Không đi văn nghệ tổng kết, nữ nhân viên bị sa thải 

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

9h tối mới tan làm, cô gái bị quản lý cửa hàng yêu cầu ở lại để tập luyện cho tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho tiệc tất niên của công ty. Sau khi từ chối, cô bị sa thải.

Gần cuối năm, câu chuyện về quyền lợi người lao động và văn hóa doanh nghiệp lại đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc, một cô gái trẻ ở thành phố Hàng Châu, Chiết Giang bị sa thải chỉ vì từ chối tham gia buổi tập nhảy cho tiệc tất niên sau một ngày dài làm việc. Sự việc một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi về việc liệu các hoạt động ngoài giờ làm việc có nên trở thành nghĩa vụ bắt buộc đối với nhân viên hay không.

Theo truyền thông địa phương, cô Vương, một kỹ thuật viên làm đẹp tại một thẩm mỹ viện, đã phải trải qua một ngày làm việc căng thẳng kéo dài 12 tiếng. Đến cuối ngày, thay vì được nghỉ ngơi, cô lại bị quản lý cửa hàng yêu cầu ở lại để tập luyện cho tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho tiệc tất niên của công ty.

Cảm thấy mệt mỏi và cho rằng việc tập nhảy không được thông báo trước, cô Vương từ chối và trở về nhà. Tuy nhiên, quyết định này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. "Tôi không ngờ rằng ngày hôm sau, tôi đã bị công ty sa thải. Hành động của tôi bị coi là cãi lời cấp trên", cô Vương bức xúc chia sẻ.


Cô Vương hiện đã kiện công ty ra tòa vì vi phạm quyền lao động.

Cô Vương hiện đã kiện công ty ra tòa vì vi phạm quyền lao động.

Được biết, sau khi cô Vương từ chối, quản lý thẩm mỹ viện đã báo cáo sự việc lên quản lý khu vực. Quản lý khu vực sau đó đã hỏi về tiến độ tập luyện trong một nhóm chat trên ứng dụng WeChat. Cô Vương đã bày tỏ quan điểm của mình một cách thẳng thắn: "Trước khi làm bất cứ việc gì, ít nhất cũng phải sắp xếp thời gian hợp lý, đừng thông báo đột xuất như vậy. Cứ hành xác nhân viên thế này, người ta sẽ đổ bệnh mất".

Phản ứng lại lời cô Vương, quản lý thẩm mỹ viện đã có những lời lẽ đầy mỉa mai. Đến ngày hôm sau, cô Vương bị quản lý gọi lên để nói chuyện. Theo lời kể của cô, quản lý đã đưa ra hai lựa chọn, ở lại cửa hàng hiện tại hoặc chuyển sang một cửa hàng khác, nhưng với điều kiện "phải phục tùng sự sắp xếp của quản lý, không được oán trách, không được phát ngôn trong nhóm, không được có bất kỳ ý kiến nào". Cảm thấy không thể chấp nhận những điều kiện vô lý này, cô Vương đã quyết định xin thôi việc.

Tuy nhiên, thay vì chấp nhận đơn xin thôi việc, công ty lại ban hành một thông báo sa thải, liệt kê ra ba lý do: "Thứ nhất, vô trách nhiệm với khách hàng, khi phục vụ khách hàng được một nửa thì đến giờ tan làm là muốn đi; Thứ hai, phàn nàn về việc tập luyện văn nghệ cuối năm, không tuân theo sự sắp xếp của công ty, cãi lời trưởng cửa hàng trong nhóm; Thư ba, thái độ làm việc ngày thường không phù hợp với quy phạm hành vi của công ty".

Cô Vương vô cùng bất ngờ trước thông báo này: "Tôi chỉ xin từ chức bình thường, tại sao lại ra một thông báo sa thải như thế này?" Hiện tại, cô đã quyết định khởi kiện công ty, giao vụ việc cho pháp luật giải quyết.

Câu chuyện này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng mạng bày tỏ sự đồng cảm với cô Vương và chỉ trích cách hành xử của công ty. Những bình luận như "9 giờ tan làm còn nhảy múa cái quái gì nữa", "Vài người đúng là quen tác oai tác quái rồi", "Đi làm còn phải nhảy múa? Lương tháng cao ngất à?"... cho thấy sự bất bình của cộng đồng mạng.

Nhiều người cũng bày tỏ sự ngán ngẩm với văn hóa "ép buộc" nhân viên tham gia các hoạt động ngoài giờ làm việc. "Mình là người hướng nội, nếu phải biểu diễn chương trình sẽ khiến bản thân lo lắng mất ngủ", một người dùng mạng chia sẻ. "Thật sự quá phiền phức, từ nghĩ ý tưởng, sắp xếp, biểu diễn là một gánh nặng toàn diện", một người khác đồng tình. Một số ý kiến cho rằng tiệc tất niên nên là dịp để nhân viên thư giãn và tận hưởng, thay vì trở thành một gánh nặng: "Ăn một bữa cơm đơn giản, sắp xếp một buổi bốc thăm trúng thưởng công bằng, phát ít lì xì, sau đó để nhân viên về nhà sớm với gia đình, đó mới là tiệc cuối năm đáng để vui vẻ".

Sự việc của cô Vương không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn phản ánh một vấn đề phổ biến trong môi trường làm việc hiện nay. Nhiều người lao động cảm thấy áp lực phải tham gia các hoạt động ngoài giờ làm việc để làm hài lòng cấp trên, ngay cả khi điều đó ảnh hưởng đến thời gian cá nhân và sức khỏe của họ. Vụ việc này một lần nữa đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa nghĩa vụ công việc và quyền lợi cá nhân của người lao động, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng và thấu hiểu. 

Còn vài ngày nữa là Tết nhưng đến giờ phút này, tôi không còn thiết tha gì nữa…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tư Tuyền (Theo Sina) ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN