Không người sếp nào thích nhân viên của mình làm 12 điều này

Có được mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên sẽ là điều giúp ích nhiều cho con đường phát triển sự nghiệp cũng như thăng tiến của bạn. Tuy nhiên, không ít người đang có những hành vi kém chuyên nghiệp tại nơi công sở, khiến cấp trên không hài lòng mà bản thân không hay biết. 

Không người sếp nào thích nhân viên của mình làm 12 điều này - 1

Đi làm muộn

Không còn gì phải bàn cãi về điều này khi ở trong bất kỳ môi trường và hoàn cảnh, sự kiện nào thì đúng giờ luôn là điều rất quan trọng. Rosalinda Oropeza Randall, chuyên gia về nghi thức và phép lịch sự, tác giả của cuốn sách "Don’t Burp in the Boardroom" (tạm dịch: “Đừng ợ trong phòng họp”) cho rằng bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp tối thiểu từ việc đến đúng giờ. Điều này tuy đơn giản nhưng có thể tạo cho người khác cảm giác bạn luôn sẵn sàng cho ngày làm việc đó thay vì vội vã đến văn phòng như thể mình bị ép tới đó. 

Với các sự kiện quan trọng hơn, sẽ tốt hơn khi bạn đến sớm khoảng 10 phút. Bạn sẽ có thời gian chỉnh trang lại cũng như có sự chuẩn bị nhất định cho sự kiện đó. 

Nói về các vấn đề cực đoan không liên quan đến công việc 

Randall nói: “Trước khi nói thao thao bất tuyệt về một vấn đề, bạn nên biết rằng trong hầu hết các trường hợp, quyền tự do ngôn luận ở nơi làm việc bị hạn chế và người làm việc chuyên nghiệp sẽ biết rằng bản thân không nên đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi, càng đặc biệt không nên nói một cách căng thẳng".

Bạn hoàn toàn có thể thể hiện bản thân mình ở nơi làm việc song hãy dừng ở mức thể hiện những gì phù hợp. Luật lao động có những điều khoản bảo vệ bạn khỏi việc bị sa thải vì những lý do không chính đáng song hãy nhớ rằng, không lợi ích gì khi bạn để những người khác, đặc biệt là cấp trên không ưa, không có thiện cảm với mình.

Than thở trên mạng xã hội

Tất nhiên, tài khoản mạng xã hội là của bạn và không người sếp nào có thể cấm đoán bạn dùng nó. Tuy nhiên sự thật là nhiều người đang dùng tài khoản mạng xã hội của mình một cách quá vô tư và thiếu chuyên nghiệp trong công việc. 

Sẽ không một người sếp nào vui vẻ khi thấy bạn sử dụng mạng xã hội để phàn nàn về sếp, về đồng nghiệp hoặc khách hàng hay tệ hơn là chia sẻ bí mật của công ty, đưa ra những nhận xét có tính nặng nề, xúc phạm. Nếu bạn cảm thấy không ổn, không hài lòng về điều gì đó, hãy tìm ra nguyên nhân và tìm cách giải quyết, không phải tìm cách rêu rao. 

Một điều nữa mà bạn nên tránh chính là việc có mặt mọi lúc mọi nơi trên mạng xã hội. Sẽ tốt hơn khi bạn không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, trừ khi đặc thù công việc yêu cầu. Bạn nghĩ sao khi đang hào hứng chat với một người bạn hay bình luận trong một nhóm kín facebook nào đó để than thở về công việc thì sếp của bạn đi qua? 

Luộm thuộm, vệ sinh kém

Không người sếp nào thích nhân viên của mình làm 12 điều này - 2

Nếu bạn muốn thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như nghiêm túc của mình với công việc, giữ gìn vệ sinh cũng như chăm chút ngoại hình của bạn đóng một vai trò quan trọng. Không người sếp nào cảm thấy thoải mái khi nhân viên của mình luôn lôi thôi luộm thuộm hay tệ hơn là "bốc mùi" ở nơi làm việc. 

Randall nói: “Vệ sinh kém và quần áo luộm thuộm là điều thật tệ ở nơi công sở". 

Sếp của bạn có thể tự hỏi liệu thái độ của bạn với công việc là gì, bạn có tôn trọng việc đó không. Cách bạn thể hiện bản thân ở công ty sẽ phần nào thể hiện điều đó. Nếu bạn luôn bỏ bê bản thân, không chăm chút vẻ ngoài hay tối thiểu là giữ vệ sinh, chắc chắn sếp bạn sẽ phải hạn chế bạn tới những buổi gặp gỡ khách hàng hay đối tác cũng như các sự kiện gặp gỡ khác.

Một kẻ lười biếng

Bạn có thể là người không ngăn nắp song ít nhất đừng bày bừa hay tệ hơn là để người khác phải dọn rác của mình ở nơi làm việc. Randall nói: “Dù bạn đang ở bàn làm việc của mình hay trong phòng nghỉ, việc luôn hành động để người khác phải nghĩ đến bạn với biệt danh kẻ lười biếng không bao giờ là việc hay. Khi bạn bày bừa và để lại những mớ hỗn độn cho người sau xử lý, điều đó nói rằng bạn là người thiếu trách nhiệm, thiếu chín chắn".

Dù bạn làm việc trong môi trường nào, hãy đảm bảo bản thân luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh chung. Khi chính bạn làm tắc bồn rửa bát ở văn phòng hay bày ra những đống rác mà còn không muốn dọn thì bạn mong đợi ai sẽ là người đến sau dọn dẹp những thứ đó cho bạn?

Là một việc nhỏ và không liên quan trực tiếp đến công việc song điều này có thể ảnh hưởng đến thiện cảm cấp trên dành cho bạn cũng như khả năng phát triển trong công việc. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc khả năng thăng tiến của một người khi thấy người đó luôn tạo ra những mớ hỗn độn cho người đến sau xử lý. 

Buôn thúng bán mẹt 

Nếu công ty không có điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, bạn có thể làm thêm nhiều nghề tay trái khác nhưng hãy nhớ rằng, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến công việc chính cũng như không lấn vào thời gian làm việc. Một trong những điều khiến các vị sếp không hài lòng ở nhân viên của mình chính là buôn bán nơi công sở. 

Điều này không chỉ khiến văn phòng của bạn trông như một cái chợ mà bạn còn có thể không đảm bảo thời gian cũng như chất lượng công việc và có thể làm mất thời gian của cả những người xung quanh, đặt đồng nghiệp vào tình thế khó xử khi không muốn mua hàng. Thậm chí, đây hoàn toàn có thể là lý do để cấp trên sa thải bạn. 

Bị phân tâm trong các cuộc họp

Không người sếp nào thích nhân viên của mình làm 12 điều này - 3

Vicky Oliver, tác giả của cuốn sách "301 Smart Answers to Tough Interview Questions" (tạm dịch: “301 câu trả lời thông minh cho những câu hỏi phỏng vấn hóc búa”) và “Bad Bosses, Crazy Coworkers & Other Office Idiots” (tạm dịch: “Những ông chủ tồi, những gã đồng nghiệp điên rồ và những tên ngốc văn phòng khác”) nói: “Bạn có biết vì sao  nhắn tin là bất hợp pháp khi đang lái xe không, đó là bởi bạn sẽ không thể tập trung hoàn toàn vào 2 việc cùng một lúc".

Việc bạn nhắn tin, lướt web trên máy tính xách tay, điện thoại hay thực hiện bất kỳ điều nào khác sẽ cho cấp trên và mọi người trong cuộc họp thấy rằng bạn không hề tập trung vào nội dung cuộc họp. 

"Sếp của bạn sẽ thừa biết rằng dù người bạn ở đây nhưng tâm trí thì lại đang để nơi khác", Oliver nói.

Dăm bữa nửa tháng lại xin nghỉ ốm 

Có thể bạn có vấn đề sức khoẻ thật hoặc đơn giản chỉ là lấy cớ đó để việc xin nghỉ trở nên hợp lý hơn. Tuy nhiên nếu điều này xuất hiện với tần suất quá dày, dù là lý do gì đi chăng nữa, sếp của bạn chắc chắn cũng sẽ không cảm thấy thoải mái. Liệu ai có thể muốn cất nhắc bạn khi vài bữa bạn lại xin nghỉ với đủ lý do và đa phần là ốm? 

Tọc mạch

Oliver nói: “Có một ranh giới giữa tò mò và tọc mạch mà bạn cần phải biết để không vượt qua".

Bạn có thể hỏi thăm đồng nghiệp của mình về người đồng nghiệp mới phòng bên là ai. Tuy nhiên nếu bạn tìm cách tra hồ sơ của bên nhân sự để xem gia cảnh cô ấy thế nào, từng kiếm được bao nhiêu ở công ty cũ, bạn đang đi quá giới hạn. Không chỉ là cấp trên mà cũng không ai thích có một đồng nghiệp hay người bạn tọc mạch quá như vậy. 

Biến của công thành của tư

Không người sếp nào thích nhân viên của mình làm 12 điều này - 4

Nếu bạn định cuối tuần này làm việc ở nhà, bạn có thể mang một số văn phòng phẩm ở công ty về để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên nếu không có lý do gì mà bạn đem những đồ dùng của công ty về nhà, đó có thể coi là một hành vi trộm cắp. Theo chuyên gia Oliver, bạn cần tự hỏi xem liệu mình có sử dụng đồ dùng đó cho công việc của công ty hay không. Nếu câu trả lời là không, hãy cất chúng trở lại vị trí ban đầu. Điều tương tự cũng nên áp dụng với điện thoại của cơ quan cũng như máy in, máy photocopy. 

Uống rượu khi làm việc

Một số cấp trên thường dự trữ đồ uống trong tủ lạnh của công ty và tổ chức những buổi ăn uống hàng tuần nhằm thắt chặt tình đoàn kết của tập thể song không phải ai cũng như vậy. Ở một số công ty, việc bạn uống bia rượu trong giờ làm việc có thể là lý do khiến bạn bị sa thải. Trên thực tế, một cuộc khảo sát của The Ladders về các nhà quản lý cho thấy 35% các ông chủ được khảo sát đã từng sa thải nhân viên của họ vì say xỉn tại nơi làm việc.

Ngay cả khi uống rượu xã giao là một phần trong văn hóa làm việc của công ty bạn thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn nên uống rượu thường xuyên đến mức không khác gì một kẻ nghiện cồn. Không một người sếp nào thích thú khi thấy nhân viên của mình trong tình trạng ngất ngây, không thể tập trung cho công việc. 

Tìm kiếm một công việc khác khi bạn đang làm việc

Khi bạn vào facebook hay gọi điện thoại cá nhân trong giờ làm việc, bạn đang làm ảnh hưởng đến giờ làm việc song mức độ không quá đáng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu bạn tìm kiếm một công việc khác ngay khi còn đang ngồi trong văn phòng, điều đó sẽ thực sự tệ. 

Ngay cả việc bàn tán với một đồng nghiệp nào đó về việc bạn đang muốn "nhảy việc" hay tìm một công việc mới cũng là điều không hay. Họ có thể cố ý hoặc không cố ý chia sẻ thông tin này và cấp trên của bạn rất dễ liên hệ điều này đến việc năng suất gần đây của bạn giảm đi hay thời gian ở công ty cũng ít. Thậm chí, bạn còn có thể bị sa thải ngay khi chưa tìm được công việc mới.  

Nguồn: [Link nguồn]

Được sếp tặng quà đắt tiền nhưng bí mật phía sau khiến nhân viên sốc

Khi biết được sự thật, có rất nhiều ý kiến trái chiều trước hành vi này của giám đốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN