Huyền Chip: Không ai được xem visa của tôi!
"Không ai được quyền xem visa của tôi", đó là cách mà Huyền Chip trả lời một độc giả khi anh này nằng nặc đòi xem visa dù cô khẳng địng GS Nguyễn Lân Dũng đã chứng minh độ xác thực của nó.
Sáng 22/9, Huyền Chip – tác giả cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" đã có cuộc họp báo ra mắt và giao lưu cùng đọc giả tại TP.HCM. Cuộc gặp gỡ đã thu hút đông đảo báo giới và bạn trẻ đến tham dự. Và trong buổi họp báo, phần đặt câu hỏi giữa bạn đọc và tác giả là phần sôi nổi và thu hút nhất.
Nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại thể hiện quan điểm cá nhân qua từng câu chất vấn, Huyền Chip cũng rất bình tĩnh khi đáp lại từng câu hỏi một khôn ngoan và khéo léo.
Sự thật chỉ là một nửa
“….Và một nửa còn lại phụ thuộc ở mỗi con người chúng ta, cách chúng ta trải nghiệm. Chẳng thể nói rằng vì tôi không giống bạn nên bạn không tin tôi, chớ mang những trải nghiệm cá nhân của mình gán ghép vào người khác!” – Huyền Chip đã mở đầu buổi giao lưu của mình bằng cách đi thẳng vào vấn đề mà dư luận những ngày nay xôn xao.
Huyền Chíp Tỏ ra vững vàng trước nhiều phản biện.
Một lần nữa cô khẳng định mình không nhận bất kỳ khoản tiền tài trợ từ cơ quan, tổ chức nào. Huyền nói cô tôn trọng tất cả ý kiến của mọi người nhưng ai cũng có quyền được lựa chọn và nếu đã không tin, không thích, thì Huyền cũng không thể ép ai mua hay đọc sách mình.
Lập luận của Huyền Chip trong buổi họp báo ở TP.HCM khá logic và giữ vững phong thái tự tin từ đầu đến cuối chương trình.
Huyền chia sẻ: “Tôi thấy buồn cười khi có những bạn tìm ra trang blog cá nhân đã bị mất cách đây 3 năm của tôi rồi chụp lại câu tôi viết là cần 25.000 USD để chuẩn bị cho chuyến đi. Thật sự 25.000 USD đã nằm trong kế hoạch của tôi nhưng khi đến đặt vấn đề với các cơ quan, tổ chức, họ đều từ chối. Và bản thân tôi cũng thấy, nếu đầu tư cho một con bé vừa kém xinh vừa không có gì để đảm bảo như mình thì họ quả là mạo hiểm. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một nơi có thể cho mình số tiền đó nhưng sau khi đọc xong hàng tá các điều khoảng dài ngoằng của họ mình quyết định: Thì thôi, tự đi vậy! Chỉ có thế và tôi đã lên đường với 700 USD”.
Huyền cũng lý giải cụ thể vì sao mình có thể xin được việc ở những nơi đã từng dừng chân. Cô nói: “Đó không hề là việc dễ dàng gì, nhưng các bạn nhìn xem, ngay ở Việt Nam đây, tại sao có những bạn bằng tuổi nhau, trình độ ngang nhau vậy mà lại có bạn tìm được công việc có bạn không? Với tôi sự kiên trì chính là cách giúp tôi có được việc làm, chỗ ngủ và thức ăn. Có lúc tôi phải xin đến 10 chỗ người ta mới chịu nhận. Nhưng, tôi không thể viết tất cả 10 lần ấy vào trong sách được, sẽ ai quan tâm chứ? Tôi là một người viết, vì thế tôi có quyền đưa và không đưa chi tiết mà mình muốn hay không muốn!”.
Huyền từ chối cho xem visa
Sau phần giải thích khá thuyết phục của Huyền về những thắc mắc của nhiều bạn trẻ về cuốn sách, phần đặt câu hỏi giao lưu mở ra với khá nhiều câu hỏi thú vị, có cả những câu làm khó Huyền Chip…
Không khí buổi nói chuyện khá thoải mái khiến Huyền Chip tự tin chia sẻ những gì mình nghĩ, mong muốn..
- Xin được hỏi Huyền là trong tập một của cuốn sách có chi tiết Huyền và các bạn đến thăm một di tích ở Myanmar. Trong đó Huyền kể mình đã trốn vé vì không muốn làm giàu cho nhà nước Myanmar. Huyền có thấy như thế là làm mất mặt bạn trẻ cũng như ảnh hưởng đến tình đoàn kết của hai nước Việt - Myanmar không?
- Câu hỏi của bạn có vẻ to tát quá nhưng thật ra với dân phượt như bọn tôi thì nghĩ đến cách nào để càng cắt giảm chi phí cho mình nhất thì càng tốt chứ không nghĩ đến tình thâm giao hay đoàn kết giữa hai nước. Với lại, chuyến đi của tôi là đại diện cho chính mình chứ không hề có ý nghĩ là đại diện cho ai. Nhưng nếu hành vi có thật sự gây ra tác động xấu nào thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Rất nhiều khán giả tranh nhau đặt câu hỏi cho Huyền Chip.
- Đọc xong tập một và thấy Huyền đi có 4 nước ở Đông Nam Á, vậy tại sao Huyền lại đề trên cuốn sách là Hành trình đến 25 quốc gia chỉ với 700 USD?
- Đó là còn tùy cách hiểu và định nghĩa của mỗi người về cụm từ “hành trình” là gì. Với tôi, hành trình cuộc sống, hành trình hạnh phúc và cả hành trình đến với các vùng văn hóa khác nhau trên thế giới là cả một quá trình dài nhưng chưa hẳn là phải xuyên suốt, không bị gián đoạn… Vì thế không thể bắt lỗi chuyện dùng từ và thực tế bởi tôi vẫn đang trên đường chinh phục chuyến hành trình mà mình đã đặt ra!
- Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, tôi biết Huyền đã trình visa của mình, nhưng tôi cùng nhiều người chưa được xem ở đây vấn muốn chứng thực những gì Huyền nói bằng visa. Vì thế, tôi đề nghị Huyền cho xem visa?
- Tôi không muốn cố thuyết phục ai đó tin vào mình vì thế không có lý do nào để buộc tôi phải lần lượt đưa visa cho hết người này đến người kia kiểm chứng. Sau khi anh xem có chắc rằng tất cả mọi người đã từng hồ nghi tôi sẽ thay đổi quan điểm và cách nhìn của họ? Anh và những người chưa tin, họ là ai? Anh có quyền gì mà nhân danh cho họ? Vậy nên, đây là visa của tôi nhưng tôi không thích cho anh xem.
- Trong quá trình đi phượt, Huyền đã bị gãy chân phải nằm viện một tháng vậy Huyền tiền ở đâu để chi trả viện phí?
- Tôi rất may mắn vì có một người bạn rất thân ở đó, người ấy đã giúp đỡ và chăm sóc trong suốt thời gian tôi bị gãy chân. Khi không thể đi lại và xin việc tôi chỉ còn biết nằm một chỗ và viết để có tiền trang trải viện phí. Tôi cộng tác cho một số trang tin ở nước đó và cũng viết khá thường xuyên nên tôi đã may mắn có tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
- Nếu Huyền có bạn trai, Huyền có đưa bạn trai theo cùng trong những chuyến đi sắp tới của mình?
- Điều đó còn tùy vào duyên và niềm đam mê của người ấy với những miền đất mới.
- Huyền nghĩ điều gì đang cản chân bạn trẻ Việt với cuộc sống và thế giới bên ngoài?
- Bản thân tôi chỉ là một người yêu thích trải nghiệm, tôi đi để thỏa mãn đam mê của mình nên không dám lên tiếng phán xét và nhận định ai. Mỗi người có một cách sống khác nhau vì thế thú vị hay tẻ nhạt là tùy thuộc vào cách lựa chọn của họ. Tôi không thuyết phục ai và cũng không khuyên bảo ai, nhưng nếu bạn tin mình đúng, hãy giữ ý kiến đó và chúc may mắn.