Hiện tượng TikToker triệu view: Giá trị thật hay chỉ là cơn sốt giải trí?
Mặc dù đã bị cấm ở một số quốc gia, nhưng tại Việt Nam, nền tảng TikTok vẫn đang trở thành bệ phóng cho nhiều cá nhân trở thành “người có ảnh hưởng”. Những cái tên triệu view như: Lê Tuấn Khang, An Đen, Tâm An, Khoai Lang Thang… sau một thời gian đã trở thành một “thế lực” trong cộng đồng mạng. Đằng sau thành công đó, liệu nội dung của họ có thực sự mang lại giá trị bền vững, hay chỉ là câu chuyện giải trí nhất thời?
Sức hút từ sự gần gũi
Câu chuyện của Lê Tuấn Khang có thể xem là điển hình. Xuất phát điểm là một thanh niên miền Tây mới học hết lớp 7, những video đời thường về công việc chăn vịt và cuộc sống miền quê mộc mạc đã giúp anh thu hút hơn 11 triệu người theo dõi, một phần nhờ vào nội dung về “đám giỗ bên cồn”. “Chân thật và gần gũi chính là điểm mạnh để Lê Tuấn Khang trở nên nổi tiếng”, một chuyên gia truyền thông phân tích.
An Đen gắn những câu chuyện của mình với Tây Nguyên, đã trở thành một hiện tượng mạng với hàng triệu lượt theo dõi
Tương tự, An Đen, với phong cách chậm rãi, kể chuyện qua góc nhìn Tây Nguyên, đã xây dựng nên một hệ sinh thái cảm xúc rất riêng. Những câu chuyện của An không chỉ toát lên hình ảnh làng quê yên bình mà còn mang theo hơi thở nhân văn, nhất là qua các hoạt động thiện nguyện như nấu cơm cho trẻ em với kinh phí trích từ thu nhập trên TikTok. Những đứa trẻ xung quanh An hầu hết là con nhà nghèo của đồng bào người Ê-đê, người Mông. Những món thịt, cá kho được An dày công chế biến không quá lạ lùng với trẻ thành phố nhưng lại là mơ ước có phần xa vời của những đứa trẻ miền núi.
Lê Tuấn Khang nổi lên như một TikToker triệu view thời gian qua
Ở một thái cực khác, Khoai Lang Thang và Tâm An đưa người xem đến với những chuyến du lịch, trải nghiệm thiên nhiên và cuộc sống bình dị. Với cách làm nội dung tinh tế, các video của họ không chỉ có giá trị giải trí mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về lối sống tối giản và tình yêu thiên nhiên.
Tất nhiên, sự nổi tiếng quá nhanh và quá lớn trên mạng xã hội đôi khi không đồng nghĩa với sự chắc chắn về giá trị. Thay vì chỉ tung hô dựa trên những con số lượt xem hay người theo dõi, có lẽ cần nhìn nhận sâu hơn về giá trị thực sự mà những nhân vật này mang lại: đó có phải là sự thay đổi tích cực, là cảm hứng sống đẹp, hay chỉ đơn thuần là những giây phút giải trí dễ dãi?
Thành công của các TikToker chỉ thực sự ý nghĩa khi tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng, thay vì chỉ dừng lại ở những cơn sốt viral (lan truyền) thoáng qua. “Người sáng tạo cần vượt lên áp lực chạy theo lượt view để giữ vững giá trị nội dung, đồng thời hướng đến mục tiêu lâu dài, thay vì trở thành một phần của vòng xoáy nội dung nhất thời trên mạng xã hội”, chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh. |
Đã có không ít người cho rằng, nhiều video thu hút người xem nhờ yếu tố giải trí ngắn hạn, thiếu chiều sâu hoặc phụ thuộc vào thuật toán của TikTok hơn là sự sáng tạo thực sự. Một số khán giả không nhận ra họ đang tiêu thụ nội dung “mì ăn liền”, hấp dẫn nhất thời nhưng thiếu tính bền vững.
Một ví dụ dễ thấy là các nội dung của Lê Tuấn Khang. Dù gần gũi, chân thật, nhưng việc duy trì phong độ để tránh nhàm chán là áp lực lớn với anh. Nếu không đổi mới hoặc nâng cao chất lượng, những video này có thể được xếp vào loại “sớm nở tối tàn”.
Giá trị bền vững hay cuộc chơi của số đông?
Trong kỷ nguyên số, khán giả thường bị cuốn vào những nội dung dễ xem, dễ cảm nhận mà ít chú ý đến chiều sâu hay thông điệp dài hạn. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Minh Tuấn (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sức lan tỏa của những nội dung này nằm ở tính chân thực và khả năng chạm vào cảm xúc của người xem.
“Những TikToker như An Đen hay Khoai Lang Thang đã đưa ra sự giải thoát khỏi ồn ào của đô thị và trở về với những giá trị cơ bản, gần gũi. Tuy nhiên, nếu người xem chỉ dừng lại ở việc thụ hưởng cảm xúc , không có hành động hoặc thay đổi nhận thức cụ thể, những giá trị này rất dễ bị phai nhạt,” ông Tuấn phân tích.
Mặt khác, sự bùng nổ của các TikToker như Lê Tuấn Khang lại đặt ra một bài toán khác về giá trị bền vững. Nổi lên từ những video hài hước xung quanh cuộc sống chăn vịt ở miền Tây, anh trở thành hiện tượng mạng xã hội trong thời gian ngắn. Nhưng sự nổi tiếng này cũng kéo theo áp lực phải liên tục đổi mới để duy trì sự chú ý từ khán giả.
Theo ông Tuấn, đây chính là điểm chốt: “Nếu không xây dựng nền tảng nội dung lâu dài, những hiện tượng như Lê Tuấn Khang rất dễ rơi vào vòng xoáy lãng quên khi người xem chuyển quan tâm sang các hiện tượng khác. Bài học này đã từng xảy ra với nhiều người mà Bà Tân Vlog là một điển hình. Khi tung hô một nhân vật mạng xã hội mà không cân nhắc đến chiều sâu của nội dung, khán giả đã vô tình thúc đẩy xu hướng nội dung mì ăn liền. Những video dễ xem, dễ cảm, nhưng thiếu tính giáo dục hoặc ý nghĩa dài hạn sẽ lấn át các nội dung mang giá trị bền vững”.
Nền tảng TikTok với cơ chế ưu tiên các video “nổi bật” đã thúc đẩy xu hướng tiêu thụ nội dung nhanh và ngắn, hình thành thói quen thưởng thức hời hợt ở khán giả. Điều này rất dễ dàng đẩy người sáng tạo rơi vào lối mòn sản xuất nội dung “câu view” chạy theo những hiện tượng nhất thời, chủ yếu để quảng cáo sản phẩm, thiếu sức ảnh hưởng để định hình cách suy nghĩ và hành động của công chúng.
“Khi quá chú ý vào lượt xem hay hợp đồng quảng cáo, người sáng tạo rất dễ bị áp lực phải chạy theo thị hiếu số đông cho đến khi chính họ bị số đông ấy chán và quay lưng. Giữa cuộc chơi của số đông, việc xây dựng giá trị bền vững đòi hỏi sự chắc chắn, đầu tư nghiêm túc, cùng chiến lược phát triển dài hạn.
Quanh năm chân lấm tay bùn, chị Thanh và chị Thu bỗng nhiên trở thành nhân vật trải nghiệm chính trên kênh TikTok triệu view. Kênh TikTok của các chị vừa giúp lan tỏa văn hóa, ẩm thực miền Tây, vừa mang lại thu nhập chân chính.
Nguồn: [Link nguồn]