Chuyên gia Phoenix Ho sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý khi bỗng một ngày chán việc.
B
ỗng một ngày nhận ra mình chán việc, thấy bản thân học nhầm ngành, làm nhầm nghề, thấy công ty ngột ngạt bởi những mâu thuẫn với sếp, đồng nghiệp, cạn năng lượng và muốn “dứt áo ra đi”… Bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh đó? Có nên nộp đơn xin nghỉ việc ngay lập tức hay dành thời gian để nhìn lại chính mình?
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (Hồ Phụng Hoàng, CEO của công ty Hướng nghiệp Sông An) sẽ có những chỉ dẫn cụ thể khi bỗng một ngày bạn muốn đổi việc.
Phòng làm việc của chị được mệnh danh là “góc đầy nước mắt” bởi có quá nhiều người bế tắc trong công việc tìm đến nhờ tư vấn. Trong số đó, có nhiều người trẻ đã ra trường nhiều năm mà vẫn loay hoay với công việc không, thưa chị?
Từ năm 2009, khi mình về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn phát triển nghề nghiệp, ngoài những sinh viên gặp trong trường, có nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau đến tìm mình nhờ tư vấn. Đặc biệt là từ đầu năm 2018, khi mình rời trường đại học thì nhóm đó còn nhiều hơn.
Người lớn tuổi nhất mình từng tư vấn hướng nghiệp ở trong độ tuổi 50.
Có trường hợp nào đã được chị tư vấn nhưng vẫn mắc kẹt trong ngành, trong nghề mình không thích, làm việc không hạnh phúc?
Dĩ nhiên là có chứ và không ít đâu nghen. Điều quan trọng là họ biết vì sao họ mắc kẹt, họ chấp nhận điều đó vì họ xem trọng những vai trò khác hơn trong cuộc sống như làm cha/mẹ/chồng/vợ và các trách nhiệm cơm, áo, gạo tiền.
Tuy nhiên, nhờ hiểu rõ bản thân nên họ bình an hơn và từ từ ra kế hoạch để một ngày nào đó, dù chậm trễ, vẫn có thể làm công việc họ muốn làm. Đó là lý do tôi rất muốn làm tư vấn hướng nghiệp cho người sắp về hưu vì đây là cơ hội để họ được làm công việc mình yêu thích.
“Bình tĩnh và lý trí khi đưa ra quyết định nghỉ việc”
Có rất nhiều lý do để dân công sở nghĩ đến chuyện nghỉ việc nhưng theo chị, đâu mới là lý do quan trọng nhất?
Tôi nghĩ rằng, khó để ta nhận định đúng hay sai trong quyết định nên hay không nên đổi việc. Mỗi người có quyền làm điều họ muốn miễn sao đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cho quyết định đó.
Đầu tiên, tôi khuyên họ phải bình tĩnh và lý trí trước khi ra quyết định nghỉ việc. Hãy nhìn lại tình hình tài chính của mình để biết, nếu rời bỏ công việc hiện tại mà không có việc mới ngay lập tức hoặc nếu nghỉ việc xong mà thị trường lao động gặp khó khăn (như thời dịch bệnh COVID-19 hiện nay) thì mình có thể tồn tại trong bao lâu. Hãy phân tích và xem xét mình có phải chịu trách nhiệm tài chính cho ai ngoài bản thân không, ví dụ như cha/mẹ đã về hưu, con cái còn nhỏ, em đang đi học…
Sau đó, hãy nhìn lại vấn đề mình đang gặp là gì, nếu chuyển công ty thì làm sao để vấn đề đó không lặp lại, phòng trường hợp “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.
Cuối cùng, nếu sức khỏe tinh thần đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng với những dấu hiệu như mất ngủ triền miên, hoảng sợ khi đi làm… thì cần gặp chuyên gia tâm lý để xem vấn đề có phải xuất phát từ công việc hiện tại không. Nếu có thì quyết định nghỉ việc rất cần thiết cho người ấy.
“Nhận thấy mình cạn năng lượng, việc đầu tiên cần làm là gì?”
Khi một người nhận thấy mình đã cạn năng lượng thì có nên nộp đơn xin nghỉ ngay lập tức hay nên trao đổi lai với sếp để tìm ra hướng đi, thưa chị?
Thật ra, tốt nhất nên nhận ra bản thân cần phải thay đổi công việc hoặc môi trường làm việc hay không trước khi thấy cạn năng lượng. Việc cạn năng lượng đã là dấu hiệu “nguy cơ” rồi. Giống như bên ngành Y hay khuyên chúng ta là phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong phát triển nghề nghiệp, mỗi người phải liên tục nhìn lại bản thân, xem xét năng lực nghề nghiệp của mình, tự định vị mình trong công việc hiện tại, biết mình sẽ phát triển trong 6 tháng tới như thế nào. Nói cách khác, mỗi người phải luôn chủ động chứ không bị động chờ đến lúc năng lực cạn kiệt.
Người lao động thường nghĩ rằng, sếp phải là người giúp mình hướng nghiệp. Dĩ nhiên công ty nên có những đường hướng phát triển cho nhân viên nhưng thị trường lao động hiện tại phát triển quá nhanh nên đây sẽ trở thành trách nhiệm của mỗi người. Giống như chẳng ai giúp mình làm vợ/chồng, làm cha/mẹ, làm con, làm bạn thân… Tất cả đều do mình chủ động học và phát triển.
Quay lại câu hỏi của bạn, khi dân công sở thấy cạn năng lượng thì việc đầu tiên cần làm là chiêm nghiệm và quan sát bản thân, sau đó nhìn xung quanh để học hỏi từ những người chung ngành hay ngang tuổi.
Trong giai đoạn này, ta có thể gặp bạn bè có nhiều kinh nghiệm hoặc chuyên viên hướng nghiệp để nhờ tư vấn, đọc thêm tài liệu về phát triển nghề nghiệp.
Làm xong những bước này, ta sẽ có một bản báo cáo cho riêng mình, đề ra giải pháp bước đầu, sau đó mới đi gặp sếp. Nên nhớ rằng, sếp không thể giúp ta giải quyết vấn đề phát triển nghề nghiệp. Họ sẽ giúp đỡ hết sức bằng cách khác chứ không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Nói ngắn gọn – mỗi người hãy có thái độ tự chủ trong nghề nghiệp bởi chỉ mình mới thực sự biết mình cần gì.
Khi một người bỗng phát hiện ra mình học nhầm ngành, làm nhầm nghề thì chị giúp họ xử lý ra sao?
Mình thường cùng họ làm những bước sau:
- Xác nhận xem có thật là họ học nhầm ngành hay làm ngầm nghề không?
- Nếu đúng như vậy thì cùng họ phân tích tình huống hiện tại xem họ có thể chuyển ngành học và chuyển nghề ngay được không?
- Nếu được thì tìm hiểu các bước cần làm để có thể chuyển ngành và chuyển nghề sớm?
- Nếu chưa được thì giải pháp là lên một kế hoạch đường dài để từng bước một đạt được việc chuyển ngành hay chuyển nghề.
Về chi tiết làm như thế nào trong từng bước thì rất dài và tùy từng đối tượng.
“Lộ trình nhảy việc”
Vậy thì có một lộ trình cơ bản nào cho việc muốn nghỉ việc và tìm việc mới hay không?
Ngắn gọn sẽ là theo quy trình sau:
- Hiểu mình: Xem lại những sở thích, khả năng, năng lực hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn để định vị mình.
- Hiểu nghề: Tìm hiểu xem trong thị trường có công việc (nghề nghiệp) nào phù hợp với mình hiện tại không?
- Lên kế hoạch: Từng bước thực hiện kế hoạch chuẩn bị để có thể bước chân vào công việc mới (nghề nghiệp) mới.
Theo chị, tại mỗi thời điểm, kết quả của một quyết định nghề nghiệp đúng đắn nhất và chuẩn nhất là gì?
Mình luôn tâm niệm rằng, quyết định nghề nghiệp tốt nên là một quyết định mang lại sự bình an cho mỗi người. Điều này có nghĩa rằng, có thể họ sẽ không làm được điều họ thích nhất nhưng họ lại cảm thấy bình an vì biết lý do đằng sau quyết định của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho quyết định ấy.
Chân thành cảm ơn chị!