Khi chồng ngoại tình, phụ nữ nên "học" Hoạn Thư

Vượt ra khỏi phạm vi tác phẩm Truyện Kiều, Hoạn Thư đã trở thành một biểu tượng cho máu ghen khủng khiếp của phụ nữ có chồng ngoại tình.

Đầu tiên là khước từ cuộc đối mặt với dư luận: Nỗi lòng kín chẳng ai hay/ Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài/… Buồng đào khuya sớm thảnh thơi/ Ra vào một mực nói cười như không.

Thân thế con cái nhà quan, Hoạn Thư sớm trải nghiệm, tỏ tường tính hai mặt của dư luận nên đối với những kẻ tâng công, tung tin chồng ngoại tình, nàng đã chọn cách mắng át để bảo vệ danh dự cho chồng: Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miệng những người thị phi.

Khi chồng ngoại tình, phụ nữ nên "học" Hoạn Thư - 1

Ngoài sự thông minh, vợ Thúc Sinh còn bộc lộ một ưu điểm được coi là hiếm với phụ nữ đó là khả năng kìm nén, không tạo thêm xung đột lúc "nước sôi lửa bỏng" và chấp nhận sự thật "nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen" để tiến đến kế hoạch đối phó tình địch đã được mẹ tư vấn, hỗ trợ thực hiện là trừng phạt Kiều, bắt nàng hầu rượu trước mặt Thúc Sinh và dồn chồng vào thế chân tường để tự buột miệng nói ra với nhân tình: "Liệu mà cao chạy xa bay"...

Nếu Hoạn Thư là người nói ra điều này, Thúy Kiều đau một thì nghe lời nói ấy từ Thúc Sinh nỗi đau đớn, ê chề càng tăng lên gấp bội.

Phép thử cuối cùng

Trong thời điểm tưởng chừng vở kịch đánh ghen đã kết thúc bằng kết cục sau đòn trừng phạt của Hoạn Thư thì nàng để cho Thúy Kiều ra vườn Quan Âm các chép kinh, cách ly với Thúc Sinh và vợ chồng ấm êm trở lại nhưng người đàn bà vốn sắc sảo ấy vẫn quyết định làm một phép thử cuối cùng để dò xét xem chồng có "ngựa quen đường cũ" hay không.

Lấy cớ về nhà cha mẹ, Hoạn Thư đã cố chờ đợi để "bắt tận tay, day tận mặt" cảnh tượng anh ả ôn nghèo kể khổ, than khóc sụt sùi. Tuy nhiên, khi biết Thúy Kiều có ý định trốn chạy, Thúc Sinh đã quyết dứt tình. Bấy giờ Hoạn Thư mới xuất hiện trong sự mãn nguyện tột cùng.

Cách xử sự để chấm dứt bi kịch của Hoạn Thư cùng lúc khiến nhiều con người sững sờ: Cha con Thúc Sinh, gia nô trong nhà và Thúy Kiều. Có lẽ khó ai tin, một người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bị hạn chế về học hành lại sắc sảo đến vậy.

Khả năng tự bào chữa

Dẫu sao, trước những ngón đòn nghiệt ngã, cao tay, của Hoạn Thư nhiều người vẫn sợ hơn là mến. Đặc biệt là cánh mày râu. Nhưng người phụ nữ này lại luôn giỏi bào chữa cho sự mưu mô, toan tính của mình.

Ngay cả khi Kiều được Từ Hải giúp đỡ để trả thù Hoạn Thư, đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không có thời gian để nghĩ suy cân nhắc; không có bố mẹ để bàn bạc nhờ vả, không thể trông cậy vào ông chồng đang mặt như chàm đổ mình dường giẽ run thì Hoạn Thư cũng nhanh chóng thoát chết với những lý luận cực kì thuyết phục. "Rằng: Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình" đồng thời chất vấn lại Thúy Kiều: khi bị rơi vào cảnh chồng chung, đã ai nhường cho ai bao giờ?

Bằng trí tuệ, lập luận cùng cái tình đánh động vào lòng trắc ẩn của đối phương, Hoạn Thư đã đẩy Thúy Kiều đang ở thế chủ động thành bị động và phải gật đầu công nhận sự "cao tay" của người đàn bà lắm mưu nhiều kế là khôn ngoan nhất mực, nói năng phải lời.

Tất nhiên, đó là dưới ngòi bút của Nguyễn Du và nhân vật do hư cấu mà thành. Nhưng trong lịch sử, không ít những người phụ nữ xuất chúng, không chỉ giỏi "trị quốc bình thiên hạ" mà còn cao tay "dẹp loạn" từ trong nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Phương ([Tên nguồn])
Ngoại tình thời nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN