Đã làm ông, chồng vẫn ngoại tình
Chị đứng như hóa đá khi nhìn thấy anh đang đứng vươn vai hít thở trong nhà người đàn bà ấy.
Người phụ nữ vừa chớm tuổi 65, có đủ dâu rể, cháu nội cháu ngoại ấy cứ một mực khẳng định với Thanh Tâm là chị không sao lý giải được sự thay đổi gần như 180 độ trong tính nết của người chồng khi về già, người đã chia ngọt xẻ bùi với chị suốt 39 năm nay.
Với giọng hết sức buồn rầu, chị kể ngày xưa chồng chị là một người hoàn toàn khác. Yêu thương vợ con hết lòng, không nề hà một việc gì dù khó nhọc đến đâu, miễn là làm cho vợ con được vui. Thời bao cấp sống bằng tem phiếu, chồng chị, bố của ba đứa con nhỏ gần như chỉ ăn toàn mì nắm luộc, ngô xay, hạt bo bo ninh để nhường phần cơm cho vợ con. Bữa nào chị nấu cơm trót cho gạo “quá tay” thì anh ấy mới được ăn một bát cơm. Thấy chị xót xa ái ngại, chồng chị đều cười xòa gạt đi: “Em trong người anh to khỏe thế này cơm đâu cho đủ? Mà anh ăn ngô, ăn bo bo vẫn rất ngon miệng mà. Miễn là em và các con có cơm ăn no là anh thấy yên lòng, hạnh phúc lắm rồi”. Không chỉ là cơm mà cả thức ăn, có thứ gì ngon, chồng chị nói chị thì cần có dinh dưỡng để cho con bú, các con cần dinh dưỡng để lớn, đẻ khỏe mạnh và thông minh. Còn anh đã to khỏe sẵn rồi, không càn thêm nhiều dinh dưỡng quá. Bữa nào mua được vài lạng thịt, chị gắp vào bát anh vài miếng thì anh lại gắp sang bát vợ, con, không ăn. Chị nài nỉ quá thì anh chủ cắn lấy phần bì và mỡ, còn phần nạc lại gắp sang bát vợ, con. Thậm chí có được vài miếng thịt gà, thịt vịt thì anh nhất định chỉ ăn lại mấy miếng xương sau khi đã gỡ hết thịt cho con…
Chị giải thích với Thanh Tâm, sở dĩ chị phải hơi dài dòng nhớ về những ngày xưa ấy là muốn Thanh Tâm hiểu chị thất vọng và buồn đến như thế nào khi mà cuộc sống đã đủ đầy, không còn cảnh thiếu trước hụt sau, ăn bữa nay lo bữa mai thì chồng chị lại hoàn toàn trở thành một người khác. 3 đứa con của anh chị 2 gái, 1 trai lần lượt xây dựng gia đình. Vì công việc, chỉ có cô con gái đầu của họ ở cùng thành phố với bố mẹ, còn 2 người kia đều làm việc và ở tương đối xa. Vậy là suốt gần 10 năm, hết cô con gái lớn lại đến cô con dâu sinh nở, nuôi con nhỏ, rồi lại cô con gái út… chị trở thành “quân cờ di động”, vừa xong thời hạn 3 tháng ở nhà con gái cả, lại đến 3 tháng giúp con dâu, rồi lại 3 tháng đến nàh cô con gái út…
Sự việc xảy ra hôm đó, chồng chị không hề tỏ ra lúng túng hay hối lỗi (Ảnh minh họa)
Ban đầu, chồng chị vui vẻ ủng hộ, tự lo lấy cơm nước, sinh hoạt hàng ngày, động viên chị cứ yên tâm lo cho con, cho cháu. Nhưng chỉ sau vài năm chị làm quân cờ di động như vậy, chạy đi chạy về lo cho con cháu, chẳng mấy khi ở nhà thì chồng chị tỏ ra không bằng lòng. Anh ấy yêu cầu chị phải đề ra nguyên tắc với các con. Rằng các con phải tự sắp xếp lấy cuộc sống của mình sao cho ổn thỏa, không được tận dụng công sức bố mẹ quá đáng như thế, nhất là đối với mẹ. Anh còn nói với chị giờ là lúc vợ chồng già cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau cả về sinh hoạt hàng ngày cũng như về tinh thần, tình cảm. Giờ là lúc họ được sống cho mình chứ không chỉ vì con cái.
Nể chồng, chị đành rút ngắn thời gian đến nhà chăm lo cho con cháu để còn có thời gian ở nhà chăm sóc cho ông xã hơn. Nhưng rồi thì hết cháu nội đến cháu ngoại ốm đau, bố mẹ chúng nó phải nghỉ việc ở nhà chăm con, ảnh hưởng cả đến thu nhập hàng tháng. Xót ruột cho con cho cháu, chị lại đành nói khó để “ông các cháu” thông cảm, chia sẻ với khó khăn của con cái. Không ngờ anh tuyên bố: “Nếu bà còn bỏ tôi một thân một mình ở nhà để đi triền miền như thế, tôi sẽ đi tìm người khác chăm sóc tôi đấy. Rồi bà đừng có trách”. Biết chồng giận thật rồi nhưng thấy các con bí quá chị vẫn phải đi.
Ai ngờ chỉ một thời gian sau đó chị nghe được dư luận nhiều người gặp anh hay đi cùng với một phụ nữ suýt soát tuổi anh đến nơi nọ nơi kia. Và điều chị không bao giờ ngờ tới khi qua dư luận chị biết người phụ nữ kia chính là bạn học cùng đại học với anh ngày xưa, chồng mất đã lâu, con cái cũng đều đã trưởng thành. Rồi bữa đó, khi chị từ nhà con gái út về thì đã 9 giờ tối. Trong nhà tối om, cửa khóa im lìm. Chị gọi điện thoại cho chồng, rõ ràng có đổ chuông nhưng sau đó lại tắt máy? Gọi đến nhà con gái cả cũng không có chồng ở đó. Chị có một đêm không ngủ, lòng rối như tơ vò cùng với nỗi lo lắng, thấp thỏm không yên về chồng. Chẳng biết có linh tính gì mách bảo, sáng tinh mơ, chị gọi xe ôm tìm đến nhà bà bạn của chồng. Chị nói với Thanh Tâm rằng chị như hóa đá, không nói năng, cử động được gì khi từ ngoài cổng nhìn vào thấy chồng mình mặc bộ pizama đang vươn vai hít thở trong hiên nhà người đàn bà kia…
Bữa đó Thanh Tâm hơi nặng lời trách người mẹ, người bà vĩ đại ấy đã hy sinh vì con cháu quá nhiều và quá lâu, gần như không có giới hạn, đến nỗi quên mất nhu cầu chính đáng của bản thân mình, của cả người bạn đời già. Thanh Tâm cũng nói với chị con cháu của chị cũng thật đáng trách khi họ cứ vô tư hưởng mọi sự lo toan, chăm sóc của bố mẹ mà không thấy rằng mình thật có lỗi khi cam lòng “chia cắt bố mẹ” thường xuyên như thế ở tuổi già. Vợ chồng già không còn tình yêu nồng nhiệt như tuổi trẻ nhưng vẫn rất cần sự gắn bó, chia sẻ vui buồn hôm sớm.
Về sự việc xảy ra mà chính mắt chị chứng kiến hôm đó, chồng chị không hề tỏ ra lúng túng hay hối lỗi. Anh nói với chị và các con không được có ý nghĩ xấu xa, đen tối gì về anh và người bạn già của anh. Giữa họ hoàn toàn trong sáng, chỉ đơn thuần là tình bạn mà thôi. Đồng thời anh vẫn gay gắt phản đối cách cư xử của chị với anh, vẫn gay gắt chỉ trích con cái sống quá ích kỷ, vô tâm. Thanh Tâm hy vọng sau “cuộc nổi loạn” bất đắc dĩ của người chồng, người cha dã gần đến tuổi “cổ lai hy” ấy thì vợ và các con của anh chị sẽ ngộ ra một điều: Tình vợ chồng gắn kết keo sơn hôm sớm có nhau, nương tựa vào nhau là cần thiết cho mọi lứa tuổi, nhất là lúc ta đã về già. Nếu bị tước đi quyền lợi chính đáng đó là mất đi niềm vui, niềm tin để ta sống, là mất đi ý nghĩa của cuộc sống. Thực lòng Thanh Tâm cầu mong mọi trục trặc, sóng gió của đôi vợ chồng già ấy mau qua đi và tuổi già của họ được bình yên, hạnh phúc như một sự bù đắp của tạo hóa.