Hiệu ứng lồng chim: Gia đình không thể thoát nghèo vì mắc phải 2 cái bẫy này

Hiệu ứng lồng chim có thể áp dụng vào nhiều khía cạnh cuộc sống, đặc biệt là trong vấn đề mua sắm của các gia đình.

Đầu thế kỷ trước, Giáo sư Tâm lý học thuộc Đại học Harvard William James đã tặng bạn mình - nhà vật lý học Carlson một cái lồng chim. Carlson không thích nuôi chim, vì vậy ông đặt cái lồng chim trong phòng khách.

Từ đó về sau, khách đến chơi đều hỏi: "Tại sao lồng chim lại trống trơn? Chẳng lẽ con chim đã chết rồi sao?". Carlson liên tục giải thích rằng: "Tôi vốn không nuôi chim, chỉ là bạn tôi tặng cho tôi cái lồng này thôi".

Để không phải tiếp tục giải thích, Carlson quyết định mua một con chim và cố sống chung với nó. 

Đây chính là "hiệu ứng lồng chim" trong tâm lý học. Con người sẽ tiếp tục mua những thứ liên quan đến một món đồ mà họ vốn không cần, chỉ vì đã từng được người ta tặng cho hoặc vô tình có được.

Ảnh minh hoạ: PX

Ảnh minh hoạ: PX

Nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy, chỉ một cái lồng chim cũng có thể khiến con người tốn kém tiền bạc và công sức. Nếu trong nhà có nhiều thứ không cần thiết, việc phải thường xuyên ngó ngàng tới sẽ hao tổn tiền của và sức lực tinh thần.

Điều đó thực sự không đáng.

Chuyên gia của trang Aboluowang cho rằng, nhìn vào những gia đình nghèo khó, chúng ta sẽ thấy rằng họ không hẳn chật vật vì thiếu thốn, mà là do họ có những thói quen không tốt trong cách sống, đặc biệt là 2 điều dưới đây:

1. Mua sắm những món đồ không cần thiết

Cách đây khoảng 5 năm, vào đêm giao thừa, mẹ tôi đã mua vài nhành hoa chỉ vì đứa cháu nài nỉ mãi. Bà bắt đầu suy nghĩ về cách cắm hoa như thế nào cho đẹp, vào chiều 30 Tết còn vội vàng đi mua bình hoa.

Hết Tết, hoa úa tàn, đứa cháu cũng đi học trở lại. Mẹ tôi vứt bỏ những cành hoa. Khi có người tới nhà chơi, họ thấy bình hoa trống nên nói ra nói vào. Thế là mọi chuyện tái diễn, mẹ tôi lại đi mua hoa mới để cắm.

Tương tự như vậy, khi cháu tôi thích cá vàng, người lớn lập tức chiều theo. Nuôi cá thì phải có cái đựng, thế là họ lại sắm thêm 1 cái bể. Hiện cháu lên cấp hai và không còn thích cá vàng. Bể cá bị bỏ ngoài ban công.

Đầu mùa đông, mẹ tôi mua rất nhiều than củi. Gia đình liên tục nhắc nhở bà, hiện thành phố ít khi mất điện, không cần dùng than củi để sưởi ấm. Nhưng mẹ tôi không tin, bà sợ nhà sẽ rất lạnh nếu mất điện.

Nhiều năm trôi qua, đống than củi chưa từng được dùng tới.

Mẹ tôi cũng mua rất nhiều đồ khuyến mãi tại các cửa hàng vì không cưỡng lại được với giá rẻ. Người ta nói “của rẻ là của ôi” có sai bao giờ. Những thứ đồ này thường có chất lượng kém, hiếm khi được sử dụng.

Triết lý mua sắm của mẹ tôi là: “Có thể nó sẽ hữu ích, dù bây giờ chưa cần tới”. Có lẽ trong gia đình bạn cũng có những người có chung tư tưởng này.

Chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp hoặc thỉnh thoảng thỏa mãn sở thích cá nhân, điều này không có gì sai trái. Tuy nhiên, việc tích trữ dẫn đến thói quen mua sắm vô tội vạ, và sở hữu quá nhiều đồ đạc là không cần thiết.

Nếu không cưỡng lại được sự cám dỗ của những thứ mình không cần, tiền của bạn sẽ “đội nón ra đi”.

2. Tích trữ mọi thứ không dám vứt bỏ

Nếu bạn không sử dụng một món đồ nào đó trong nhiều tháng liền, đó là lãng phí không gian. Thế nhưng, bạn không nhận ra điều đó và vẫn nghĩ rằng “có thể sau này mình sẽ cần dùng đến”.

Một mảnh gỗ, một chiếc bàn cũ, những món đồ chơi mà trẻ em đã sử dụng... tất cả đều chiếm chỗ trong nhà. Bạn phải thường xuyên lau chùi, lãng phí thời gian và khiến nhà cửa trở nên chật chội.

Tệ hơn nữa, một số gia đình có thói quen ăn táo hỏng. Nghĩa là, sau khi mua một hộp táo, họ phát hiện ra rằng có một vài quả táo sắp hỏng hoặc đã hỏng một nửa. Họ không vứt chúng đi mà thay vào đó gọt bỏ phần hỏng và ăn bình thường.

Sau khi ăn những quả táo hỏng, 1 hoặc 2 ngày sau, họ lại thấy có thêm vài quả táo khác sắp hỏng. Cuối cùng, cả hộp táo cũng được ăn hết, nhưng họ chẳng ăn được quả táo nào ngon cả.

Nếu một người không nỡ vứt bỏ bất cứ thứ gì, thói quen này sẽ dần len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống của họ, từ đời sống xã hội, công việc cho tới các mối quan hệ với người khác. Đó là những gì chúng ta thường gọi là "không buông bỏ".

Nếu bạn đang trong một mối quan hệ sai lầm nhưng không dám chia tay, bạn sẽ luôn có những vướng mắc trong lòng. Điều này sẽ dẫn đến việc bỏ lỡ những người khác tốt hơn trong tương lai.

Tại nơi làm việc, nếu bị sếp chỉ trích vài lần, bạn sẽ khó chịu vài ngày. Sau đó công việc càng tệ hơn, bạn thậm chí còn cảm thấy không còn mặn mà với công việc hiện tại.

Khi anh chị em cãi nhau, nếu không buông bỏ cảm xúc tức giận sẽ khiến 2 bên trở thành kẻ thù. Khi cha mẹ và con cái có ý kiến khác nhau, nếu không bớt cái tôi lại sẽ khiến gia đình lục đục.

Một người chỉ có hai bàn tay, vì vậy nếu cầm 2 thứ thì họ không thể làm gì khác. Một cuộc sống đầy những thứ cũ kỹ, chẳng khác nào bị nhốt trong một chiếc lồng vô hình.

Vứt bỏ những thứ vô dụng sẽ có thêm chỗ cho những thứ hữu ích, gạt bỏ những lo âu sẽ có thêm niềm vui, mua sắm những thứ cần thiết sẽ giảm thiểu việc mua sắm những thứ không cần thiết.

Nếu bạn nhận được một chiếc lồng chim không cần thiết, hãy tặng nó cho người thích nuôi chim hoặc ngay từ đầu hãy từ chối. Thay đổi tư duy và hành động sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn, hình thành thói quen tốt.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi ở trong một môi trường quá quen thuộc và không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khả năng nhận thức và trí thông minh của một người suy giảm dần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hằng ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN