Khó chịu với sếp tính khí thất thường
Không chỉ riêng tôi, mà nhiều đồng nghiệp khác cũng khó chịu với tính khí khá thất thường đó của sếp.
Sếp tôi tuy rất tốt bụng, nhưng có một điều tôi chẳng hài lòng ở ông là sếp quá cảm tính. Đôi khi tôi đưa giấy tờ trình sếp ký, lần đầu sếp “khó dễ” không chịu ký (hình như lúc này trong lòng sếp không được vui, có điều gì đó bất ổn). Rồi lúc khác, canh lúc sếp vui vui, tôi đưa vào, cũng nội dung đó, sếp ký ngay, chẳng bắt bẻ gì thêm. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều đồng nghiệp khác cũng khó chịu với tính khí khá thất thường đó của sếp, bởi như thế công việc đáng lẽ triển khai nhanh nhưng vì sếp ký trễ nên lại bị đình trệ. Tôi thực lòng muốn nói để sếp thay đổi...
Có mấy người xem truyền hình thực tế, họ thấy cô gái này ở ngoài xấu mà lên ảnh thì xinh, cô gái khác xinh mà lên ảnh lại không được bắt mắt, thì có vẻ không hài lòng. Người thì chỉ trỏ: “Chắc tại cô này có người make-up giỏi hơn”, “Cô kia được mặc quần áo đẹp hơn”. Lại có người la lên: “Ô, sao cô kia được nhiếp ảnh chụp đi chụp lại còn cô này thì chỉ được chụp một lần thôi? Thật bất công!”.
Thật ra chẳng có gì là bất công cả. Người ngoài không biết rằng, kỹ năng để thí sinh được nhiếp ảnh chụp đi chụp lại cũng là một trong số những kỹ năng thành công. Tại sao có người chọn được người make-up giỏi hơn? Tại sao có người được nhà thiết kế tiếng tăm để mắt đến và những người còn lại thì không?
Tương tự trường hợp của bạn: nắm được tâm lý của sếp, hiểu được lúc nào sếp cảm thấy gì, cũng là kỹ năng quan trọng trong công việc. Giả sử bạn đi bán hàng, bạn có quan tâm đến cảm xúc trong ngày hôm nay của khách hàng hoặc của đối tác hay không? Nếu họ vui, có thể rút ví ra mua vài ba bộ quần áo một lúc, còn không, họ bắt bẻ lên xuống là chuyện thường và việc của người bán hàng là phải lựa tâm lý khách hàng để chiều theo. Nhiều khi người ta bực bội và đi mua hàng để xả stress là vì thế: họ được nịnh, được chiều. Vậy tại sao bạn không ứng dụng điều đó vào việc đưa sếp ký tờ giấy quan trọng đối với bạn?
Những người thành công hàng đầu thế giới không phải là những người có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) cao mà là người có EQ (chỉ số cảm xúc) cao. Bạn hãy tìm cách nắm được tâm lý, đồng cảm với cảm xúc của người khác, thì không chỉ vượt qua sự khó khăn của sếp mà còn thành công trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Để làm điều đó không khó: trước khi làm việc với sếp, bạn chỉ cần quan sát gương mặt hoặc hỏi han vài câu rồi hẵng vào việc chính.
Nắm được tâm lý của sếp, hiểu được lúc nào sếp cảm thấy gì, cũng là kỹ năng quan trọng trong công việc (Ảnh minh họa)
Nhưng với khách hàng, họ không mua thì có một trăm khách khác có thể mua. Còn sếp thì chỉ có một thôi. Sếp không chịu ký, công việc đình trệ, mà không phải công việc của một mình tôi, còn bao nhiêu anh em khác trong công ty cũng phải chịu chung tình cảnh đó. Vậy thì người thay đổi phải là sếp chứ không phải là tôi.
Bạn có thể thử làm một vài việc sau với sếp:
• Quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của sếp: Vợ chồng lục đục? Con ốm? Với những vấn đề cá nhân đó, nếu bạn (hoặc một đồng nghiệp khác trong công ty) trở thành người chia sẻ thì mọi người sẽ nắm được “dự báo tâm trạng” tốt hơn.
• Quan tâm đến sức khỏe của sếp. Người bị bệnh, hoặc ăn không đủ chất, thiếu các vitamin... đều dễ cáu gắt, trong trường hợp này bạn có thể biếu sếp một lọ vitamin tổng hợp.
• Kiếm cớ để làm vui cả phòng. Nếu trưa nay bạn gọi vài cái pizza cỡ lớn để ăn mừng một sự kiện nào đó (doanh thu cao vượt trội, sinh nhật nhân viên...) thì sếp cũng khó tránh mặt được.
Cuối cùng, nếu bạn không thể thay đổi được tính sếp (không phải tự nhiên người ta nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”) thì đành chấp nhận sống chung với lũ vậy. Công ty là của sếp, chắc chắn sếp lo lắng cho nó hơn bạn và tự ông cũng biết đâu là giới hạn của cảm xúc. Thật ra trong cuộc sống của chính mình, bạn cũng có rất nhiều áp lực và bản thân việc sếp thay đổi tâm trạng xoành xoạch là một trong số những áp lực đó. Và để cảm thấy tốt hơn, bạn có thể bỏ bớt áp lực này ra khỏi cuộc sống. Sếp vui coi như ngày nắng, sếp giận coi như ngày mưa và nắng hay mưa thì cũng đều có mặt tốt của nó.
Xem thêm các bài viết liên quan: