Không chịu được áp lực công việc, nam nhân viên bỏ trốn vào rừng sống
Nam nhân viên này cảm thấy căng thẳng, không thể chịu nổi những sức ép trong công việc, nên quyết định bỏ vào rừng sống cho yên thân. Cuộc sống trong rừng có thoải mái như anh ta nghĩ không?
Công việc nói chung sẽ luôn có những áp lực, và ở một số công ty, với một số người, áp lực này là nặng nề đến mức không thể chịu đựng.
Chẳng hạn như với một người đàn ông 41 tuổi ở Malaysia.
Ngày 3/6, người này (giấu tên) đi xe bus từ thủ đô Kuala Lumpur tới một ga tàu điện, rồi đi tàu điện tới một địa điểm gần rừng rậm. Rồi anh ta xuống tàu và đi vào rừng, quyết định sống trong rừng để khỏi phải chịu những căng thẳng do công việc nữa.
Cứ tưởng người này giờ đã được sống thảnh thơi giữa thiên nhiên hoang dã, nhưng không, có vẻ rừng rậm mênh mông còn khiến anh ta bị áp lực hơn.
Sống trong rừng được cái có không khí trong lành nhưng không dễ như người ta tưởng. Ảnh minh họa: Freepik.
Nên chỉ chưa được một tuần, mà cụ thể là 6 ngày sau, anh ta đã gọi điện cho số khẩn cấp (hóa ra dù trốn vào rừng nhưng anh này vẫn mang theo điện thoại, may mà máy còn pin) để nhờ giải cứu khỏi “cuộc sống lý tưởng” trong rừng.
Theo trang Bernama, đội cứu hỏa Perak Malaysia nhận được thông tin về người đàn ông kia vào buổi trưa ngày 9/6. Họ lập tức lên đường đi tìm nạn nhân. Phía đội cứu hỏa nói: “Nạn nhân mặc quần jeans xanh và áo phông màu cam, có thể liên lạc bằng điện thoại nhưng không vào mạng Internet được, nên không thể định vị”.
Người đàn ông trốn vào rừng để khỏi phải làm việc nữa. Ảnh: Đội Cứu hỏa và Cứu hộ Perak.
Khoảng 3 tiếng sau, đội cứu hỏa tìm thấy “nhân viên không chịu được áp lực” kia. Anh ta thừa nhận rằng vào rừng được 6 ngày thì anh ta bị đói và lạc đường, vì đã bao giờ sống trong rừng đâu, nên chỉ muốn quay lại cuộc sống ở thành phố cho xong.
Khi được tìm thấy, anh này ở tình trạng ổn định, chỉ bị tụt huyết áp do không ăn gì suốt 6 ngày.
Hiện người này đang được các bác sĩ tư vấn tâm lý. Phía cảnh sát cũng nhấn mạnh rằng, những ai cảm thấy cô độc, căng thẳng, có suy nghĩ tiêu cực… thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ chứ không nên chọn giải pháp như người đàn ông nói trên. Tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là sự can đảm, dám thừa nhận vấn đề của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Những người ban đầu chê cô còn trẻ đẹp mà lại chọn công việc chăn lợn, khi biết mức lương của cô họ đồng loạt “quay xe”.