Khó khăn của cô dâu Việt sau ly hôn chồng Hàn Quốc
Kim Oanh vẫn nhớ một ngày mùa đông 7 năm trước, cô dắt hai con rời khỏi căn nhà ở tỉnh Gyeonggi, kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc, dù tương lai mờ mịt.
"Thứ duy nhất tôi có lúc đó là quốc tịch Hàn Quốc", người phụ nữ 42 tuổi, quê Tây Ninh, kể. Giấc mơ đổi đời của Oanh tan vỡ.
Oanh lớn lên trong một gia đình nghèo khó nên cô muốn lấy chồng ngoại để cuộc sống khấm khá hơn. Thông qua môi giới, cô kết hôn với một người đàn ông làm công nhân ở TP Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, hơn Oanh 12 tuổi. Đám cưới tổ chức năm 2009, khi cô 27 tuổi, sau đúng một tháng tìm hiểu nhau.
Nhưng cuộc sống ở Hàn Quốc của Oanh ngày càng cơ cực, nhất là sau khi hai con ra đời. Chồng cô cục tính, gia trưởng và lười biếng. Gánh nặng chăm sóc con lẫn kinh tế đổ dồn lên vai Oanh, một công nhân lắp ráp điện tử, lương 3 triệu won mỗi tháng nhưng phải làm việc 12 giờ mỗi ngày.
Cuộc sống chật vật khiến vợ chồng họ cãi vã liên miên. Không ít lần, chồng Oanh trút giận lên con, khiến hàng xóm phải chạy sang can ngăn. Một ngày đông 2017, người hàng xóm gọi Oanh lại khuyên "không sống nổi thì bỏ đi cháu".
Cô đệ đơn ly hôn đơn phương và dắt con ra ngoài thuê căn nhà trọ cách đó vài chục km, giá 600.000 won (gần 10 triệu đồng). Nhưng hai con của Oanh đều đang độ tuổi tiểu học, chúng cần được đưa đến trường mỗi sáng, cô không thể nhờ người khác. Chồng Oanh không chu cấp, còn nhà nước hỗ trợ 300.000 won mỗi tháng.
Oanh nói thuê người giúp việc ở Hàn Quốc là xa xỉ với một người nhập cư như cô. Không còn cách nào khác, cô đành trở thành công nhân thời vụ, vừa chăm sóc con vừa nhận sản phẩm về nhà gia công đến 1-2h đêm.
Cô sút 5 kg trong vài tuần, gần như kiệt sức, đổi lại mức lương vừa đủ trả tiền trọ, ăn uống, học phí cho ba mẹ con. Tháng nào con bệnh, cô thiếu hụt phải vay mượn.
Bốn năm trước, Oanh bảo lãnh mẹ ruột sang nhưng bà không biết tiếng Hàn, không thể lái xe, chỉ hỗ trợ việc cơm nước, giặt giũ cho cô đỡ vất vả. Khoảng ba tháng, bà lại phải về nước do hết hạn visa, mất thêm chi phí vé máy bay.
"Cô đơn, buồn bã, tủi thân nhưng không thể về Việt Nam", Oanh nói. Hai con cô đều quen với cuộc sống ở đây, chúng không nói tiếng Việt, càng không thể hòa nhập môi trường mới.
Hơn hết, Oanh biết mảnh đất nông nghiệp ở huyện Hòa Thành, Tây Ninh không thể giúp cô nuôi con. Cô buộc ở lại, dù mệt mỏi và lao đao.
Một phụ nữ Việt bị chồng Hàn Quốc bạo hành, vừa điều trị vừa chăm sóc con trai tại bệnh viện thành phố Mokpo, tỉnh Jeollan Nam, tháng 7/2019. Ảnh: Korea Times
Lo lắng của Oanh không phải là thiếu căn cứ. Báo cáo mới nhất của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy cô dâu Việt chiếm tỷ lệ nhiều nhất (33,5%) trong số những cuộc hôn nhân đa văn hóa ở Hàn Quốc, tiếp theo là Trung Quốc 18% và Thái Lan 14%, tính đến cuối năm 2023. Số vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng đa văn hóa đang tăng mạnh, lên đến 6.000 vụ chỉ riêng trong năm 2023.
Cũng theo thống kê của Bộ này, hầu hết phụ nữ Việt Nam ly hôn chồng Hàn Quốc phải đối mặt với khó khăn tài chính, kèm với gánh nặng một mình chăm sóc con nhỏ, chiếm tỷ lệ 82,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn ông Hàn Quốc lấy vợ khác quốc tịch thường có thu nhập 2-3 triệu won một tháng, thấp hơn trung bình 3,29 triệu won của người lấy vợ Hàn Quốc.
Dù vậy, khoảng 80% số phụ nữ Việt sau khi ly hôn vẫn muốn ở lại để con cái được đi học hoặc tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc.
Bà Hoàng Thị Hà, trưởng nhóm hỗ trợ phụ nữ Việt ở TP Incheon, cho biết sự khó khăn sau ly hôn ngày càng lớn. Qua quá trình hỗ trợ phiên dịch cho các cô dâu Việt khi ly hôn, bà Hà nhận thấy khó khăn lớn nhất của họ thường bao gồm việc tìm nhà, tìm luật sư giành quyền nuôi con, gánh nặng kinh tế và không có người chăm sóc trẻ em. Đa số, các cô dâu là công nhân lắp ráp linh kiện, phụ tùng ôtô, vỏ hộp mỹ phẩm. Công việc này chỉ có thu nhập 2-3 ba triệu won mỗi tháng và phải tăng ca 8 tiếng, không đủ chi phí sinh hoạt, thuê nhà, nuôi con.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc thường xem xét các hộ gia đình đơn thân, lương người mẹ dưới hai triệu won, có trẻ nhỏ, hỗ trợ mức 200.000 - 300.000 won mỗi tháng. Số tiền vẫn không đủ trang trải, khiến họ rất khó khăn, đặc biệt là với tình hình lạm phát mấy năm nay.
Huyền trên đường phố Incheon, Hàn Quốc, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hai năm trước, lúc cầm hồ sơ ly hôn, Bích Huyền, 35 tuổi, đứng trước thế mắc kẹt. Cô có hai lựa chọn, một là chấp nhận hòa giải hôn nhân, hai là tự nuôi con.
"Tôi không muốn con mình bị tổn thương, chứng kiến bố mẹ suốt ngày cãi nhau", Huyền nói. Cô thừa nhận cuộc hôn nhân tan vỡ là do bản thân mình không tìm hiểu kỹ. Cô gái lớn lên ở Hà Nội, bố mất sớm, để lại gia đình vô cùng khó khăn.
Huyền từng là kế toán nhưng chấp nhận lấy chồng ngoại sau hai tháng trao đổi tin nhắn và một lần gặp gỡ với người chồng Hàn Quốc hơn cô 12 tuổi, với mong muốn thay đổi cuộc đời. Nhưng hôn nhân của họ là những trận cãi vã triền miên, cô nói mình khắc khẩu với chồng, mệt mỏi vì tính lười biếng.
Lúc ly hôn, Huyền thuê căn hộ giá hơn 300.000 won để ở cùng con gái, cách chỗ bố vài km. Cô có hai lý do, muốn con gần bố và có người trông nom cho cô tăng ca cuối tuần.
Lương công nhân ở công ty mỹ phẩm khoảng hai triệu won, nhà nước hỗ trợ thêm một triệu won nuôi con nhỏ, miễn học phí. Tuy nhiên, chồng cô không gửi tiền hỗ trợ. Luật sư tư vấn cô có thể kiện, lương của chồng sẽ được trích ra, chuyển thẳng vào tài khoản vợ cũ, nhưng Huyền không làm. "Một cuộc hôn nhân lục đục đã đủ rồi, tôi không muốn mâu thuẫn kéo dài", cô nói.
Luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn luật sư Hà Nội, từng hỗ trợ pháp lý từ xa cho nhiều phụ nữ Việt Nam ly hôn chồng Hàn Quốc, nói nguyên nhân chủ yếu do các cô dâu Việt "vỡ mộng". Họ thường kết hôn qua trung tâm mai mối và không có nhiều thời gian để tìm hiểu về người sẽ làm chồng mình. Cô dâu Việt Nam thường được gả về vùng nông thôn, khác biệt văn hóa, chồng thu nhập thấp hoặc phải chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, nảy sinh mâu thuẫn là các lý do chủ yếu.
Có nhiều trường hợp đệ đơn chỉ sau vài tháng chung sống, khiến đời sống sau ly hôn rất khó khăn. Họ phải liên hệ với phía Việt Nam để gửi các giấy tờ sang Hàn Quốc, bản thân cũng không nắm thông tin chồng hoặc gia đình chồng không được cầm giấy đăng ký kết hôn.
"Các vụ ly hôn đơn phương ở Việt Nam với người Việt đã khó nên ở Hàn Quốc càng phức tạp, mất nhiều thủ tục và thời gian. Nhiều gia đình chồng từ chối cung cấp thông tin và hỗ trợ", ông Hiển nói.
Luật sư cho rằng để không lâm vào tình cảnh khó khăn, bơ vơ nơi đất khách quê người, không có giải pháp nào tốt hơn là các cô dâu Việt cần có thời gian tìm hiểu kỹ văn hóa, lối sống, đặc biệt là đối tượng kết hôn. Hôn nhân nếu không có yếu tố tình cảm thì khó có thể bền chặt. Đồng thời, cô dâu Việt nên chuẩn bị, tìm hiểu trước thông tin, cách thức liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam cùng các hội nhóm, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc để được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Trung Quốc - Gặp gỡ cụ ông 80 tuổi ở viện dưỡng lão, cô gái 23 tuổi đem lòng yêu thương và quyết cắt đứt với gia đình để kết hôn với người tình cao tuổi.
Nguồn: [Link nguồn]