Hôn nhân đồng giới phải được bình đẳng
Đó là thông điệp mà cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới mong muốn gửi tới các nhà lập pháp lúc này.
Cuộc hội thảo lấy ý kiến cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp cùng nhóm 6+ (nhóm cộng đồng người đồng tính và những người ủng hộ) vừa diễn ra vào sáng 17-9 tại Hà Nội.
Cần bước đệm?
“Khi không còn nhìn thấy điều khoản cấm kết hôn giữa những người cùng giới, tôi thấy rất mừng. Hôn nhân đồng giới là thực tế đã có, chúng ta phải thừa nhận, chứ đây không phải là sản phẩm do pháp luật tạo ra” - Lương Thế Huy, một cán bộ về quyền LGBT của iSEE, nói.
Đại diện đến từ Bộ Tư pháp - TS Bùi Minh Hồng cho hay các thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập dự án luật đều nhất quán với quan điểm cho rằng quan hệ đồng giới thuộc về quyền con người. Tuy nhiên, tham khảo pháp luật các nước trên thế giới, họ đều giải quyết vấn đề này có lộ trình: Trước hết là thừa nhận quan hệ sống chung, sau một thời gian mới chính thức thừa nhận quan hệ hôn nhân. Bản dự thảo Bộ Tư pháp đang xây dựng cũng đi theo hướng này.
“Cần có một bước đệm hay nói cách khác cần có lộ trình để xã hội chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý, tránh gây sốc. Chúng em sẵn sàng chờ đợi điều đó. Xã hội hiện đã có cái nhìn cởi mở hơn với những người đồng giới nhưng có cảm giác đó mới chỉ là sự ủng hộ bề nổi, chưa có sự chia sẻ thực sự. Hiện tại chúng em chỉ mong muốn được thừa nhận quyền chung sống, tức là chính quyền hay công an không có quyền can thiệp vào các đám cưới đồng giới” - Nguyễn Thị Thu Phương, một đại diện của cộng đồng LGBT, cho hay.
Trong khi đó, Lương Thế Huy lại có quan điểm khác. “Tròn 18 tuổi là bạn đã có đủ quyền công dân, vậy tại sao bạn phải chờ và không biết sẽ phải chờ đến bao giờ? Ở nhiều nước, bước đệm của họ khác ta. Mọi quyền đều là bình đẳng, chỉ là không có cái tên. Còn bước đệm của chúng ta, quyền quá khiêm tốn, nó chỉ giải quyết hậu quả về mặt pháp lý” - Huy nói.
Nguyễn Trần Đại Hải, một đại diện khác của nhóm 6+, cũng cho rằng mong muốn của cộng đồng LGBT là không bị phân biệt đối xử, đều có thể tự hào về tình yêu của mình.
“Tôi hy vọng hôn nhân đồng tính sẽ được pháp luật công nhận lần này. Từ năm 2000 đến khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi này sẽ là 14 năm. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục không thừa nhận thì những bạn trẻ 17-18 tuổi có thể chờ 10 năm nữa nhưng những người lớn tuổi thì liệu có chờ được nữa không? Chẳng lẽ chúng ta cứ để quyền của những người đồng giới bị treo mãi ở đấy” - bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, nói.
“Đám cưới” tập thể của các cặp đồng tính - một hoạt động nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị với người đồng tính diễn ra vào tháng 5 tại Hà Nội. Ảnh: Vương Linh
70 và một
Đó là số lượng quyền và nghĩa vụ mà các cặp khác giới được hưởng từ quan hệ hôn nhân so với số lượng quyền và nghĩa vụ mà các cặp cùng giới được hưởng từ quan hệ “chung sống như vợ chồng”, theo thống kê của iSEE.
Đa số ý kiến tại hội thảo đều cho rằng với quy định như dự thảo thì khi dự án luật được Quốc hội thông qua, cuộc sống của họ hoàn toàn không có gì thay đổi.
“Bất kỳ ai khi bước vào mối quan hệ chung sống, dù được công nhận hay không, đều mong muốn duy trì được mối quan hệ lâu dài; được luật pháp tạo điều kiện để họ giữ được quan hệ lâu dài. Nhưng dự thảo chưa có điều luật bảo vệ mối quan hệ đó, mới chỉ dừng ở mức khi chúng tôi chia tay thì có các biện pháp giải quyết hậu quả thế nào” - anh Tùng, người chấp nhận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sống với người bạn của mình từ hơn chục năm nay, nói.
Bà Khuất Thu Hồng cũng bày tỏ hơi thất vọng với bản dự thảo vì “tiến được một bước lại lùi hai bước”, “tưởng thay đổi nhưng lại gây ra bao điều tù mù”.
“Bỏ cấm nhưng lại không thừa nhận, thì hiểu như thế nào? Liệu các cấp chính quyền ở dưới sẽ thực hiện điều này như thế nào? Chỉ có chuyện người đồng giới làm đám cưới thì không bị phạt, còn các quyền khác thì dường như chưa thay đổi. Luật pháp vẫn bế tắc với việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ quan hệ đó” - bà Hồng bình luận.
Bà Hồng kiến nghị nên thay đổi các khái niệm về kết hôn và điều luật cơ bản là công nhận cho phép , đối với các quy định về quyền thì một số quyền có hiệu lực ngay, một số quyền có thể có lộ trình để giải quyết cho đồng bộ với những luật khác.
Nhóm cộng đồng LGBT thì đưa ra những kiến nghị rất cụ thể. Họ mong muốn được đối xử như những cặp đôi khác giới, được quyền nhờ mang thai hộ, được nhận con nuôi... Và trong trường hợp không được đăng ký kết hôn, họ mong muốn được cấp giấy chứng nhận sống chung…
“Em có một giấc mơ” Năm năm trước, em bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm chính mình, được gặp những người bạn và bắt đầu có những sinh hoạt chung với cộng đồng. Tới khi đi làm, em bắt đầu mơ về gia đình và những đứa trẻ, mơ tới một mái ấm chỉ của riêng mình. Nhiều người bạn em đã phải ra nước ngoài để kết hôn. Họ chỉ muốn được yêu thương, em cũng vậy. Bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời này đều mong muốn được hưởng hạnh phúc. Vậy mà tại sao khi chúng em chìa tay ra với người bạn của mình thì lại gặp quá nhiều cản trở như vậy. Chúng em đã phải chờ đợi năm năm và có thể sẽ là 10 năm, thậm chí lâu hơn. Chúng em vẫn còn trẻ, chúng em sẽ không bỏ cuộc. Nhưng có thể sẽ là quá muộn với những người khác, những người anh, người chị, người chú… CHU THANH HÀ, đại diện nhóm 6+ |
Được và mất hôn nhân đồng tính
Đột nhập buổi offline cộng đồng đồng tính