Học trò rưng rưng đọc bức thư tay gửi trọn tâm tình của cô giáo trẻ
Mới đây, bức thư tay gửi trọn tâm tình của cô giáo trẻ Phan Thị Hồng Cẩm (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh) gửi đến thế hệ học sinh của mình đã được chia sẻ và lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Không sử dụng phương tiện truyền thông như các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Email... cô Cẩm chọn viết tay như một cách thể hiện tình cảm rất riêng và gợi sự gần gũi.
Mới đây, bức thư tay gửi trọn tâm tình của cô giáo trẻ Phan Thị Hồng Cẩm (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh) gửi đến thế hệ học sinh của mình đã được chia sẻ và lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Không sử dụng phương tiện truyền thông như các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Email... cô Cẩm chọn viết tay như một cách thể hiện tình cảm rất riêng và gợi sự gần gũi.
Động viên trò hãy biết thích nghi và san sẻ yêu thương giữa đại dịch
Vẫn giữ thói quen viết thư tay khi cần thiết như cho con gái, cho chồng, cho học sinh đặc biệt, viết nhật kí, giáo án viết tay... cô Cẩm nhận thấy, thư tay bằng chữ của chính mình sẽ chứa đựng tình cảm từ trái tim, thể hiện sự ân cần khi viết và có sức lay động hơn. Đó cũng là lý do cô không sử dụng internet để gửi gắm tâm tư tới học sinh.
Mở đầu thư, cô Cẩm động viên học trò hãy học cách thích nghi với hoàn cảnh mới và đừng ngại ngần với công nghệ:
"Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn về kĩ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Mỗi bài học có thể đặt ở các tình huống khác nhau: offline - online 75% - online 50% - online 25%... Điện thoại của các thầy cô lâu lâu lại sáng lên vì những thông báo cập nhật mới của trường thay đổi từng ngày, từng buổi.
Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google Meet, Zalo, Facebook… Ngay từ bây giờ, hãy xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống. Đừng ngại ngần với công nghệ. Hãy chịu khó tự học những thứ chúng ta chưa biết, các em nhé".
Bên cạnh đó, cô cũng không quên khẳng định sức mạnh dân tộc qua cuộc chiến chống dịch để các em học sinh thêm hiểu và trân trọng những cống hiến lớn lao ấy: "Dịch bệnh đang rất căng thẳng, chúng ta vẫn đang cảm nhận rất rõ về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng triệu triệu con tim và khối óc đang gồng mình chống dịch với niềm tin mãnh liệt. Chúng ta hãy học cách biết ơn và đây là lúc cô trò chúng ta phải tiếp tục hành động."
Trong hoàn cảnh dạy online kéo dài, cô Cẩm cũng rất trăn trở bởi nếu là học sinh cũ đã quen giáo viên rồi thì học online không ảnh hưởng nhiều, cô trò đã hiểu nhau. Nhưng với học sinh mới, theo cô, cần thêm thời gian để làm quen sớm hơn với các em, tâm tình trước rồi mới có thể truyền cảm hứng, dạy kiến thức, kỹ năng.
Nếu kéo dài hình thức học online cũng rất mệt mỏi, không gian mạng rộng bao la nhưng lại khó để yêu thương hơn. Biết vậy, nên cô Cẩm gửi lá thư viết tay với hơn 800 chữ mong các em chuẩn bị sẵn tinh thần để bước vào việc học online có thể kéo dài lâu.
"Giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có rất nhiều người năng động, kinh nghiệm dạy online giỏi hơn mình. Rất may mắn trong giai đoạn này, nhà trường tăng cường tập huấn, chia sẻ với toàn thể giáo viên để tất cả cùng vào guồng. Quyết tâm không làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và khả năng kết nối với các em học sinh", cô Cẩm nói thêm.
"Hãy thiết lập giúp cô một đường truyền"
Toàn bức thư, cô Cẩm thể hiện tình yêu, sự lo lắng, muốn truyền thêm lửa tin yêu và mạnh mẽ cho học sinh trong mọi thử thách cuộc sống. Đứng trước các biến cố của cuộc đời, nếu có đủ niềm tin và bản lĩnh, nhất định sẽ vượt qua. Thông điệp cô gửi trọn vào hai chữ "đường truyền":
"Ngoài sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ; quần áo giản dị, sạch sẽ; nước uống thường xuyên; khẩu hiệu 5k…, các em hãy thiết lập giúp cô một đường truyền. Đường truyền của niềm tin, của đam mê, của bản lĩnh và trí tuệ. Mỗi chúng ta sẽ là một "sợi truyền" để giữ lửa. Hãy nhìn sang bên cạnh các em, những bạn chưa có máy tính, không có smartphone, nếu vẫn chưa đến trường được, hãy hỗ trợ các bạn ấy.
Bên cạnh chúng ta, nếu có bạn nào từ vùng dịch trở về, hãy tìm cách kết nối an toàn, để bạn không bị lỡ nhịp… Vốn dĩ, cô biết các em biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương những ai khốn khổ hơn mình… Đó là cách để các em, các thầy cô thiết lập những đường truyền đấy các em ạ.
Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền rồi, cô tin rằng chẳng có một con virus nào có thể hạ gục nổi chúng ta. Hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa. Hãy không ngừng học tập và sáng tạo… chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận và không có con virus nào có thể xâm nhập được".
Cô Cẩm cùng các em học sinh.
Chân dung cô giáo Cẩm.
Viết lên những dòng chữ từ tận trái tim, cô Cẩm cũng không hiểu vì sao trong tâm thức lại có hai chữ “đường truyền”. Giống như trong thư chia sẻ, cô hay viết nên hay suy ngẫm, ngẫm nghĩ nhiều nên viết được những lời thật tâm.
"Đường truyền chắc cũng nằm trong ý nghĩ lâu giờ mới bật lên thành lời. Đường truyền là sợi dây nối liền mọi khoảng cách, kể cả vô hình. Lúc này cần có đường truyền vì nó có thể xoá nhoà mọi ranh giới", cô Cẩm chia sẻ.
Đọc được những dòng thư tay của cô Cẩm, em Phùng Thế Tài (sinh năm 2003, sống tại Hà Tĩnh) không khỏi xúc động, nam sinh nói: "Sau khi đọc xong bức thư của cô, em cảm nhận được tâm huyết trong nghề giáo viên của cô đặc biệt đến nhường nào.
Cô là giáo viên dạy Văn và mang trong mình một tâm hồn tươi sáng với chất giọng đầy tình cảm khi trò chuyện với học trò. Đọc bức thư của cô, trong em hiện lên cảm xúc dâng trào từ những hành động, lời nói yêu quý học sinh kể cả trong giờ học cũng như bên ngoài cuộc sống. Bức thư cũng tiếp thêm động lực cho em khi mới bước chân ra khỏi môi trường cấp 3 và tiến xa hơn ở môi trường mới".
Không chỉ Thế Tài, nhiều bình luận của các bạn học sinh, cựu học sinh, đồng nghiệp dưới hình ảnh chụp bức thư cũng bày tỏ sự xúc động và yêu quý sau khi đọc tâm tư của cô Cẩm như: "Cô thiên vị, ngày xưa tụi em toàn bị cô la thôi"; "Em cũng muốn được nhận thư tay của cô"; "Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lan toả đi rất lớn. Cảm ơn cô đã gửi đến các em thông điệp đầy ý nghĩa và cao đẹp!"; "Em muốn học cô"...
Ngoài việc lên lớp với bộ môn ngữ Văn, cô Cẩm cũng nhận dạy tình nguyện kỹ năng sống ở Ngôi nhà trí tuệ, làm từ thiện, hoạt động Đoàn… với phương châm trao đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc.
TS. Vũ Hoàng Linh – Giảng viên của bộ môn Marketing, khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tốt nghiệp bậc học...
Nguồn: [Link nguồn]