Hãy thay đổi mình vì công việc
Với lãnh đạo, việc đổi mới công việc là bình thường, nhưng với cấp dưới có thể là khó khăn.
Tôi đã phải tìm kiếm rất nhiều mới có được chỗ làm hiện giờ, nhưng công ty của tôi lại có nhiều quy chế, nguyên tắc rất khó chịu. Sếp tôi là người thích đổi mới, mỗi lần ông đi dự hội nghị hay tham gia lớp học về mô hình mới về là ông lại yêu cầu công ty phải thay đổi theo. Những nội quy, quy chế của công ty cứ đổi xoành xoạch theo chủ trương mới của sếp. Phải chạy theo những điều đó, tôi thấy rất mệt mỏi. Tôi có nên từ bỏ công việc này vì sự thay đổi liên tục đó không?
Thật ra, việc thay đổi đó của công ty bạn vẫn chưa là gì so với việc ăn mặc của một số bạn nữ. Trên đường đến cơ quan, bạn ấy mặc bộ đồ chống nắng, đến cơ quan bạn ấy mặc bộ đồ công sở, chiều về nhà thay bộ đồ ở nhà, đến khi nấu cơm bạn đeo thêm tạp dề, tối đi ngủ lại thay bộ đồ ngủ. Tính sơ sơ, một ngày các bạn nữ cũng thay đổi ít cũng phải đến bốn lần quần áo, đấy là chưa kể đến thay đổi về đầu tóc, son phấn... Chắc hẳn bạn thấy những thay đổi đó là bình thường, vì chị em ai chẳng vậy.
Ngay với cơ thể của bạn cũng có những thay đổi không ngừng, cứ một giây là có hàng ngàn tế bào chết đi và hàng ngàn tế bào khác được sinh ra. “Mọi thứ đều thay đổi chỉ có sự thay đổi là không đổi”. Bạn có biết loài chim đại bàng, chúng có thể sống tới 70 tuổi. Nhưng để sống tới tuổi này, chúng phải trải qua một quá trình thay đổi to lớn năm 40 tuổi: khi những móng vuốt và chiếc mỏ của nó bị yếu đi, đôi cánh nặng nề và già cỗi cộng với bộ lông dày khiến chúng khó bay lượn. Đại bàng đã phải tự thay đổi mình bằng cách đập mỏ vào đá cho đến khi mỏ gãy rời, rồi đợi cho mỏ mới mọc ra để bẻ gãy hết các móng vuốt của mình. Khi những móng vuốt mới mọc lại, đại bàng bắt đầu nhổ hết những chiếc lông cũ già cỗi. Nhờ vậy, đại bàng sống thêm 30 năm nữa.
Đại bàng đã chấp nhận thay đổi to lớn đó để lại được giang rộng đôi cánh và bay thật cao. Bạn thấy đấy, chính nhờ những sự đổi mới thì xã hội này mới tiến bộ và phát triển được. Thế nên, mỗi người cũng cần có những thay đổi để phù hợp với nó. Đổi mới là cần thiết và bạn cũng nên có cách để tự đổi mới mình theo xu hướng đó.
Những gì được và mất có thể cả vật chất và tinh thần hoặc những cơ hội cho tương lai (Ảnh minh họa)
Nhưng tôi thấy việc đề ra những yêu cầu như vậy là không cần thiết, nhất là khi mọi thứ đã đi vào nề nếp rồi. Những nguyên tắc và quy chế đó thực sự khiến tôi khó chịu. Tôi thấy mình lựa chọn một công ty khác thì hơn.
Bạn có chắc là khi bạn chọn việc khác thì sẽ không có những khó chịu ấy không? Nhỡ đâu công ty mới còn làm bạn khó chịu hơn thế nhiều lần?
Bạn và các đồng nghiệp có thể nói chuyện với sếp về những thay đổi đó theo nhiều cấp độ từ nặng đến nhẹ, nhẹ nhất là đôi khi nói đùa với sếp là: “Sếp cứ thay đổi xoành xoạch thế này thì ai mà theo kịp. Sếp để cho bọn em thở đã chứ”, mà nặng thì họp bàn trao đổi thẳng thắn. Bởi vì với lãnh đạo, việc đó là bình thường, nhưng với cấp dưới có thể khó khăn như trò “rồng rắn lên mây” mà bạn chơi hồi nhỏ vậy.
Tất cả thành viên tham gia sẽ bám vào nhau tạo thành một hàng dài và cùng di chuyển theo sự dẫn dắt của người đầu hàng. Người đầu hàng phải chạy làm sao để thầy thuốc không chạm được vào các thành viên ở phía sau và các thành viên phải bám vào nhau rất chặt để trong quá trình di chuyển không ai bị văng ra. Người bị thầy thuốc chạm vào hoặc văng ra ngoài sẽ là người thua cuộc. Trong trò chơi này, người dẫn đầu chỉ cần di chuyển một bước thì người phía sau phải chạy đến năm bước để không bị tuột tay văng ra ngoài. Ai không theo kịp thì nhận phần thua và dừng chơi để những người còn lại tiếp tục.
Khi bạn đứng trước những quyết định, bạn có thể làm một bài toán đơn giản như sau:
Liệt kê ra tất cả những gì được và mất từ lựa chọn của bạn: Bạn được những gì, liệt kê hết những thứ bạn được ra, ví dụ: bạn được 5 thứ. Bạn mất những gì, liệt kê hết những thứ bạn mất ra, ví dụ: bạn mất 7 thứ. Bạn lấy số cái được trừ đi số cái mất để cho ra một kết quả. Ví dụ: 5 - 7 = -2, nghĩa là mất nhiều hơn được. Những gì được và mất có thể cả vật chất và tinh thần hoặc những cơ hội cho tương lai.
So sánh giữa công việc A và công việc B xem hiệu của cái được và cái mất ở công việc nào lớn hơn. Ví dụ việc A là 2 còn việc B là -2. Tức làm việc A thì cái được nhiều hơn việc B.
Nhìn vào kết quả đấy, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn xem bản thân nên làm việc nào. Vì nhiều khi bạn mang cái mất ở việc A ra để so sánh với những cái được của việc B và quyết định chọn việc B. Nhưng biết đâu khi chọn việc B rồi mới thấy “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, khi đó lại thấy rất nhiều những cái mất của việc B. Những cái mất của việc B có khi hơn những cái mất của việc A và những cái được của việc B lại ít hơn những cái được của việc A.
Cho đến khi đã thấy rõ mọi thứ mà sếp vẫn quyết định thay đổi như cũ và bạn thì thấy việc mình làm ở đây mất nhiều hơn được, còn việc khác thì bạn được nhiều hơn mất. Khi đó bạn quyết định chuyển sang việc khác cũng chưa muộn. Chắc hẳn, khi chuyển sang một công việc mới bạn sẽ cần thay đổi tiếp một số thứ nữa đấy. Bạn cứ chuẩn bị sẵn sàng cho việc ấy đi là vừa.
Xem thêm các bài viết liên quan: