Khó chịu vì bạn gái "không cho"
Càng ngày, cháu càng thấy khó chịu khi bạn gái không cho cháu làm "chuyện ấy"
Mệt mỏi về cái màng trinh
Việc cháu từng có người yêu và bạn gái hiện nay của cháu cũng đã có vài mối tình trước khi đến với cháu đã được chúng cháu công khai với nhau. Nhưng không hiểu sao cháu vẫn không thấy hoàn toàn thoải mái. Hôm trước chúng cháu đi chơi và vô tình gặp bạn trai cũ của bạn gái cháu, nhìn rất ổn về ngoại hình và ngoại giao rất tốt. Thú thực là có vẻ hơn cháu toàn tâp. Trong đầu cháu lúc ấy cứ lởn vởn câu hỏi tại sao bạn gái cháu và anh ta lại chia tay? Và cháu càng thấy khó chịu khi bạn gái cháu nhất định không cho cháu làm “chuyện ấy”, mặc dù chúng cháu yêu nhau đã được hơn một năm rồi. Cháu không thô thiển đến mức hỏi bạn gái mình là còn trinh hay không, nhưng việc cô ấy không đáp ứng nhu cầu của cháu, cháu cứ nghi nghi là cô ấy đã làm chuyện ấy nhiều lần rồi và muốn giấu cháu, muốn chờ đến đêm tân hôn mới cho cháu làm chuyện ấy. Và lúc ấy nếu có phát hiện ra cô ấy không còn trinh trắng nữa thì việc cũng đã rồi. Cháu đã mắc sai lầm khi trước đây đã từng hùng hồn tuyên bố rất hoành tráng với bạn bè (trong đó có cả người yêu của cháu) là cái màng trinh không quan trọng. Bây giờ nếu có trách cứ cô ấy là không còn trinh thì cũng không xong. Nhưng thật sự là cháu luôn muốn là vợ mình phải còn trinh trước khi gặp mình. Cháu cứ liên tục mâu thuẫn, lộn xộn bác sĩ ạ!
Đ.Hồ
Người nào cũng có Tâm-Trí: Có khi “trí” nghĩ là hợp lý nhưng “tâm” lại luận theo truyền thống mà không hợp trình. Phần lý trí thì cháu có những suy nghĩ hiện đại (vấn đề trinh trắng không phải là “vấn đề” trong hôn nhân), nhưng cháu còn vướng truyền thống (trinh trắng làm bằng chứng mình là người yêu duy nhất và đầu tiên). Thế thì mâu thuẫn nội tâm lý của cháu chuyển sang nghi vấn bạn gái-người yêu của mình. Có thể cô ta đã “mất” trinh trắng trong những cuộc tình trước? Có thể cô ta theo truyền thống chỉ “cho” cái trinh trắng sau khi làm lễ thành hôn? Có thể cô ta đã “cho” người khác cái đó, nhưng lừa cháu, muốn trói cháu nên trở về nguyên tắc truyền thống là “màng trinh = kết hôn”. Cháu chuyển mâu thuẫn nội tâm lý ra “ngoài”vì cháu có mặc cảm so với người bạn trước của bạn gái mình. Cháu phải ghi nhớ: Người yêu chọn mình vì mình là người xứng đáng. Nói cách khác, yêu là tin tưởng vì ta có tự tin với nhau nhưng không tự tôn.
Bác sĩ Liêm
Nghĩ xấu về Mẹ!
Cháu hiện đang là sinh viên năm thứ nhất. Bố mẹ cháu li thân từ khi cháu 15 tuổi. Cháu vừa mới có bạn trai được hai tháng. Khi cháu dẫn bạn trai về ra mắt gia đình thì mẹ cháu hớn ha hớn hở. Đầu tiên cháu nghĩ mẹ cháu mừng vì cháu có bạn trai nên không để ý. Nhưng càng ngày cháu càng thấy có nhiều biểu hiện khác thường. Từ ngày gặp bạn trai cháu, mẹ cháu rất hay quan tâm đến trang điểm, thời trang. Lúc nào bạn trai cháu đến chơi là mẹ cháu trang điểm, chọn trang phục rất cầu kỳ. Nhiều lúc cháu phát bực vì thái độ săn đón vồ vập của mẹ với bạn trai cháu. Cháu thấy chẳng bà mẹ nào lại đi trực tiếp xin số điện thoại của bạn trai con gái. Khi cháu tâm sự với bạn trai thì anh ấy tủm tỉm bảo: “Thông cảm cho mẹ em đi vì mẹ đang ở thời kỳ hồi Xuân đấy”. Mấy hôm vừa rồi cháu đi phượt với mấy bạn trong lớp, nhưng người yêu cháu gọi điện thông báo là mẹ cháu vẫn liên tục gọi điện mời anh ấy qua nhà chơi?! Cháu tức quá gọi điện cho mẹ hỏi tại sao lại như thế thì mẹ cháu cứ lảng sang chuyện khác. Mẹ cháu có vấn đề gì không thưa bác sĩ? Thú thật là trong đầu cháu lúc này đang có nhiều ý nghĩ rất xấu về mẹ của cháu!
M.Lan
Đúng là mẹ cháu đang hồi Xuân! Có thể là bố cháu cũng qua giai đoạn hồi Xuân rồi. Nếu mình tính theo tuổi tác và thực tế tình hình thì chắc bố mẹ cháu vừa chia tay. Phản ứng của cháu là sợ mẹ cướp bạn trai mình chăng? Hay là tiềm thức cháu không đồng ý để bố mẹ mình chia tay nên muốn mẹ mình thuộc về mình mà không phải (trở về vị trí) một người vợ thứ nhì trong đời bà. Cũng có thể cháu không tin bạn trai mình lắm (?) nên cháu sợ bạn mình bị một bà già “dụ dỗ”. Hay là cháu tự thấy mình không đẹp bằng mẹ mình nên mất tự tin chăng?... Với những gì cháu tâm sự thì tôi chỉ có thể trả lời cháu ở mức độ như thế.
Bác sĩ Liêm
Cháu không thô thiển đến mức hỏi bạn gái mình là còn trinh hay không (Ản minh họa)
Người yêu hèn!
Người yêu cháu hơn cháu 4 tuổi và đã đi làm được 2 năm. Anh làm trong một cơ quan nhà nước. Tính anh rất hiền lành, sống điều độ, chẳng làm mất lòng ai. Ai cũng bảo đấy là một mẫu chồng lý tưởng. Một vài lần đi chơi cùng cơ quan anh, cháu rất không có ấn tượng tốt với sếp của anh. Là trưởng phòng, đã có vợ con rồi mà thấy gái xinh vẫn buông lời cợt nhả. Thú thực là nếu không nể người yêu mình thì cháu đã cho anh ta một bài học về cách nói năng, ứng xử rồi, anh ta đã cố tình đụng chạm cháu. Ngày cuối cùng, lợi dụng lúc người yêu cháu chạy ra ngoài mua đồ lặt vặt anh ta đã lẻn vào phòng, đưa một xấp tiền ra trước mặt cháu và định chiếm đoạt cháu. Cháu kể chuyện với người yêu thì anh nói không nên làm lớn chuyện vì hắn ta nhiều ô dù lắm, và điều quan trọng hơn là người yêu cháu sẽ mất việc. Nghe anh nói thế, cháu buồn vì kẻ dâm dê một, mà buồn vì cách suy nghĩ của người yêu mười. Nếu cháu là anh thì trước tiên phải cho cái thằng đã xúc phạm người yêu mình một trận. Tại sao anh lại hèn thế cơ chứ! Liệu anh có phải là chỗ dựa cho cháu, các con của cháu trong tương lai hay không? Cháu đang chán đời quá bác sĩ ạ!
M.Tuyết
Cháu có thể hỏi lại anh ấy có biện pháp gì “bảo vệ” cháu nếu trong tương lai việc đó lại tái diễn với ông sếp kia hoặc với một người khác có quyền lực ảnh hưởng đến công việc và gia đình cháu? Dù sao, không ai bảo vệ mình bằng chính mình, ở bất cứ mức nào đi nữa. Thế thì cháu vẫn có thể “tay đôi” với ông sếp này: Hành vi của ông ta là vô đạo đức… Vì đặc thù của tính đạo đức là người không đạo đức, dù có quyền lực đến đâu, cũng sợ và hổ thẹn gặp người nói đúng về đạo đức của mình. Sau đó, mình cần suy nghĩ thêm ý nghĩa và thực tiễn của nguyên tắc là gì. Nguyên tắc nào thường cũng có hai vế: Vế cứng và vế mềm. Nếu cháu là người vợ đi cùng chồng nghỉ mát với đồng nghiệp cơ quan thì nguyên tắc tôn trọng vợ chồng người khác là nguyên tắc cứng, chắc chắn không ai dám xung kích khiêu tình với nhau. Vì ông sếp là người kém đạo đức nên ông tự cho phép một nguyên tắc mềm là đến “mua tình” của “cô bồ” (của nhân viên) không phải nhân viên mình. Nếu cháu biết người mình yêu có can đảm giới hạn thì cháu cũng nên thông cảm đó là hoàn cảnh của người “trong cuộc”. Cháu là người ngoài cuộc nên có thể “tay đôi” với ông sếp để giúp người yêu mình. Ông ấy rất có thể – một cách gián tiếp – tôn trọng người yêu của cháu đã biết chọn người đảm đang, “dũng cảm”.
Bác sĩ Liêm
Tìm được bạn khó hơn tìm “chuyện ấy”
Đọc tâm sự của bạn Q.Hoa và cách lý giải của bác sĩ Liêm trong bài Kết bạn với người có máu D cháu thấy bác sĩ Liêm có vẻ hơi quy chụp. Cháu cũng khá tự tin về ngoại hình khi đã từng lọt vào chung kết cuộc thi Hoa khôi của trường. Bạn thân khác giới của cháu bây giờ cũng từng là người đã thích cháu và bộ sưu tập làm “chuyện ấy” của anh rất khủng. Nếu anh không bao giờ từ bỏ mục đích là phải làm chuyện ấy với cháu bằng mọi giá thì chắc chắn cháu sẽ chẳng còn “lành lặn” đến tận bây giờ, chúng cháu đã chơi với nhau được gần 3 năm rồi. Một lần cháu cùng anh đi sinh nhật, cháu không biết uống bia nên chỉ hết một vại là đã chẳng còn biết trời đâu đất đâu. Anh đã đưa cháu về nhà giao cho bố mẹ cháu, nếu anh muốn thì hoàn toàn có thể đưa cháu vào nhà nghỉ hoặc khách sạn. Sau lần ấy cháu có hỏi tại sao anh không tận dụng cơ hội ấy, anh nói rằng tìm được bạn thực sự mới khó chứ tìm được người để làm chuyện ấy thì đơn giản. Có lần cả nhóm đi pic-nic, cháu bị say xe nên xuống xe là lăn ra ngủ. Tỉnh dậy trong phòng chỉ có cháu và anh (đang nằm đọc sách ở sô pha), anh cười bảo cứ ngủ đi anh canh gác cho! Bác sĩ có giải thích nào về trường hợp của cháu không?
Thúy Hoa (HN)
Có thể anh ấy nói thật đấy. Nhưng cháu cũng cần lưu tâm ở một số điểm sau. 1) Phải đề phòng các hành vi “làm bộ sưu tầm” như các vận động viên sưu tầm huy chương (càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng tự hào). Ở mức này tâm lý học gọi là “khuynh hướng sưu tầm” (tiếng Anh là collectinism; tiếng Pháp là colectionisme). Ví dụ sưu tầm tem, hình XXX, áo lót phụ nữ… cũng thế. 2) Nếu đúng là khuynh hướng sưu tầm thì đến một lúc tâm lý phải có lối ra vì con người không phải món đồ để sưu tầm. 3) Hoặc chấm dứt sưu tầm vì chuyện ấy “rốt cuộc” vẫn như thế (vì ngao ngán). Hoặc từ cái ngao ngán ấy mà chuyển “món” đồ qua ý thức là trước mắt mình là con người hơn là một bộ phận giao hợp. 4) Khuynh hướng sưu tầm là một giai đoạn trưởng thành của sinh dục tình yêu nên có phần tự nhiên của nó. Có thể người này không vừa ý thì sẽ quen biết người khác.
Bác sĩ Liêm