Khi hôn nhân không có hậu

Khi cơm không lành canh không ngọt, họ quay ra kể xấu nhau, tìm cách giành tài sản về cho mình.

"Khi mới cưới nhau, họ sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu nhưng khi cơm không lành canh không ngọt, họ quay ra kể xấu nhau, tìm cách giành tài sản về cho mình. Khi sắp ly hôn thì mọi thứ trở nên tồi tệ, mọi người sẵn sàng nói xấu, tranh giành, thậm chí tìm cách làm người kia đau khổ cho hả cơn giận”. Bà Nguyễn Thị Minh - cán bộ Hội LHPN phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM - nhận xét như vậy về sự đổ vỡ của các cuộc hôn nhân mà bà từng chứng kiến.

Cái gì cũng phải chia đôi

Anh Q., chị H. là một cặp vợ chồng sống cùng xóm với bà Minh. Có lần, nửa đêm bà nghe ồn ào ở nhà anh chị, vội chạy qua xem mới biết họ đang... phân chia tài sản. Chị H. thì giành tivi, anh Q. muốn lấy tủ lạnh. Đến phần máy giặt ai cũng muốn giành, không ai nhường ai dẫn đến to tiếng. “Chẳng mấy chốc đồ đạc trong nhà đã phân làm hai, đồ của anh Q. chất đống ngoài sân, của chị H. nằm trong phòng khách. Chỉ có thằng bé con của anh chị thì không ai giành. Thằng bé hết nhìn ba nhìn mẹ, rồi òa khóc. Thấy thế, tôi phải khuyên họ có chuyện gì thì để sáng mai giải quyết, còn để cho xóm giềng, con cái ngủ nghê” - bà Minh kể. Bà còn cho biết anh chị yêu và cưới nhau trong nghèo khó. Chắt chiu, dành dụm, họ mua được đất, xây nhà rồi sắm sửa đồ đạc. Thế nhưng, từ lúc khá lên thì vợ chồng bắt đầu lục đục. Mâu thuẫn ngày càng tăng đến mức cả hai tuyên bố đường ai nấy đi. Giờ đây, họ đang chờ tòa án xử ly hôn, tài sản thì tự chia theo kiểu xí phần.

Khi hôn nhân không có hậu - 1

Khi hôn nhân không còn êm đẹp, nhiều cặp vợ chồng đã nhanh chóng quên hết những gì tốt đẹp dành cho nhau (Ảnh minh họa)

Cũng bắt đầu hôn nhân bằng một tình yêu thật đẹp nhưng sau đó kết thúc trong oán ghét, giận hờn là tình cảnh của vợ chồng anh Đoàn, phóng viên của một tờ báo tại TP HCM. Yêu nhau 5 năm họ mới cưới. Vợ anh đảm đang, vén khéo, rất biết chăm lo cho chồng nhưng sau đó chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày không ai nhường ai mà họ ly hôn. “Cô ấy đến nhà lấy từng hũ muối, lọ đường, chai nước tương... Nhìn cảnh ấy tôi vừa tức cười vừa buồn. Không ngờ khi tình yêu hết thì người ta tính toán chi li với nhau đến thế” - anh Đoàn tâm sự.

Nói xấu nhau

Trong một chuyến làm từ thiện ở tỉnh Bến Tre, tôi quen chị K., nhà ở quận 8, TP HCM. Nghe tôi hỏi thăm chuyện chồng con, bao nhiêu ấm ức trong lòng chị có dịp tuôn trào. Chị kể cuộc hôn nhân của chị diễn ra êm đẹp cho đến khi chị phát hiện chồng dan díu với cô đồng nghiệp trẻ. Ghen tuông, chị đã đến cơ quan anh “quậy” tưng bừng, đến nỗi sau đó chồng chị và cô nhân tình phải nghỉ việc vì xấu hổ. “Anh ta cũng đâu có vừa? Đàn ông gì mà đi kể lể, nói xấu vợ đủ điều. Mọi người tin anh ta, quay ra trách tôi làm tan nát sự nghiệp của chồng. Thử hỏi không có lửa làm sao có khói?” - chị ấm ức kể.

Khi hôn nhân không còn êm đẹp, nhiều cặp vợ chồng đã nhanh chóng quên hết những gì tốt đẹp dành cho nhau. Ông Nguyễn Văn Tư - tổ trưởng tổ 4, phường 9, quận 11, TP HCM - kể trong thời gian chờ ly hôn, chị Q. đi kể xấu chồng là kẻ nhu nhược, lớn rồi mà còn bám vú mẹ, đám em chồng thì lười biếng, lại hay trộm vặt đồ của chị dâu... Còn anh B., chồng chị, cũng chẳng kém cạnh khi rêu rao với hàng xóm chuyện chị đùn đẩy mẹ chồng nấu cơm, quần áo thì bắt em chồng giặt giũ. Ông Tư cho biết thêm sau khi họ ly hôn, hai bên gia đình cũng chẳng nhìn mặt nhau. Có dịp thì bên này lại nói xấu bên kia như thể họ chưa từng là sui gia!

Cuộc hôn nhân màu xám

Hôn nhân chan nước mắt

Hôn nhân không hạnh phúc vì đâu

Khi hôn nhân... nhàm chán

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN