Hồn quê trong tranh gạo của cô gái Quảng Trị

Ðôi tay tài hoa đã thổi hồn vào hạt gạo đồng quê, cho ra đời những tác phẩm tranh độc đáo, tinh xảo ngợi ca quê hương đất nước, con người Việt Nam một cách sống động, lạ mắt. Cô là Nguyễn Khoa Kiều, chủ cơ sở sản xuất tranh gạo Kiều Trân ở 12 Trần Phú, thị trấn Hải Lăng (Quảng Trị).

Cháy bỏng với tranh gạo

Nguyễn Khoa Kiều, người phụ nữ 34 tuổi này trước lúc đến với môn nghệ thuật tranh gạo hoàn toàn không biết gì về hội họa. Nhân tố quyết định thành công của cô là niềm đam mê cháy bỏng và sự kiên nhẫn, quyết tâm thực hiện niềm đam mê đó bằng trái tim đầy nhiệt huyết.

Ngót 500 bức tranh gạo ra đời trong 2 năm qua, trong đó có nhiều bức đã đi khắp các vùng miền trong nước Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ, Ðà Lạt, Vinh, Hải Phòng, Hà Nội… lẫn ngoài nước Úc, Nhật, Mỹ… như thay lời nói về nghị lực, khát vọng cháy bỏng vượt lên khó khăn của cô vậy.

Hồn quê trong tranh gạo của cô gái Quảng Trị - 1

 Kiều và những bức tranh gạo của mình. Ảnh: H.T.

Kiều đến với tranh gạo kể từ ngày cô… thất nghiệp. Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Ðại học Kinh tế Ðà Nẵng, cô vào làm việc cho nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau ở Ðà Nẵng rồi Hải Lăng. Vài năm sau, cô bén duyên với chàng trai cùng quê Lê Công Phúc và có hai nhóc một trai, một gái.

Trở lại công việc cơ quan, cô gặp nhiều khó khăn, vất vả bởi vừa làm việc chuyên môn, vừa chăm nom con thơ lẫn việc nhà nên quyết định xin nghỉ việc. “Việc nhà chiếm phần lớn thời gian nhưng trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, em lại muốn tìm kiếm một công việc gì đó để có niềm vui và phút giây thư giãn. Ý tưởng làm tranh gạo bắt đầu hình thành từ đó và em quyết tâm thực hiện bằng tất cả đam mê vào đầu năm 2014”, Kiều kể. 

Nhưng lúc bắt tay vào làm, cô gặp nhiều khó khăn bởi chưa từng nhìn thấy tranh gạo bao giờ, nên tự “lên dây cót” làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, không được bỏ cuộc giữa chừng. Thế rồi cô đi tham quan nhiều cơ sở làm tranh ngoài tỉnh để mở mang tầm mắt, qua đó chắt lọc, tích lũy những kinh nghiệm quý báu từ những người làm tranh đá quý, tranh sơn dầu… để vận dụng linh hoạt vào làm tranh gạo. 

Khi đã trang bị nhiều kiến thức về tranh, cô quyết tâm biến giấc mơ làm tranh gạo của mình thành hiện thực. Việc đầu tiên là cô xuống chợ Kẻ Diên mua mấy ký gạo quê nhà và một số dụng cụ phục vụ làm tranh. Mờ sáng hôm sau cô dậy đổ gạo vào chảo và rang. 

Qua bàn tay của cô, từng hạt gạo chuyển từ màu trắng sữa sang nhiều màu sắc khác nhau. Khi rang xong gạo, cô bắt đầu lựa chọn những hạt gạo săn chắc, màu sắc phù hợp theo yêu cầu của bức tranh mà cô đã vẽ trước đó. Rồi cô đổ keo dính xuống bức tranh và lấy nhíp nhỏ gắp từng hạt gạo, sắp xếp theo hình vẽ trên bức tranh. 

Ngót tuần lễ miệt mài với không ít lần thất bại, Kiều đã hoàn thành bức tranh gạo chữ Tâm đầu tiên. Bức tranh là sự liên kết của không biết bao nhiêu hạt gạo. Mỗi hạt gạo chứa đựng tấm chân tình mà người làm gửi gắm vào đó như một sự tri ân sâu sắc đối với quê hương. Kiều bảo: “Chính sự cháy bỏng với tranh gạo, vì tranh gạo đã giúp em thành công. Em bật khóc nức nở trong sung sướng!”.

Hồn quê trong tranh gạo của cô gái Quảng Trị - 2

Thả hồn vào tranh

Tò mò ngắm nghía từng bức tranh gạo của Kiều, mỗi bức có sự độc đáo, vẻ đẹp riêng biệt. Nhiều người thích tranh của cô. Kiều bảo, tranh gạo tuy mộc mạc, giản dị song chất chứa hồn. Tranh gạo treo ở đâu cũng đẹp. Nó tôn thêm sự ấm cúng cho không gian nội thất, cũng như thể hiện được tính cách giản dị, dễ mến, dễ gần của gia chủ. Chứng kiến bàn tay tài hoa Kiều thả hồn vào từng hạt gạo, mới thấu hiểu để có bức tranh gạo đạt chất lượng phải có sự kết hợp giữa sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng. 

Theo Kiều, khâu quan trọng quyết định việc thành bại của một bức tranh gạo chính là việc chọn nguyên liệu là hạt gạo đều, bóng, săn chắc. Lúc rang phải đảo gạo tù tì để không bị nở to, hạt gạo rang lên cứng, có sắc màu như ý. Ðiều tối kỵ trong tranh gạo là không được dùng phẩm màu pha trộn vào để gạo có nhiều màu sắc. Bởi, khi dùng phẩm màu, hạt gạo dễ bị mốc, màu sắc chóng nhạt, phai trong thời gian ngắn.

Với cách chọn gạo, rang gạo bài bản chuyên nghiệp, hiện Kiều đã biến những hạt gạo màu trắng thành 8 sắc màu khác nhau rất bắt mắt. Trắng sữa, vàng mơ, vàng nhạt, vàng óng, đà, đà nâu, đà đen, đen. Màu sắc của hạt gạo chỉ có 8 màu thôi nên khiến cho người làm tranh gặp sự khó khi muốn tạo thêm những gam màu đa chiều trong tranh.

Lúc gặp màu sắc mà hạt gạo rang lên không có thì người làm phải biết lắp ghép các hạt gạo theo bố cục hợp lý để các gam màu khác nhau liên kết tạo ra một màu sắc mới. Chính sự khan hiếm về màu sắc đã góp phần tôn vinh sự tài hoa của người làm tranh gạo. Hóa giải được điều khó ấy mà Kiều đã làm nhiều bức tranh gạo tuyệt vời, phong phú về màu sắc, giữ nguyên vẹn hồn quê. 

“Ðể bức tranh gạo tồn tại được lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tất cả các khâu từ chọn hạt gạo đến gắn kết các hạt gạo với nhau, đóng khung…phải đạt chuẩn. Tuy mới 2 năm làm tranh gạo nhưng tranh em làm ra có tuổi thọ trên 10 năm”, Kiều tự hào. Kiều “bật mí”, để làm ra bức tranh gạo đẹp thì phải thả hồn vào bức tranh, tỉ mẩn, kì công.

Hồn quê trong tranh gạo của cô gái Quảng Trị - 3

 Nguyên liệu để Kiều làm nên những bức tranh gạo độc đáo

Kiều bảo, làm một bức tranh gạo bắt đầu từ việc chọn hình ưng ý, sau đó canh tỷ lệ và vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép, chọn màu gạo và “đi” gạo lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun PU để bảo quản tranh tốt hơn.

Nghe ra thì khá đơn giản nhưng lại không dễ chút nào, vì người nghệ sĩ ngoài việc chọn màu gạo còn phải biết lúc nào thì “đi” gạo đứng, lúc nào “đi” gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào thì dùng gạo tấm”, Kiều cười.

Những bức tranh Kiều làm ra luôn được thị trường đón nhận bởi tính độc đáo, giá cả hợp lý. Chả hạn, mỗi bức tranh từ 25 x 30cm đến 1 x 1,2m, giá tranh dao động trong khoảng 350 ngàn đến 5 triệu đồng. 

Kiều bảo, tranh gạo như một làn gió mới vừa được thổi vào nghệ thuật làng tranh Việt. Ấy là tinh túy của đất trời kết tinh trong từng hạt gạo để dâng cho đời những tác phẩm ý nhị, tuyệt vời. Kiều lại bảo, làm tranh gạo không khó, song muốn có được một bức tranh gạo đẹp, hồn vía, ngoài sự tỉ mẩn trong từng công đoạn còn đòi hỏi nghệ nhân phải dồn hết đam mê và tình cảm của mình vào bức tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thành ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN