Hiểm họa chụp ảnh sống ảo

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Muốn có ảnh đứng giữa thác Ma Hao cao 1.200 m ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, Bích Hòa liều mình bước qua các phiến đá đầy rêu và bất cẩn trượt chân.

Nơi cô gái 27 tuổi quê Bắc Ninh ngã xuống may mắn không sâu, nước không chảy siết nên được bạn bè kịp thời đưa lên bờ. Nhưng cú va chạm mạnh khiến Hòa rách cằm, tay chân xước xát, bầm tím. Sau khi được người dân địa phương cầm máu bằng lá rừng, cô ra trạm y tế khâu 10 mũi.

Một cụ bà gần 80 tuổi mở quán nước nhiều năm tại đây nói cô gái trẻ "phước lớn". Bởi trước đây từng có 1-2 du khách cố tình leo lên đỉnh thác chụp ảnh, không may trượt chân ngã xuống và tử vong.

"Tôi muốn có bức hình khiến nhiều bạn bè phải trầm trồ nhưng không nghĩ để lại hậu quả như vậy", Hòa nói. Cô cũng cho biết trước khi ra giữa thác từng được người dân cảnh báo nhưng không quan tâm vì nghĩ nước cạn, đá không trơn.

Bất chấp biển cảnh báo, nhiều du khách như Bích Hảo vẫn cố tình leo lên các phiến đá trơn trợt để chụp ảnh tại thác Ma Hao, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bất chấp biển cảnh báo, nhiều du khách như Bích Hảo vẫn cố tình leo lên các phiến đá trơn trợt để chụp ảnh tại thác Ma Hao, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Không có nhu cầu chụp ảnh đăng Facebook, nhưng Đức Hải, 30 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, lại vô tình trở thành nạn nhân. Anh kể hồi giữa tháng này khi ngang qua hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa, thì phải phanh gấp để tránh một người phụ nữ đứng giữa đường chụp ảnh hoa bằng lăng. Người và xe ngã sõng soài.

Tránh được va chạm nhưng chiếc xe máy của Hải bị người đi sau tông trúng, khiến đuôi xe và vỏ bảo vệ ống bô bị vỡ nát.

"Họ bất chấp chụp ảnh, chẳng màng đến những người xung quanh. Giờ tôi phải bỏ cả đống tiền để sửa xe", Hải nói.

Gần đây, một số bài viết trên mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh người đứng giữa đường, chắn lối lên cao tốc thậm chí nằm giữa ngã ba, ngã tư để chụp ảnh nghệ thuật... thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm và bình luận. Ngoài ý kiến phản đối, lên án hành động quá nguy hiểm, nhiều người cũng bày tỏ sự đồng cảm bởi từng gặp tình cảnh tương tự.

Giải thích lý do khiến nhiều người thích chụp ảnh, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng, Đại học văn Lang, TP HCM, cho rằng mong muốn tìm địa điểm vui chơi, giải trí sau đại dịch gia tăng. Nhiều người thích chụp ảnh, muốn thể hiện bản thân trên mạng xã hội.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tâm lý học trường Đại học Sư phạm TP HCM, bổ sung thêm, ngoài giới trẻ, không ít người lớn tuổi cũng muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp bởi sợ lúc sức khỏe giảm sút, không thể ghi lại cảnh đẹp.

"Khoảng 15 năm gần đây khi smartphone trở nên phổ biến, việc tạo ra những tấm ảnh, thước phim sắc nét trở nên dễ dàng khiến nhu cầu này nhiều hơn trước", ông An nói.

Nghiên cứu Nâng cao tính tích cực của mạng xã hội cho giới trẻ của thạc sĩ Đỗ Thị Anh Phương, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP HCM, năm 2021, cũng chỉ ra "chia sẻ thông tin (hình ảnh, video, status) với mọi người" là một trong năm mục đích chính sử dụng mạng xã hội của người trẻ trong độ tuổi 11-35 (chiếm 54%).

Ngoài mặt tích cực, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An cảnh báo một số rủi ro khi mạo hiểm chụp ảnh. Một là gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, mất mỹ quan đô thị. Hai là người thực hiện dễ đối mặt với các hình thức xử lý, xử phạt của cơ quan chức năng. Ba là dễ nhận chỉ trích từ cộng đồng và vô tình khiến trẻ nhỏ, người vị thành niên chưa đủ nhận thức bắt chước, học theo.

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết UBND thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt 14 người do tạo các thế yoga chụp ảnh giữa ngã ba đường Trần Hưng Đạo giao với đường Nguyễn Công Thu thuộc tổ dân phố Tân Hưng, gây cản trở giao thông. Ngoài bị phạt 100.000 - 200.000 đồng mỗi người, các công dân vi phạm phải cam kết không tái diễn hành động này. Ba trường hợp chưa đủ tuổi thành niên được chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở.

Hôm 27/4, Cục cảnh sát giao thông cũng tạm giữ giấy phép lái xe của bốn tài xế và một ôtô không biển soát bởi hành vi dừng đỗ bốn xe giữa tuyến đường Bắc Nam, đoạn qua xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để chụp ảnh cưới. Sự việc gây ùn tắc giao thông trong 5 phút.

Nhóm phụ nữ tạo dáng yoga ở giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng tại huyện Kiến Xương sáng 17/5. Ảnh: Huyện Kiến Xương

Nhóm phụ nữ tạo dáng yoga ở giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng tại huyện Kiến Xương sáng 17/5. Ảnh: Huyện Kiến Xương

"Nghiêm trọng hơn việc bị xử phạt, chụp ảnh bất chấp có thể gây nguy hại đến tính mạng của mỗi cá nhân", chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An nói.

Mỗi năm trên thế giới ghi nhận hàng nghìn vụ tai nạn, vài chục cái chết thương tâm do người trẻ muốn có ảnh tự sướng độc đáo để khoe. Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017 có 259 trường hợp tử vong khi cố chụp ảnh, độ tuổi trung bình của nạn nhân là 23. Khoảng 72,5% nạn nhân tử vong xảy ra ở nam và 27,5% ở nữ. Số vụ tử vong do chụp ảnh tự sướng cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan.

Giải thích về lý do nhiều người mạo hiểm mạng sống để chụp ảnh, từng chia sẻ trên Livescience, Zlatan Krizan, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Iowa, Mỹ, nhắc đến khái niệm "so sánh xã hội mang tính cạnh tranh". Trong đó, mọi người có xu hướng so sánh bản thân với những người trên mạng xã hội, cố gắng vượt qua bạn bè bằng những bức ảnh để cho thấy cuộc sống thú vị.

"Có một hiện tượng chung là chúng ta tự nâng cao tiêu chuẩn cho chính mình về việc tự định nghĩa thế nào là bức ảnh selfie thú vị trước khi chia sẻ với mọi người. Không một ai muốn bị thua kém", Zlatan Krizan nói.

Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê về hậu quả khi liều mình sống ảo, nhưng vài năm gần đây liên tục ghi nhận trường hợp thương vong do chụp ảnh tại khu vực nguy hiểm. Như tháng 7/2022, một du khách nam đã ngã xuống đập Bình Nin, tỉnh Phú Yên do mải chụp hình, khiến cả người cứu và nạn nhân tử vong. Cùng tháng, một du khách ở Đà Nẵng trượt chân ngã tử vong khi leo lên thác cao chụp ảnh. Hay tháng 1/2021, phượt thủ người Sơn La bị rách sâu ở đùi sau khi rơi xuống khe đá thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lúc chụp ảnh.

Nhiều vụ việc xảy ra khiến chính quyền địa phương các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Đà Nẵng... phải làm biển cảnh báo, lập rào chắn, thậm chí cắt cử người canh gác.

Cô dâu, chú rể dựng dàn xe sang giữa đường chụp ảnh cưới đoạn qua xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, hôm 21/4. Ảnh: Chụp màn hình

Cô dâu, chú rể dựng dàn xe sang giữa đường chụp ảnh cưới đoạn qua xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, hôm 21/4. Ảnh: Chụp màn hình

Để tránh ảnh hưởng đến bản thân và người xung quanh, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An khuyên mỗi cá nhân cần chụp ảnh văn minh, lựa chọn nơi chụp ảnh an toàn.

"Sống ảo không sai, nhưng chìm đắm trong điều đó và quên đi thế giới thực rằng bản thân đang làm phiền người khác, tạo hành vi vi phạm pháp luật hoặc ảnh hưởng đến tính mạng là rất sai", ông An nói. Chuyên gia cũng cho biết cảm giác hạnh phúc khi nhận nhiều lượt yêu thích, bình luận chỉ là nhất thời. Chưa kể, áp lực tạo thêm nhiều kiểu độc lạ hơn dễ đẩy bản thân vào nguy hiểm.

Với Bích Hòa, sau lần chấn thương phải khâu 10 mũi dưới cằm, trật khớp chân, cô nói đã dè chừng hơn.

"Nếu không có vết thương này, có lẽ tôi chưa nhận thức được nguy hiểm và vẫn bất chấp để có bức ảnh với vài trăm lượt yêu thích, bình luận ngưỡng mộ nhưng sớm đi vào dĩ vãng", Hòa nói.

Trên mạng xã hội, hai cô nàng sở hữu nhan sắc lung linh, body đẹp như tượng tạc nhưng trong những clip quay lén, họ lại để lộ một số khuyết điểm ngoại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN