Học được gì từ thần tượng?
Đón các nhóm nhạc từ Hàn Quốc đến, fan hâm mộ Việt Nam đông kín sân bay Nội Bài. Chuyện say mê thần tượng và bỏ công việc, học hành đi đón là bình thường, nhưng lăn đùng ra khóc lóc, rồi ngất xỉu thì quả là hiếm thấy.
Nhìn những bức ảnh chụp lại đám đông hò hét và khóc vật vã, chuyên gia tâm lý cũng phải đau đầu. Mà đôi khi, những chuyện đau lòng riêng tư chưa chắc đã khiến họ khóc thảm thiết như thế.
Người khó tính cho rằng các bạn trẻ chạy theo “mốt”, khóc để thể hiện mình là người sành điệu, là chỉ có mình mới hiểu được âm nhạc, chỉ có mình là hết mình với thần tượng. Hoặc, họ bị hiệu ứng đám đông.
Người hài hòa hơn cho rằng cần thông cảm với các bạn trẻ, đừng vội phê phán những hành động bất bình thường của họ, vì đó cũng là tâm lý bình thường của lứa tuổi. Chuyên gia tâm lý Minh Huệ phân tích: “Nếu chỉ nhìn vào các bạn trẻ hâm mộ ngôi sao trong làng giải trí mà cho là đua đòi thì chưa phù hợp. Phải công bằng hơn với bạn trẻ".
Tất nhiên sẽ rất công bằng khi nói rằng, trong xã hội có nhiều người không có thần tượng và có nhiều người say mê thần tượng. Say mê thần tượng có gì xấu, đó là quyền của cá nhân, không ảnh hưởng tới ai.
Có điều, nỗi suy tư của người lớn là lớp trẻ đang say mê thần tượng nào. Nếu như các bạn thần tượng Ngô Bảo Châu, hoặc các bạn đoạt giải Olympic quốc tế để phấn đấu học hành làm sao cho thật tốt thì rất đáng tôn trọng và rất mừng cho thế hệ trẻ.
Nếu thần tượng ngôi sao trong giới giải trí, nghệ thuật, cầu thủ bóng đá cũng chẳng sao. Bởi vì, say mê âm nhạc, thể thao là điều rất đáng khuyến khích. Chúng ta hẳn còn nhớ chàng trai được gọi là “running man” Vũ Xuân Tiến chạy theo xe của đội bóng Arsenal. Anh là một fan của đội bóng đá này, chỉ muốn xin chữ ký của các thần tượng. Cách biểu hiện say mê thần tượng của anh được nhiều người đánh giá cao. Bạn Tiến không òa khóc và lên cơn “động kinh” khi gặp cả một đội bóng trên xe bus mà anh là người duy nhất được lên.
Say mê thể thao, thần tượng ngôi sao bóng đá, và qua đó, rèn luyện thể lực, mỗi ngày chạy bộ 10km, làm fan như Vũ Xuân Tiến cũng xứng.
Nhưng mê thần tượng mà trở thành mê muội, học hành chẳng ra gì, chơi các môn nghệ thuật hay thể thao cũng không xong. Chỉ nhuộm tóc, đua xe, ăn mặc đua đòi, áo quần và điện thoại “xì tin’ và “phá gia chi tử”, thì rất đáng xấu hổ.
Cho nên, đúng như chuyên gia tâm lý Minh Huệ phát biểu trên một tờ báo: “Chúng ta cần quan tâm các bạn trẻ học được gì và làm được gì từ những thần tượng của mình. Riêng bạn trẻ phải tỉnh táo để xác định đó có phải thần tượng hay chỉ vì người khác thích thì mình cũng thích".