Khổ sở vì phải chiều ô sin như bà hoàng
"Bà ngoại toàn bế cháu cho giúp việc ăn cơm trước, nhiều khi còn bế cháu cho giúp việc ngủ trưa".
Xung quanh vấn đề người giúp việc luôn nảy sinh những câu chuyện khiến các bà mẹ bỉm sữa đau đầu. Người thì không hài lòng vì ô sin quá lười, trốn việc, người thì bức xúc vì ô sin chậm chạp, ngây ngô, người lại bực mình vì ô sin quá khôn ngoan, sành sỏi… Chuyện về người giúp việc dường như là chủ đề “bà tám” không bao giờ dứt của các bà mẹ nơi công sở.
Kêu than là vậy nhưng cuối cùng họ lại có chung một cách xử lý, đó là “một điều nhịn là chín điều lành” bởi ở thời điểm “cầu lớn hơn cung” này, việc tìm được một người giúp việc không hề đơn giản.
Nhắm mắt làm ngơ
Nhiều người sau khi trải qua hành trình dài tìm kiếm, chọn lọc người giúp việc kỹ lưỡng vẫn chưa có được người ưng ý nên đành tự an ủi mình rằng, thôi thì vợ chồng hiểu nhau đến thế mà đôi khi còn “xô bát, xô đũa” nói gì đến người giúp việc xa lạ. “Một điều nhịn là chín điều lành”, găng lên chẳng được gì mà người thiệt lại chỉ có con cái.
Nhiều bà mẹ để giữ "hòa khí" với người giúp việc thường sống theo phương châm "một điều nhịn là chín điều lành" (ảnh minh họa)
Chính vì thế mà thay vì nhắc nhở, “ý kiến ý cò” với ô sin, các bà mẹ thường đem câu chuyện ấy đến chốn công sở “bà tám” với đồng nghiệp để vừa được “xả”, vừa không ảnh hưởng đến hòa khí gia đình.
Chị Thúy (quê Vĩnh Phúc, hiện đang làm việc tại Hà Nội) đối với người giúp việc cũng nhiều lần “nhắm mắt làm ngơ”, tất cả chỉ vì lợi ích của con cái.
Chị kể: “Mình sinh đôi, một mình bà ngoại không thể một lúc trông hai cháu nên đành thuê giúp việc. Bà này chăm em bé rất khéo nhưng lại lười làm việc nhà. Bà ngoại toàn bế cháu cho giúp việc ăn cơm trước, nhiều khi còn bế cháu cho giúp việc ngủ trưa. Mỗi lần thấy mình mua cho bà ngoại quần áo mới, bà ấy lại xị mặt, đòi ứng lương dẫn ra chợ mua cho bộ đồ như thế… Bà nấu ăn dở không dám kêu, bà không lau nhà cũng không trách… Được cái bà thương cháu, mở điều hòa nóng, lạnh đều theo thân nhiệt của cháu cả. Thế nên vợ chồng mình bảo nhau, thôi thì được cái này mất cái khác, chẳng mấy khi nói gì làm bà mất lòng”.
Đa số các bà mẹ đều lo lắng để mất lòng người giúp việc sẽ khiến con cái thiệt thòi nên thường “nín nhịn”. Tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn người giúp việc là biết chăm trẻ nhỏ, còn chuyện làm việc nhà đôi khi họ sẵn sàng xắn tay áo hết từ việc nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ...
Dù giúp việc có nhiều tính khó ưa nhưng nhiều bà mẹ vẫn cố chiều (ảnh minh họa)
Chị Hiền (Xuân Đỉnh, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Chị kể: “Người giúp việc hiện tại nhà mình là người thứ hai rồi. Cũng tạm ổn, rất chăm lo cho con mình từ tắm rửa đến ăn uống, ngủ nghỉ… Thế nhưng, bác ấy… ăn thì không ăn rau, chỉ ăn thịt với cá. Thức ăn thì chỉ ăn một lần, đồ bỏ tủ lạnh mà hâm lại thì bác ấy phụng phịu, khó chịu lắm.
Buổi sáng mua bánh mì thì bảo khô không ăn, mì tôm thì nóng không ăn được, tóm lại chỉ thích ăn phở thôi… Nói chung, tất cả vì con nên mình phải nín nhịn. Chữ lỡ mình nói gì để họ phật lòng, giận dỗi mẹ lại đổ lên đầu con thì xong. Xác định vẫn cần họ thì tốt nhất là nhắc nhở nhẹ nhàng, khéo léo thôi hoặc không thì “nhịn hẳn”. Chứ động một ít là mắng nặng lời thì chỉ có thiệt con mình. Mình đi làm cả ngày, sao mà yên tâm được”.
Anh Hải Lâm (nhân viên kinh doanh ở Hà Nội) cũng cho biết, nhà anh có thuê một cô giúp việc hơn 60 tuổi. Cô rất yêu trẻ nhỏ, biết chăm em bé nhưng lại thường xuyên "trốn" làm việc nhà. "Có lần mình đi công tác xa cả tuần, hôm đó 6h tối, mình mới về đến nhà. Vừa về nhà, thấy con cười sung sướng và giơ tay đòi bố ẵm. Mình ôm ấp con, tỉ tê, hôn hít cho bõ cả tuần không được bên con. Vậy mà chưa chơi với con được 5 phút, bà giúp việc bảo: "Thôi, để tôi trông cháu cho, cậu đi nấu cơm đi". Lúc đó... mình đứng hình hơn 10 giây... nhưng rồi lại nghe lời giúp việc, đưa con cho bà trông để đi nấu cơm".
“Nhịn” ô sin mới nghe qua thì thấy có vẻ vô lý nhưng đó là điều thực tế diễn ra ở rất nhiều gia đình có giúp việc. Dù bỏ tiền ra trả lương và bao ăn, ở cho họ nhưng nhiều người vẫn không tránh được việc phải nhắm mắt làm ngơ để tránh mất hòa khí gia đình.
“Kể ra “nhịn” một chút thì cũng đúng thôi. Mình bỏ tiền thì họ bỏ sức, hai bên công bằng, đâu phải chủ - tớ mà có quyền mắng mỏ, nặng lời với người ta. Chưa kể hai bên lại sống cùng nhau, ra vào chạm mặt hằng ngày. Thôi thì mình cứ biết điều trước, nếu họ là người tốt thì họ cũng chẳng làm khó mình”, chị Hiền chia sẻ thêm.
Phải biết lấy lòng giúp việc
Để người giúp việc toàn tâm toàn ý chăm sóc con và lo toan việc nhà, nhiều bà mẹ còn phải tìm cách “xu nịnh” họ. Nếu không có điều kiện thưởng tiền, quần áo… thường xuyên, các mẹ thường dùng lời nói ngọt ngào khiến cho người giúp việc mát lòng, mát dạ mà nhiệt tình với gia đình hơn.
Các bà mẹ còn "xu nịnh" giúp việc để họ toàn tâm toàn ý với công việc (ảnh minh họa)
“Mấy bà giúp việc có tuổi thường ưa nói ngọt nên mình vẫn phải “nịnh” đều đấy. Bà nhà mình cũng có vài tính khó ưa nhưng được cái rất khéo cho bé ăn. Mỗi lần bé ăn xong mình lại nịnh: “Bác hay thật, con bé lười ăn thế mà bác vẫn cho nó ăn no ngon lành”, bác ấy cười khì khì bảo: “Chuyện, tôi có bí quyết riêng mà lị”. Tất nhiên, cũng không nên nịnh nọt nhiều quá, kẻo họ lại được đằng chân, lân đằng đầu, lấn lướt mình”, chị Hương (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Phạm Quỳnh (Cầu Diễn, Hà Nội) vốn thẳng tính, không hay nịnh nọt nên thường “lấy lòng” người giúp việc bằng cách thỉnh thoảng mua cho họ quần áo, rồi sắm sửa quà cáp cho họ về quê. “Mình sống tình nghĩa với họ thì chẳng lý nào họ lại phụ mình. Tôi nghĩ, giữa người giúp việc và chủ nhà quan trọng nhất là cách ứng xử. Nếu cả hai đều bớt yêu cầu đi, nghĩ cho nhau chút thì chẳng mấy khi xô xát”, chị chia sẻ.