Kẻ "cướp" chồng
Người đàn ông vừa mới chết mà hai người đàn bà đeo tang trắng phải ra hầu tòa vì tranh chấp tài sản
Cuộc đời chẳng ai lường trước được điều bất hạnh xảy ra. Chỉ vừa mấy giờ trước, anh còn tươi cười ôm hôn các con, còn dặn vợ hôm nay mua cua về nấu với mồng tơi ăn cho mát, còn hẹn với mẹ về quê ăn cưới thằng cháu họ, vậy mà chỉ sau mấy tiếng thì tai họa ập xuống, anh chết ngay trên đường chỉ vì cơn gió độc.
Công việc làm ăn của anh mấy năm nay đang phất, chị đã hết thời lam lũ, vậy mà bất hạnh ập xuống chưa kịp đưa tang mà con nợ đã ùn ùn kéo đến. Anh ra đi đột ngột nên chẳng dặn dò chị việc gì, ai nợ mình, mình nợ ai, chuyện làm ăn thế nào, chị không hề biết. Bây giờ người đòi nợ thì đến nhưng người nợ thì chẳng thấy đâu, những chuyến hàng buôn chung bây giờ ai giữ, bán chác thế nào chị cũng không thấy ai nói gì nhưng người mình nợ thì phải trả, chị phải gom hết tiền vàng bán cả nữ trang để trang trải. Trước quan tài chồng, chị bảo: “Thế là em đã trả xong các món nợ mà anh để lại cho em…” Nhưng chị đã nhầm.
Đúng đến ngày đưa tang thì người vợ cũ của anh xuất hiện. Chị ta gọi ngay mẹ chồng đến hỏi: “Trước mặt mọi người, mẹ nói cho chị ta biết ai là vợ anh Hòa, con hay chị ta. Ai là người có quyền làm đám cho anh ấy?”. Chị ta quay sang nói: “Tôi có đăng ký kết hôn đàng hoàng, còn chị chỉ là kẻ cướp chồng, chị có quyền gì…”.
Người đàn bà ghê gớm ấy không phải là vợ cũ mà là vợ của Hòa vì đến giờ họ vẫn chưa ly hôn. Không chịu được cảnh họ nhà chồng rỉa rói, cảnh hàng xóm láng giềng cạnh khóe, chê bai vì không sinh được con nên ở với nhau được 4 năm thì chị ta bỏ nhà đi mất tích. Anh Hòa chán đời bỏ quê lên Hà Nội làm phu hồ. Khi ấy, chị Bình bán hoa quả dạo cũng đã được gần chục năm ở Hà Nội, chị mua lại mảnh đất là bãi rác của bà chủ thu gom phế thải, dựng được căn nhà ọp ẹp nhưng cũng là chỗ ở riêng của mình mấy năm nay.
Công lao của chị bao nhiêu năm qua chỉ là công dã tràng (Ảnh minh họa)
Hai người cùng cảnh tha hương, tuy quê hai người cách nhau mấy xã nhưng ở xa cũng coi như đồng hương nên dễ gần. Chỉ vài tháng sau khi quen nhau thì anh dọn đến ở luôn nhà chị. Nhờ vốn liếng ki cóp hơn chục năm của Bình mà anh Hòa không làm phu hồ nữa, anh đi buôn hàng Tàu. Chị cũng không bán hoa quả nữa mà thuê ki ốt trong chợ ngồi bán hàng anh mang về. Hai người có duyên buôn bán nên cuộc sống khá lên trông thấy.
Rồi khu đất bẩn thỉu nhà chị nằm trong quy hoạch xây chung cư cao tầng, ba mươi mét vuông đất của chị được đền bù không ít nên hai anh chị mua một mảnh đất ở ngoại thành vừa làm nhà vừa làm cửa hàng. Ngày ấy hai người đâu có hiểu gì về luật, họ sống tin cậy là chính nên tất cả giấy tờ đều tên anh.
Có lộc rồi lại thêm phúc, hai lần lâm bồn, chị sinh được ba đứa con, một gái và hai trai. Anh đón mẹ lên chăm cháu, nhà lúc nào cũng vui vẻ. Hạnh phúc như chảy vào nhà chị đến ngợp thở để rồi hai anh chị quên cả việc đăng ký kết hôn. Bây giờ người đàn bà kia hỏi đến giấy đăng ký kết hôn, chị mới sững sờ. Đau đớn đến tột cùng khi trước quan tài chồng, chị bị chửi là đồ cướp chồng, không được phép đứng ra làm ma cho chồng.
Người đàn bà ấy tranh giành quyền làm vợ nhưng để thanh toán các khoản tiền cho đám ma, chị ta đem bán ngay chiếc xe máy của anh. Bình nhìn thấy người đến dắt chiếc xe, vật kỷ niệm gắn bó với chồng bao nhiêu năm mà đau như đứt ruột, phải van xin chị ta cho mua lại. Vậy mà chị ta còn tru tréo là Bình giấu tiền của chồng chị ta. Khi thấy Bình đi vay hàng xóm để chuộc xe thì chị ta mới yên.
Người đàn ông chết chưa được một trăm ngày mà hai người đàn bà đeo tang trắng phải ra hầu tòa vì tranh chấp tài sản. Dù người mẹ chồng có tha thiết làm chứng công lao xây dựng gia đình của chị, cho dù hàng xóm làm chứng cho họ là vợ chồng thương yêu nhau hơn chục năm trời, cho dù ba đứa con hiển hiện chứng minh quan hệ của họ, cho dù ai cũng biết của chồng công vợ, nhưng thực tế họ vẫn không phải là vợ chồng được pháp luật công nhận. Vì vậy mà tài sản mang tên anh đều không có phần của chị. Công của chị chỉ là công dã tràng.