Khi người nổi tiếng trên mạng xã hội đánh mất niềm tin của công chúng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quang Linh Vlog, Phạm Thoại, Hằng Du Mục, ViruSs… từng lan tỏa cảm hứng tích cực, có hàng triệu người theo dõi nhưng chỉ trong vài tuần, họ trở thành tâm điểm của các cuộc 'ném đá' tập thể.

Tháng 3/2025, Quang Linh Vlogs - từng ghi dấu ấn với các video thiện nguyện tại châu Phi - bất ngờ bị khởi tố vì bán hàng giả. Trong nhóm bị bắt có cả Hằng Du Mục, hot TikToker với hơn 1,6 triệu lượt theo dõi. Cũng trong tháng 3, ViruSs - streamer đình đám - bị phản ứng dữ dội về ồn ào tình cảm. Tiktoker Phạm Thoại cũng bị cư dân mạng "soi" chuyện kêu gọi 16 tỷ đồng từ thiện nhưng không minh bạch việc giải ngân.

Quang Linh Vlogs bị bắt khiến nhiều người sụp đổ niềm tin. Ảnh: Bộ công an

Quang Linh Vlogs bị bắt khiến nhiều người sụp đổ niềm tin. Ảnh: Bộ công an

Chỉ trong một tháng, dư luận sục sôi vì những ồn ào của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Các nền tảng lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt. Hàng triệu bình luận trút xuống, mang theo sự thất vọng lẫn phẫn nộ. Trần Vân (24 tuổi, TP HCM) cho biết "Khi Quang Linh bị bắt, tôi cảm thấy niềm tin sụp đổ". Cô là người hâm mộ, từng theo dõi gần như tất cả video về hành trình thiện nguyện của nam vlogger tại Angola. Ngoài ra, còn vô số những bình luận như: "Bao năm xây dựng hình ảnh sạch sẽ, giờ tự tay đập đổ. Không hiểu nghĩ gì khi đi quảng cáo sản phẩm dởm cho bao nhiêu người tiêu dùng"; "Người ta tin tưởng theo dõi, ủng hộ, cuối cùng chỉ thấy toàn chiêu trò và lừa dối"...

Ông Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) nhận định những người nổi tiếng mạng xã hội hiện nay là "hệ quy chiếu" của cộng đồng. Theo đó, mọi hành vi, phát ngôn của họ được xem là hình mẫu, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành động của hàng triệu người.

"Tuy nhiên, áp lực sản xuất nội dung liên tục khiến nhiều người nổi tiếng không còn giới hạn đạo đức. Họ dễ trượt dài vào những nội dung phản cảm, gây tranh cãi chỉ để thu hút tương tác", ông Lộc nói. Khi sự tin tưởng bị tổn thương, công chúng dễ rơi vào trạng thái tức giận và trút giận lên chính người từng được tung hô, hiện tượng này được gọi là "đám đông phẫn hận".

"Một lần mất niềm tin, vạn lần bất tín" nhưng với thế giới số, cú sụp đổ diễn ra nhanh hơn, sâu hơn và khó kiểm soát hơn. Sự chuyển hóa từ ngưỡng mộ sang tẩy chay không còn là chuyện hiếm, thậm chí trở thành quy luật của đời sống mạng. Ông Lộc cho rằng niềm tin tan vỡ trên mạng không chỉ là niềm tin ảo, nó tạo ra cảm giác mất phương hướng, hoài nghi cả vào các giá trị xã hội. Người ta sẽ tự hỏi: liệu điều gì là thật? Ai mới đáng tin?

Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn niềm tin ở công chúng trở thành một bài toán không dễ. Nguyễn Hồng Nhung, người có sức ảnh hưởng về mảng sáng tạo và nhiếp ảnh với hơn 600.000 người theo dõi, cho biết: "Lòng tin không đến từ vài lần tỏa sáng. Nó được tích lũy từ từng hành động nhỏ và sống nhất quán với điều mình nói". Cô nói dù có nhiều nhãn hàng mời hợp tác với mức chi cao, cô vẫn từ chối nếu thấy sản phẩm không phù hợp giá trị cá nhân. "Làm người nổi tiếng thì dễ, giữ được lòng tin mới khó", Nhung nói.

Nguyễn Hồng Nhung có 600.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hồng Nhung có 600.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Chuyên gia xã hội học cho rằng, thay vì chỉ phán xét người nổi tiếng đúng hay sai, công chúng cần rèn luyện năng lực tư duy phản biện, tự đặt câu hỏi "Vì sao chuyện này xảy ra?", "Cơ chế nào khiến điều đó được chấp nhận?", "Làm thế nào để điều tốt đẹp không bị lợi dụng?". Theo chuyên gia, người dùng mạng xã hội đặc biệt là giới trẻ cũng nên học cách hiểu rõ giá trị thật sự thay vì chạy theo hình ảnh lung linh. Việc thần tượng hóa ai đó quá mức, kỳ vọng tuyệt đối vào sự hoàn hảo, sẽ dễ dẫn đến thất vọng sâu sắc khi sự thật vỡ lở.

Họ là những người trẻ có tài năng, từng mang trong mình trái tim nồng nhiệt,giờ bị vùi dập bởi chính lòng tham và trái tim lạnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN