Khởi nghiệp "ngược bão": Mang bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đi Tây
Trong khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, kinh doanh trì trệ, nguy cơ phá sản… do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vẫn có những bạn trẻ tại TPHCM sáng tạo, tìm cơ hội để tồn tại và phát triển.
Giám đốc 8X Lê Duy Toàn sáng tạo chế biến nhiều sản phẩm từ nông sản Việt xuất khẩu ra 42 nước trên thế giới. Ảnh: U.P
Ý tưởng ban đầu chỉ nhằm giải cứu nông sản Việt trước nguy cơ ùn ứ do dịch COVID-19, chàng giám đốc 8X đã sáng tạo ra những sản phẩm độc lạ, xuất khẩu sang 42 nước trên thế giới, dưới 2 thương hiệu Việt được đăng ký bản quyền là Mr Rice và Duy Anh.
Ý tưởng từ giải cứu nông sản
Những ngày cuối tuần, công nhân được nghỉ nhưng anh Lê Duy Toàn (32 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi, TPHCM) vẫn cặm cụi tại phòng làm việc, nghiên cứu tối ưu hóa sản phẩm sao cho thuận tiện nhất với thực khách.
“Khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu, nhiều mặt hàng nông sản ùn ứ do không thể xuất khẩu. Thấy dưa hấu kêu gọi “giải cứu”, tôi đã mua về cho nhân viên ăn để ủng hộ bà con. Sau đó tôi nhận ra, nếu ăn thế này không giúp được bao nhiêu mà cũng không giải quyết được bài toán đầu ra cho nông sản. Tôi chợt loé lên ý tưởng kết hợp bánh tráng, bún, phở với dưa hấu, thanh long như một cách tiếp sức cho nông sản Việt, đồng thời làm mới sản phẩm của mình” - anh Toàn chia sẻ cơ duyên với sản phẩm độc, lạ này.
Để có công thức hoàn chỉnh sản xuất đến hàng tấn nguyên liệu dưa hấu, thanh long mỗi ngày, anh đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần. Trong những lần đầu thử nghiệm, do công thức chưa chuẩn hoặc nhiệt độ sấy chưa phù hợp nên thành phẩm không như mong đợi, sợi bún cứng, màu luộc bị nhạt, ăn không ngon. Phải trải qua 7-8 lần điều chỉnh, anh Toàn mới cho ra được sản phẩm bắt mắt như hiện tại.
Theo anh Toàn, công thức làm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long khá đơn giản. Dưa hấu từ Long An và Gia Lai, thanh long từ Bình Thuận, sau khi nhập về được lột sạch vỏ, tách hạt, xay nhuyễn rồi trộn chung với bột gạo và gia vị với liều lượng phù hợp để chế biến. Riêng bún dưa hấu có công thức 40% nước ép dưa hấu (thay cho nước lọc trước đây), 60% còn lại là bột gạo và các gia vị phù hợp trộn chung sau đó được ép thành từng sợi bún tươi.
Bún tươi được để qua đêm rồi đem rửa lại để tách sợi và tránh dính, sau đó được sấy khô trong vòng 4 tiếng và cuối cùng được đặt vào phòng làm mát để đóng gói. Đối với bánh tráng, thanh long được nghiền nhỏ, trộn với bột gạo theo tỷ lệ nhất định rồi thực hiện như bánh tráng thông thường. Loại bánh tráng này có thể dùng để ăn ngay như dùng cho các món cuốn, món gỏi.
Tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm
Khi còn du học ở Mỹ, anh Lê Duy Toàn phát hiện, bánh tráng bán ở bên Mỹ đều ghi nhãn mác Thái Lan. Sau thời gian tìm hiểu, anh mới biết Thái Lan không sản xuất bánh tráng. Họ mua bánh tráng từ Việt Nam rồi đóng gói, ghi trên bao bì “made in Thailand” để xuất khẩu ra nước ngoài, hưởng chênh lệch giá.
“Chợt nghĩ ở quê mình, ba mẹ và người dân làm bánh tráng còn ngon hơn, nhưng lại chưa thể bán ra nước ngoài. Còn người Thái, xưa giờ không sản xuất được loại hàng này, họ đặt Việt Nam làm hàng xá, rồi đem về nước gia công, vào bao bì, đóng gói xuất khẩu. Vậy mà giờ những sản phẩm này lại chễm chệ trên các kệ hàng trong siêu thị nước Mỹ. Tự ái dân tộc nổi lên, tôi quyết định học xong sẽ về nước làm điều gì đó cho làng bánh tráng Phú Hòa Đông quê mình” - chàng giám đốc 8X bộc bạch.
Dịch COVID-19 chính là cơ hội để anh Toàn biến giấc mơ thành hiện thực. Ngay sau khi sản phẩm bún dưa hấu và bánh tráng thanh long ra mắt, chỉ qua một lần chào hàng, khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc liền đặt hàng. “Công ty đã xuất lô bún dưa hấu đầu tiên khoảng 4 tấn đi Hàn Quốc; khách hàng ở Nhật Bản ký đơn hàng 3,5 tấn và Úc là 2,5-3 tấn bún dưa hấu, bánh tráng thanh long. Mới đây nhất, 9 tấn bún dưa hấu cũng đã ‘bay’ sang Canada”, anh Toàn cho biết.
Anh Toàn tiết lộ thời gian tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng thêm các sản phẩm tương tự. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp và có rất nhiều loại rau quả ngon, bổ dưỡng. Trong khi khách hàng rất chuộng những sản phẩm mới lạ, việc sáng tạo trong chế biến nông sản để gia tăng giá trị là rất cần thiết. Đây cũng là cách “giải cứu” nông sản hiệu quả cho nông dân.
Khởi nghiệp trong bối cảnh Covid-19 để bắt đầu lại từ số 0 là việc không phải ai cũng dám làm.
Nguồn: [Link nguồn]