Hồi ức cay đắng của cô gái mồ côi mẹ

Sự kiện: Những tâm sự hay

Mẹ tôi qua đời vì tai nạn, tôi đã phải đối mặt với những năm tháng đơn độc bi thương.

Tôi là một cô bé được bố mẹ yêu chiều hết mực. Đó là những tháng ngày bình yên, no ấm như mùa vụ ở quê nghèo. Rồi một ngày, mẹ tôi qua đời vì tai nạn, tôi đã phải đối mặt với những năm tháng đơn độc bi thương…

Đôi lúc, tôi vẫn bị giật mình khi nhớ lại những năm tháng đơn độc mồ côi. Tôi không hiểu sao mình có thể thích nghi với một cuộc sống đầy đau khổ như thế. Có lúc, tôi nghĩ nếu mình tiếp tục sống trong sự dằn hắt, đòn roi và sự sỉ nhục mãi, tôi sẽ là một đứa trẻ bị khuyết tật về tâm hồn. Hoặc ít nhiều tôi sẽ bị tự ti và cô độc.

Mẹ tôi mất vào một ngày hè mà trời mưa như trút nước. Đứa con gái bé bỏng như tôi chẳng biết làm gì ngoài khóc vật vã, tôi còn bé nhưng đã hiểu rằng mẹ mất nghĩa là tôi đã mất đi một chỗ nương tựa, yêu thương bền lâu và yên ấm. Tôi lớn lên trong ánh nhìn dè bỉu của người đời, trong những tiếng rít qua kẽ răng của mẹ kế, trong những trận đòn roi thập tử nhất sinh của cha tôi. Tôi từng ước, ước sao tôi được chết, ước sao tôi đừng bao giờ sinh ra trên thế gian này.

Một đứa trẻ từng được mẹ cưng chiều, mới hơn mười tuổi nhưng hàng xóm, những con người với ánh nhìn ích kỷ luôn so sánh tôi với con gái họ, và tôi bị gán mác hư hỏng chỉ vì không biết nấu cơm, không biết cấy lúa. Tôi sống thu mình trong bữa đói, bữa no, trong những trận đòn thừa sống thiếu chết của bố tôi.

Ông trời vẫn muốn tôi sống, vẫn muốn tôi phải vươn lên, vì thế nhiều lần tôi nghĩ quẩn, tôi muốn chết đi cho rồi nhưng lại có người cứu sống tôi. Và thế là tôi phải sống, với hình ảnh xấu xí trong mắt bao người, ngày nào tôi cũng phải đón nhận những ánh mắt vị kỷ, soi mói, khắc nghiệt của người đời về một cô bé vô tích sự.

Mẹ kế suốt ngày kể xấu về tôi, bà nguyền rủa tôi bằng tất cả sự cay nghiệt trong từ điển của một mẹ kế. Bà không cho tôi ăn đầy đủ các bữa, và mùa đông đến, tôi cũng không có chăn ấm để đắp. Tôi sống trong đói rét, cay cực, khốn khổ triền miên.

Tôi học không kém, nhưng thành tích của tôi không phải là quá xuất sắc vì tôi học thiên về xã hội. Vì thế, việc tôi lên lớp đều và xếp loại học lực khá càng làm cái cớ để bố và mẹ kế dằn hắt và dồn lên đầu tôi những trận đòn ác nghiệt.

Học hết lớp 12, thi ĐH xong, tôi phải xin gia đình cho tôi ra Hà Nội làm ôsin. Ôi, chắc mẹ tôi ở thế giới bên kia cũng không thể tưởng tượng được nàng công chúa mà bà hết mực cưng chiều, thương mến phải chấp nhận bỏ nhà để đi làm công việc đầy đắng cay như thế ở cái tuổi 18. Công việc của tôi thật nặng nhọc, tôi phải chăm sóc một bà cụ bị liệt nửa người, mà khi tôi đến nhà bà cụ, tôi mới hiểu rằng nhà bà cụ đã thay đến 5 người giúp việc trong một tháng. Tôi hiểu công việc này không dễ dàng gì với một cô gái mới lớn, nhưng nếu lựa chọn trở về với bố và mẹ kế, tôi vẫn quyết định ở lại chăm sóc bà cụ suốt ngày cáu bẳn và sẵn sàng cấu tôi đau điếng bất cứ khi nào tôi khiến bà không vừa ý. Mỗi lần như thế, tôi chỉ biết ra ngoài hành lang, nước mắt, nỗi nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ cứ trào dâng trong khóe mắt.

Đến mùa thi ĐH, tôi cũng ở nhà bà cụ liệt nửa người được sáu tháng. Tôi xin phép gia đình cho tôi về thi ĐH, họ quá lo lắng trước quyết định này của tôi và “dọa” sẽ báo CA vì tôi phá bỏ hợp đồng “ôsin” mà họ đã ký với tôi. Tôi chỉ nói với gia đình họ rằng, cháu không cần tiền công ông bà trả đâu, cho cháu về để cháu kịp kỳ thi ĐH. Sau khi nghe tôi nằn nì, họ cũng động lòng và trả tự do cho tôi.

Hồi ức cay đắng của cô gái mồ côi mẹ - 1

Tôi sống được đến hôm nay và trưởng thành, cũng vì tôi đã có một tình mẫu tử vĩnh hằng ủ ấm (Ảnh minh họa)

Trở về làng, mọi người nhìn tôi như một kẻ “bỏ làng, bỏ nhà”, như một con cave. Tôi lặng lẽ sống trong sự soi mói, nghiệt ngã, bi kịch, cay đắng để chuẩn bị tài liệu ôn thi. Và kì thi năm đó, tôi đã đạt kết quả cao.

Lại một quãng đời dài dằng dặc, tôi phải đi rửa bát thuê, làm gia sư cần mẫn để kiếm tiền nuôi bản thân mình ăn học. Tôi đã trưởng thành từ những đau thương không thể diễn đạt bằng lời. Khi tôi ổn định công tác, rồi kết hôn và có một gia đình yên ấm, bố tôi lâm bệnh hiểm nghèo, đó cũng là lúc điều kiện kinh tế của tôi đã tốt hơn rất nhiều. Tôi đã bỏ qua tất cả những điều đau đớn khốn cùng mà bố và mẹ kế đã gây ra cho tôi để về quê và xốc vác mọi việc liên quan đến kinh tế trong lúc bố tôi nguy kịch ở bệnh viện. Lúc đó chỉ nỗ lực cứu sống tính mạng của người cha tàn nhẫn nhất trên đời này. Và đó là người đã sinh ra tôi.

Khi căn bệnh của bố tôi đã ổn định, tôi có hỏi bố tôi một câu, rất đơn giản rằng: “Bố, có phải bố là bố đẻ của con không?” Và bố tôi òa khóc, bố tôi nắm chặt tay tôi và nói một câu: “Con ơi, hãy tha thứ cho bố. Bố xin lỗi con gái, bố đã làm tổn thương đến con quá nhiều. Tha thứ cho bố.”

Mẹ kế của tôi cũng xin lỗi tôi vì những điều tàn nhẫn đã đối xử với tôi trong quá khứ. Bà bảo rằng không hiểu sao ngày xưa bà lại mù quáng và nhẫn tâm đến thế. Tôi đối diện với hai người lớn với những lời xin lỗi của họ, mà thấy lòng tê tái bi thương.

Vì sao tôi phải nhẫn nại đến mười năm mới có được một lời xin lỗi từ họ? Mẹ tôi khi còn sống đã dạy tôi rằng, nếu con thực sự là một cô gái tốt, có tấm lòng nhân hậu, thì thời gian sẽ trả lời con. Hôm nay con bị phủ nhận nhưng ngày mai con sẽ được đón nhận. Con phải sống vì ngày mai.

Bây giờ, không còn ai có thể coi thường, khinh rẻ hay đánh giá về tôi bằng những lời lẽ cay độc được nữa. Vì tôi đã vượt qua số phận tưởng như bế tắc, không lối thoát của mình. Và tôi cũng đã nỗ lực hết mình giúp đỡ bao cảnh ngộ khốn cùng ở làng quê tìm được lối thoát trong cuộc sống. Thậm chí, cả những người từng đối xử rất tồi tệ và khinh miệt tôi trong quá khứ. Mẹ tôi nói đúng, sự lương thiện và bao dung không bao giờ là thừa, và cũng không bao giờ sợ thiệt.

Tôi thường xuyên ra mộ mẹ tôi như một thói quen mỗi khi tôi về quê nghỉ phép. Ôi mẹ của tôi, người mẹ đã từng yêu tôi hơn cả cuộc sống của mình. Người mẹ từng đau thắt lòng chỉ vì tôi vấp ngã chảy máu, người mẹ từng khóc theo tôi khi tôi bị đàn chó cắn vào người đầy thương tích. Tôi sống được đến hôm nay và trưởng thành, cũng vì tôi đã có một tình mẫu tử vĩnh hằng ủ ấm, rộng khắp tâm hồn tôi, không quản tháng ngày. Tôi đã vượt qua nỗi lo lắng về một đứa trẻ bị khuyết tật tâm hồn và tự ti cô độc, chỉ vì tôi tin và thấm nhuần những lời mẹ dạy tôi khi còn thơ bé. Chỉ mong, những ai còn mẹ hãy mãi nhớ hai câu thơ này:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?

(theo tâm sự của bạn đọc Ngọc Linh, Nghệ An)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lan (Pháp luật xã hội)
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN