''Huyền Chip không phải chứng minh mình nói thật''
Huyền Chip đã bình thản trả lời những nghi vấn của dư luận và lần đầu tiên công khai cuốn hộ chiếu đi qua 25 nước.
Trước những lùm xùm suốt tuần qua về tính xác thực của cuốn “Xách ba lô lên và đi”, nghi ngờ Huyền Chip chưa đi qua 25 nước, từng vượt biên, làm ở sòng bạc..., sáng 19/9 tại Hà Nội, Huyền Chip đã bình thản trả lời những nghi vấn của dư luận và lần đầu tiên công khai cuốn hộ chiếu đi qua 25 nước.
Thực hư chuyện xin visa
Lễ ra mắt cuốn “Xách ba lô lên và đi” tập 2 - Đừng chết ở châu Phi của Nguyễn Thị Khánh Huyền (tức Huyền Chip) tại Trung tâm văn hoá Pháp (Tràng Tiền - Hà Nội) thực sự nóng, chỗ ngồi chật kín. Buổi ra mắt sách đông người còn bởi nghi án Huyền Chip nói dối đang xôn xao trên cư dân mạng. Ngoài những người trẻ, tham gia có Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh (Đại học Ngoại thương Hà Nội), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Nhiều câu hỏi dồn dập gửi đến Huyền Chip. Một đại diện diễn đàn Voz Forum, đặt dấu hỏi về kinh phí cho hành trình: “Huyền có thể thống kê tổng số tiền bạn đã tiêu? Để đi qua 25 nước, mỗi tháng bạn phải kiếm được 1.000 USD, bạn làm thế nào? Tại sao bạn có thể xin visa đến Isarel và từ Isarel sang Palestin trong khi thực tế hộ chiếu đã có dấu của một quốc gia thì sẽ không được phép sang quốc gia còn lại?”.
Huyền Chip trả lời: “Việc xin visa mỗi nước khác nhau và tùy vào sự may mắn của từng người, tôi không có chức phận của nhà ngoại giao để giải thích về visa đến Isarel hay Palestin. Mọi người nghi ngờ về tài chính, thực ra tôi làm đủ nghề để kiếm tiền trang trải như làm diễn viên quần chúng ở Ấn Độ, viết blog thuê với giá 10USD/bài, làm ở sòng bạc tại Tanzania với 150 USD/tuần, viết bài cho báo Tiền Phong, tham gia các cuộc thi kiếm tiền giải thưởng... Tôi không trả lời được câu hỏi tôi đã tốn bao nhiêu tiền cho hành trình vì tôi không thống kê, tôi chỉ biết đi, hết tiền lại xin việc làm để duy trì hành trình”
Huyền ở Lamu, Kenya.
Huyền đã trình diện cuốn hộ chiếu trước sự kiểm chứng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh.
Hãy cứ sống thật với mình
Có độc giả còn hoài nghi những gì Huyền Chip viết chỉ là hư cấu và không trung thực, sai sự thật. Huyền Chip cười: “Tôi không phải chứng minh mình vô tội vì tôi không có tội. Khi chẳng ai có đủ lý lẽ chứng minh tôi nói dối, nói sai sự thực trong cuốn sách thì tôi không việc gì phải chứng minh mình nói thật”.
Tại buổi ra mắt sách, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi đã dành một đêm để đọc cuốn Đừng chết ở châu Phi, đọc xong tôi thấy mình lớn lên, dù năm nay tôi đã 76 tuổi. Tôi nghĩ các bạn cũng nên đọc và sẽ cảm nhận được điều đó”.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng những người “ném đá” Huyền Chip là những người chứng tỏ không đi đâu cả, không biết có nhiều nước cấp visa ngay tại cửa khẩu và giá không đắt.