Khi cử nhân, tiến sĩ bỏ đại học đi học nghề
Những năm gần đây, việc sinh viên bỏ ngang đại học hay cao học quay lại học nghề không còn là chuyện lạ. Thậm chí, có cả tiến sĩ cũng đi học nghề.
Bỏ đại học để học nghề
Trần Trọng Tùng (SN 1990) quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) bỏ dở ĐH Sư phạm I Hà Nội đi học nghề. Sau 3 năm theo học, Tùng đã giành nhiều giải thưởng và được mời ở lại giảng dạy ở trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Tùng hiện là nhà cung cấp các mối điện tự tạo bán cho các cửa hàng với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Tùng chia sẻ, mình đã khá liều lĩnh nhưng cũng may mắn vì đã đi đúng đường. Năm 2009, thi đỗ ĐH Sư phạm I Hà Nội, Tùng là niềm tự hào của cả gia đình nông dân có tới 7 người con ở huyện Lý Nhân.
Hăm hở bước vào trường ĐH được gần một năm, mỗi tháng bố mẹ chỉ cho được 600.000 đồng. Tùng phải đi làm thêm đủ nghề để trang trải, từ bưng bê cà phê, quán bar kiếm tháng 2 triệu đồng.
Nhưng cũng chính từ đi làm thêm, Tùng tự hỏi, ra trường mình sẽ làm gì? Thu nhập được bao nhiêu? Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tùng quyết định bỏ học.
Lao đi tìm việc, Tùng may mắn được giới thiệu nhặt bóng ở sân tennis với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Nhanh nhẹn, thật thà, Tùng được khách bo thêm nên thu nhập khoảng trên 5 triệu/tháng, thời điểm đó Tùng sống khá và tiết kiệm được tiền gửi về cho bố mẹ sửa nhà. “Thế nhưng, càng ngày, mình càng thấy cần có một công việc để đam mê”, Tùng cho hay.
Lọ mọ tìm hiểu, Tùng đọc được thông tin tuyển dụng của một trường đào tạo nghề ở Hà Nội có cam kết 100% học viên sau khi ra trường có việc. Thế là cậu lựa chọn ngành điện, điện tử để nộp hồ sơ. Như cá gặp nước, càng học Tùng càng thấy yêu thích chuyên ngành này.
Sáng đi học, chiều về xưởng cùng các thầy mày mò con chíp, dây điện. 3 năm liền điểm tổng kết của Tùng luôn đạt trên 8.0, tham dự cuộc thi Tay nghề cấp TP; năm 2013, Tùng được lựa chọn là thành viên dự thi Robocon và giành giải 3.
Tùng kể, cậu ham mê nghề tới mức, nhiều đêm thức trắng ở xưởng để tạo rô bốt.
Mẹ từng dọa tự tử nếu bỏ đại học
Hoàng Thái Sơn (SN 1983), quê ở huyện Đông Hải, Quỳnh Phụ (Thái Bình) tự nhận mình là người cá tính, thích làm điều mình nghĩ từ bé. Thay vì để cha mẹ định hướng, anh đã nung nấu ý định học nghề để tự nâng cao kiến thức.
Tuy nhiên, bố mẹ làm căng nên năm 2005 Sơn vẫn đi thi và đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Để rồi, sau nửa năm cắp cặp đến trường anh quyết định nghỉ giữa chừng.
Gia đình Sơn phản ứng gay gắt. Sơn kể, ban đầu bố mẹ Sơn chuyển từ sốc đến mắng mỏ rồi khuyên can, vật vã…Thậm chí, nghi ngờ đứa con trai duy nhất bị nghiện, ông bà còn dẫn Sơn đến bệnh viện để kiểm tra. Không tìm ra bệnh, khuyên giải con trở lại trường học không thành, mẹ anh từng dọa tự tử.
Học nghề giúp các bạn thu về hàng loạt kiến thức thực tế, tiếp cận máy móc công nghệ mới (Ảnh minh họa)
Anh lý giải, lúc ấy mình cũng áy náy với bố mẹ nhưng trong đầu chỉ muốn được học nghề và làm nghề mình thích. Mình đam mê công nghệ thông tin, muốn được học và làm việc trong môi trường như thế nhưng lúc ấy không biết ở đâu cho mình được điều kiện đó.
Anh nộp đơn tìm việc ở các công ty máy tính. Giỏi chuyên môn, có tháng anh được trả tới 40 triệu đồng. Tất cả tiền lương anh lại đầu tư máy tính, phần mềm để tự mày mò. Cho đến một ngày, lang thang trên mạng anh tìm hiểu được thông tin có một nơi có thể giúp anh vừa học vừa làm, đó là trường nghề.
4 năm bôn ba qua nhiều Cty có nhiều kinh nghiệm, khi nhập học cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Sơn trở thành học viên nổi trội, nhanh nhạy. Hiện tại anh được giữ lại làm giảng viên của trường. Sơn chia sẻ, anh mất quá nhiều thời gian cho suy nghĩ, mình sẽ làm gì? “Giá như có ai đó định hướng được đường đi cho mình ngay từ đầu thì tốt biết mấy”, anh nói.
Thạc sĩ, tiến sĩ cũng lại học nghề
Hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh ở ĐH Sư phạm Thái Nguyên, nhưng khi về làm việc tại một đơn vị ở tỉnh Yên Bái, Đỗ Xuân Điệp quê ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão (Hải Phòng) lại được yêu cầu đi học thêm tay nghề mới được tuyển vào một vị trí mới.
Anh chia sẻ, trước đó anh xin việc ở một trường THPT cách xa nhà cả trăm kilômét, nhưng đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Anh đăng ký học nghề công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội từ đầu năm 2012. Ngoài ra, anh có ý tưởng sẽ mở xưởng sửa chữa ô tô, nghề đang hot hiện nay để kiếm thêm thu nhập.
Đã ngoài tuổi 30 mới quay trở lại theo đuổi chương trình học nghề kéo dài 3 năm nhưng anh cho biết, không hề ngần ngại.
Trường hợp đặc biệt hơn cả, chị Ngô Thị Thanh Vân sinh năm 1976 ở Hà Nội có trong tay bằng thạc sĩ chuyên ngành công nghệ hóa học của trường ĐH Bách khoa và đã hoàn thiện chương trình Tiến sĩ ở Pháp. Hiện giảng dạy ở trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN) nhưng đầu năm 2013 chị vẫn quay lại học nghề Cơ - điện tử ở Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội.
Chị cho rằng, trên lớp sinh viên đang học lý thuyết là chính, muốn giúp sinh viên hình dung mô hình, cơ chế vận hành giảng viên chỉ có cách vẽ ra bảng. Máy móc ở trường thuộc đời cũ cách đây 20-30 năm không thể vận hành. Trong điều kiện đó, chị đi học nghề trước hết để nâng cao trình độ thực tiễn của mình.
Ngoài ra, với những nghiên cứu khoa học của bản thân, chị rất cần đến các xưởng thực nghiệm để mày mò. Trong khi kinh phí cấp cho mỗi công trình nghiên cứu quá ít, người nghiên cứu không dám nghĩ đến việc đặt các xưởng làm riêng modem, dây dẫn theo ý tưởng của riêng mình. Trước những bức thiết đó, chị đành quay lại học nghề.
Chị chia sẻ, học nghề giúp chị thu về hàng loạt kiến thức thực tế, tiếp cận máy móc công nghệ mới bổ trợ tốt trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.