Không hợp thì chia tay

Lấy lý do không hợp nhau, nhiều cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng ly hôn sau thời gian ngắn chung sống.

Đang trong giờ làm việc mà bà dì tôi hốt hoảng gọi điện thoại: “Con Hương lại ly dị nữa cháu à, nói mấy nó cũng không chịu rút đơn”. Tôi nghe mà tá hỏa vì đây là lần thứ hai Hương ly hôn, trong khi cô mới 25 tuổi.

Không hợp thì chia tay

Hương là con gái duy nhất của dì tôi nên được cưng chiều hết mực. Ra trường được 2 năm, Hương xin phép cưới người yêu làm cùng công ty. Chồng Hương gia cảnh khá giả, so với dì dượng tôi cũng rất “môn đăng hộ đối” nên dì tôi đồng ý ngay.

Đám cưới được tổ chức linh đình. Vốn quen sống thoải mái, phóng khoáng nên dù có chồng, Hương vẫn vô tư tụ tập, đi chơi đây đó với bạn bè. Hết giờ làm việc, thay vì vợ chồng cùng về nhà cơm nước thì Hương lại thích lang thang uống cà phê, mua sắm đến tối mịt.

Cưới được hơn 1 tháng thì Hương xách vali về nhà cha mẹ vì chồng cô yêu cầu vợ phải về nấu nướng mỗi ngày. Dì dượng tôi nghe con kể khổ cũng xót ruột nên mắng con rể ích kỷ, gia trưởng, độc đoán. Kết quả là chẳng bao lâu sau, vợ chồng Hương ly hôn.

Vài tháng sau, Hương lại vui vẻ lên xe hoa. Lần gặp mới đây, tôi hỏi: “Hai đứa sống thế nào?”. Hương cười rạng rỡ: “Tụi em hợp nhau lắm!”. Hương kể đi làm về, vợ chồng cô lại đèo nhau đi chơi rồi ăn uống bên ngoài. Mỗi tuần, vợ chồng đều đi chơi đâu đó và mỗi tháng thì lại có một chuyến đi chơi xa. Chính vì thế, lương của vợ chồng Hương thường đến giữa tháng đã cạn, cô phải về nhà xin “viện trợ”.

Không hợp thì chia tay - 1

Nhiều cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng ly hôn sau thời gian ngắn chung sống (Ảnh minh họa)

Thấy tình hình không ổn, dì tôi nhắc nhở: “Xài như tụi bây thì núi cũng lở. Phải biết tiết kiệm để còn sinh đẻ nữa chứ!”. Nghe vậy, chồng Hương hậm hực: “Ba má đừng xen vào chuyện của vợ chồng con. Nếu không ở được, tụi con tự khắc biết cách giải quyết”. Cách giải quyết của đôi vợ chồng trẻ là gửi đơn ly hôn ra tòa.

Không ai chịu ai

Đổ vỡ trong tổ ấm trẻ ngày càng tăng ở Việt Nam. Lý do thì muôn hình vạn vẻ, có khi rất buồn cười. Chẳng hạn, trường hợp của vợ chồng con trai bác hàng xóm của tôi.

Năm trước, nghe con trai út đòi cưới vợ, bác mừng như bắt được vàng: “Có vợ rồi, nó phải lo làm ăn”. Cưới vợ xong, con trai bác vẫn vô tư tụ tập nhậu nhẹt, bài bạc cùng bạn bè. Cô vợ thì không có công ăn việc làm, mới cưới lại có thai nên trong người khó chịu, suốt ngày cau có. Đến khi con dâu sinh nở, một tay bác chăm sóc cháu nội ngày đêm, trong khi đôi vợ chồng trẻ ăn ở không chẳng chịu làm gì mà suốt ngày cứ cự cãi, nhà cửa lúc nào cũng om sòm. Cuối cùng, mới đây, cô vợ xách giỏ về nhà cha mẹ ruột với lý do “cãi nhau mệt quá”, bỏ con lại cho cha và bà nội trông nom.

Không chỉ những người thiếu công ăn, việc làm mới dễ đánh mất hạnh phúc, dân trí thức cũng chẳng hơn. Kết quả thống kê tỉ lệ ly hôn đến tham vấn trong 5 năm trở lại đây của Trung tâm Gia Đình Việt cho thấy 50% trong số 1.456 trường hợp ly hôn rơi vào những cặp vợ chồng có thời gian chung sống dưới 5 năm. Đặc biệt, tỉ lệ các cặp vợ chồng có trình độ đại học lại cao hơn những người có trình độ thấp hơn.

Bà Nguyễn Thị Thạch Thảo, chuyên viên tư vấn của trung tâm, nhìn nhận: “Ngày nay, các bạn trẻ đến rồi đi thật dễ dàng. Đây là một vấn đề đáng suy nghĩ trong bối cảnh nhà nước và xã hội đang nỗ lực xây dựng và phát huy những nét đẹp vốn có của gia đình truyền thống”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN