư xử khéo léo để không mất điểm trước sếp.
Lương thưởng luôn là một trong những vấn đề có tính quyết định trong việc một nhân viên có quyết định gắn bó lâu dài với công ty hay không. Thay vì chờ đợi cấp trên quyết định tăng lương như trước đây, giờ đây nhiều người đã chủ động hơn rất nhiều khi sẵn sàng đưa ra đề nghị tăng lương với cấp trên.
Vậy có phải cứ đạt được một thành tích gì đó thì bạn sẽ được tăng lương không? Sự thật thì đề nghị tăng lương là một vấn đề khá nhạy cảm. Bạn không chỉ cần chứng minh cho cấp trên thấy được giá trị của bản thân mà còn cần biết cách cư xử khéo léo để không mất điểm vì những lỗi sau đây:
1. “Dọa” nghỉ việc để được tăng lương
Có khá nhiều người chọn cách này khi muốn tăng lương. Sau khi cống hiến một thời gian dài cho công ty, bạn nhận ra con số hiện tại chưa xứng đáng với công sức của mình bỏ ra. Trong khi đó bạn bè lại không ngừng kể lể về anh A, chị B làm ở công ty nọ lương cao gấp rưỡi dù cùng công việc. Truyền thuyết xin nghỉ việc sẽ được tăng lương khiến bạn ngùn ngụt khí thế, nhanh chóng nộp đơn xin nghỉ việc dù điều bản thân thực sự muốn không phải vậy.
Trên thực tế, có một số người đã được tăng lương sau khi nộp đơn xin nghỉ việc song con số này không nhiều, trong khi tác động tiêu cực của phương pháp này thì lại rất nhiều.
Ngay khi bạn đưa lá đơn xin nghỉ việc, bạn đã để mất lòng tin cũng như tạo cảm giác ngờ vực với cấp trên. Nếu bạn là một người quản lý, bạn có thích thú với cảm giác cấp dưới dùng đơn xin nghỉ việc để gây áp lực với mình không? Nên nhớ, dù có tiếp tục làm với nhau không thì việc duy trì mối quan hệ tốt với cấp trên cũng như đồng nghiệp là điều nên làm.
Một khi đã quyết định chọn cách này, hãy sẵn sàng đối mặt với áp lực mà cấp trên đè lên vai bạn. Bạn sẵn sàng “dọa” cấp trên để được tăng lương thì họ cũng sẽ có cách đòi hỏi ở bạn nhiều hơn để xứng đáng với số tiền công ty bỏ ra. Và tất nhiên, trong công ty sẽ chẳng thể nào thiếu được những lời rì rầm bàn tán từ các hội bà tám về một người dùng chiêu trò để được tăng lương.
2. Hạ thấp đồng nghiệp để nâng cao giá trị bản thân
“Em thấy chị D công việc cũng như em mà lương lại cao hơn em đến cả 3-4 triệu. Điều đó là quá bất công. Em hoàn toàn có thể làm những việc như chị ấy, thậm chí là tốt hơn vì em trẻ trung và có khả năng tiếp thu nhanh nhạy hơn”.
Không ít người đã thẳng thắn lấy ví dụ về một người đồng nghiệp cùng cấp ra để so sánh mức lương và cho rằng đó chính là lý do bản thân xứng đáng được tăng lương để đảm bảo sự công bằng. Bạn đưa ra một đống các lý do và khẳng định rằng đồng nghiệp kia không hơn gì, thậm chí còn không bằng bạn mà lại nhận được mức lương cao hơn thì quá vô lý.
Đây là một trong những cách làm lợi bất cập hại. Hành động nông nổi này có thể khiến cấp trên đánh giá bạn là người ích kỷ, thích buôn chuyện, mối quan hệ đồng nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, bạn đưa ra những so sánh dựa trên những gì bạn thấy hôm nay mà lại quên đi quá trình của cả hai.
Thông thường, thu nhập không chỉ là con số đánh giá sự đóng góp của bạn với công ty mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời gian cống hiến, nỗ lực, hiệu suất công việc… Người chị đồng nghiệp mà bạn đưa ra so sánh hoàn toàn có thể là người đã sát cánh cùng công ty từ những ngày đầu còn khó khăn. Hãy luôn thận trọng khi đưa ra những so sánh hay đánh giá có liên quan đến người khác.
Điều bạn muốn là tăng lương, vậy thì điều bạn nên so sánh chính là những gì bản thân làm được so với mức độ yêu cầu công việc hay so với mức lương chung của vị trí mình đang phụ trách trên thị trường.
3. Đưa ra một loạt những lý do mang tính cá nhân
“Em đang phải nuôi 2 con nhỏ, rất khó khăn”.
“Căn nhà em vừa mua chỉ là trả góp. Em sẽ sống rất khó khăn với đồng lương hiện tại”.
“Với đồng lương hiện tại, em sẽ không dám lấy vợ mất”.
…
Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều lý do cá nhân được đưa ra khi yêu cầu tăng lương. Từ chuyện nợ nần của bản thân, vấn đề sức khỏe cũng như kế hoạch trong tương lai… tất cả đều không phải là lý do chính đáng để công ty tăng lương cho bạn.
Đừng cố tỏ ra đáng thương với những vấn đề mang tính cá nhân như vậy khi muốn tăng lương. Công sở là nơi đòi hỏi sự chuyên nghiệp, công ty không có trách nhiệm chi trả thêm cho bạn vì bất cứ khoản vay nào. Việc đưa ra lý do như trên chỉ khiến cấp trên thêm nghi ngờ về sự thiếu chuyên nghiệp cũng như làm việc thiếu logic của bạn.
Một số công ty có các chính sách hỗ trợ nhân viên giải quyết vấn đề cá nhân như cho vay với lãi suất 0 đồng. Nếu thực sự khó khăn, đây mới là nơi bạn nên tìm đến chứ không phải đưa ra yêu cầu được tăng lương.
Nguồn: [Link nguồn]
Chuyên gia tư vấn việc làm Romy Newman của trang Fairygodbos đã đưa ra những sai lầm mà người lao động thường mắc khi đề...