Hay là tôi cứ "cho anh một vố"?

Cô bạn tôi xúi: “Bây giờ mày phải làm như vầy... Cho thằng cha ấy biết mặt”.

Tôi gặp Tùng năm 29 tuổi, còn anh 42. Tôi đã dang dở một lần trong khi anh vẫn một mình. Chính sự chăm sóc ân cần của anh đối với bé Mai đã khiến tôi chú ý và đem lòng yêu anh dù sau khi chia tay cha bé Mai, tôi không nghĩ có thể yêu lần nữa vì quá thất vọng đối với đàn ông.

Để đến với anh, cửa ải đầu tiên tôi phải vượt qua là mẹ anh. Bà là một người mẹ đã một mình nuôi bầy con 8 đứa khi người đàn ông của mình bỏ đi nên sự khổ hạnh hằn trên nét mặt.

Gặp bà lần đầu, tôi không ngủ được suốt mấy đêm. Thế nhưng Tùng an ủi: “Coi vậy chớ mẹ hiền lắm và rất thương con”. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt của bà khi biết tôi đã có một đời chồng, một đứa con trong khi con bà vẫn là “trai tơ”. Bà bảo: “Đàn bà mà cái quý nhất không còn cho chồng thì chẳng ra làm sao! Có bao nhiêu vàng bạc, châu báu cũng không bù đắp nổi”.

Tôi cúi đầu bởi trả lời gì trong lúc đó cũng là vô nghĩa một khi trong đầu người đối diện đã có định kiến.

Cửa ải thứ hai tôi phải vượt qua là gia đình mình bởi muốn lấy anh, tôi phải cải đạo theo anh. Ba tôi quyết liệt: “Đạo ai nấy giữ, tại sao lại phải ép con như vậy? Nếu ép quá thì thôi, khỏi lấy”. Tôi phải nhờ mẹ năn nỉ suốt mấy ngày trời ba mới nguôi ngoai nhưng ông không nhìn mặt tôi suốt mấy tháng, cho tận đến lúc trước ngày cưới.

Thật ra thì ai cũng mừng vì tôi gặp được người đứng đắn, chững chạc như Tùng, không như cha bé Mai trước đây. Hồi ấy, chúng tôi quá trẻ nên không đủ sức vượt qua những sóng gió của cuộc sống vợ chồng. Còn Tùng, hoàn toàn trái ngược. Anh nói một câu cũng suy đi, nghĩ lại mấy lần. Chính vì vậy, ai cũng tin cuộc hôn nhân lần thứ hai này của tôi sẽ bền vững.

Chỉ duy nhất Hạ Mi, cô bạn thân của tôi phản đối. Cô nàng bảo: “Mày phải xem lại nha. Đàn ông mà sống tới bốn mươi mấy tuổi mà chưa lấy vợ thì chắc cũng có vấn đề gì đó chớ không phải chơi đâu. Cẩn thận để sau này không phải hối hận lần nữa…”. Tôi cười: “Chẳng lẽ mày sợ anh ấy… không phải đàn ông? Yên tâm, tao thử rồi, đàn ông chính hiệu trăm phần trăm”.

Vậy là chúng tôi cưới. Cả hai đều có nhà riêng nên anh bàn: “Em về đây ở với anh, căn nhà bên kia cho thuê. Mỗi tháng tụi mình có thêm một khoản kha khá, khỏi phải lo lắng gì”. Tôi vui vẻ chấp thuận. Căn nhà cho một cặp vợ chồng người nước ngoài thuê, mỗi tháng được gần 20 triệu đồng. Tôi đưa thẻ ATM cho anh giữ để anh thấy rằng, tôi hoàn toàn yên tâm, tin cậy anh.

Công việc của tôi ở tiệm chăm sóc sắc đẹp sau ngày cưới bỗng trở nên hanh thông lạ thường. Tôi vất vả gấp đôi nhưng rất vui. Còn anh, đột ngột bị mất việc. Anh bảo, 20 năm đi làm, đây là lần đầu tiên trong đời anh bị thất nghiệp. Tôi an ủi, thôi thì xem như anh nghỉ ngơi một thời gian chứ không có gì phải lo lắng. Một mình tôi làm cộng với tiền cho thuê nhà dư sức bảo đảm cuộc sống gia đình.

Hay là tôi cứ "cho anh một vố"? - 1

Cô bạn tôi xúi: “Bây giờ mày phải làm như vầy... Cho thằng cha ấy biết mặt” (Ảnh minh họa)

Vậy là anh yên tâm ở nhà. Hằng ngày anh đưa đón bé Mai, dọn dẹp, cơm nước… Cuộc sống vui vẻ được chừng 6 tháng. Cho đến một hôm, mẹ chồng tôi sang chơi đúng lúc anh đang lau nhà. Thế là bà đùng đùng nổi giận. Bà nhiếc móc tôi hết lời, bảo bà đã đem con vàng, con bạc giao cho tôi, tại sao tôi không biết chăm sóc, nâng niu mà lại đọa đày như thế.

Tôi phân bua là vì tôi đi làm cả ngày; tôi lại đang mang thai nên tối về rất mệt. Lau nhà, nấu cơm là chuyện Tùng tự nguyện làm để chia sẻ với vợ chứ tôi không ép anh làm. Nghe vậy, bà càng tức tối hơn, cho rằng tôi “trả treo, mất dạy”.

Tôi nuốt cục tức vào lòng, tối đó nói với Tùng: “Em đã nói rồi, vậy mà anh cứ bảo mẹ rất biết chuyện, rất thương anh… Thương con thì phải thương dâu chớ? Em đi làm cả ngày mệt muốn chết…”. Tùng an ủi: “Mẹ già rồi, tính khí đôi khi bất thường, em đừng để ý thì sẽ thấy mọi chuyện bình thường”.

Nhưng bình thường làm sao được khi từ đó, cứ cuối tuần bà lại sang thăm con trai, lại soi mói đủ điều. Cho đến trước khi tôi sinh bé Thương mấy ngày thì bà bị té gãy chân. Thật tình, tôi thấy dễ chịu khi bà nằm một chỗ, không qua thăm con trai như trước.

Thế nhưng từ hôm đó, Tùng lại về thăm mẹ. Không phải mỗi tuần mà là mỗi ngày. Thậm chí hôm tôi đau bụng đẻ, tôi phải đi bệnh viện một mình vì không thể chờ anh, lúc ấy đang ở bên nhà mẹ ruột…

Tôi sinh con chỉ 1 tháng rưỡi thì phải đi làm lại. Anh bảo tôi thuê người chăm sóc con nhưng mẹ tôi bảo để bà sang ở một thời gian, dù sao thì bà chăm sóc cháu cũng tốt hơn người ngoài. Hơn nữa, mẹ tôi xưa từng là cô đỡ nên cũng biết cách chăm sóc trẻ con.

Mẹ tôi ở nhà vừa chăm cháu, vừa cơm nước, dọn dẹp. Tôi không hề biết Tùng đã đùn đẩy hết việc nhà cho mẹ tôi để sang chơi với mẹ mình. Nhưng điều tôi tức nhất là mỗi lần anh ở bên đó về thì lại kiếm chuyện gây gổ. Anh tính toán với tôi từng đồng, từng cắc. Tôi nhờ mua bình sữa cho con, anh về cũng đòi lại tiền. Con hết sữa, tôi đưa tiền anh mua thiếu mấy chục ngàn, anh cũng đòi lại...

Có lần, ăn cơm tối xong, tôi bảo anh rửa dùm mấy cái chén để tôi lên giữ con cho mẹ nghỉ ngơi một chút thì anh bảo: “Kêu mẹ hay bé Mai xuống rửa. Chuyện đó không phải của đàn ông”. Tôi nhìn sững anh. Đến mẹ tôi mà anh còn nói vậy thì thật hết biết! Tôi thấy một nỗi chán chường dâng đầy trong lòng.

Mấy hôm sau, tôi có linh tính rất lạ nên kiểm tra tài khoản ở ngân hàng thì mới tá hỏa: Toàn bộ tiền cho thuê nhà từ thẻ ATM chuyển sang sổ tiết kiệm hơn 1 năm qua đã không còn đồng nào! Chính xác là trong tài khoản chỉ có 150.000 đồng! Tôi xây xẩm mặt mày. Bình tĩnh lại, tôi gọi cho Tùng. Giọng anh ráo hoảnh: “Tôi phải thủ chớ, nếu không em lấy cho con riêng của em hết rồi sao? Coi như đây là tiền mẹ con em thuê nhà tôi để ở mấy năm qua”.

Tôi đã tin anh, giao thẻ cho anh giữ để anh yên tâm, vậy mà anh nỡ đối xử với tôi như thế thì còn tình nghĩa gì nữa? Tôi không dám hé môi với mẹ tôi điều này nhưng âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chia tay. Tôi biết sớm muộn gì chuyện đó cũng xảy ra.

Cô bạn tôi xúi: “Bây giờ mày phải làm như vầy... Cho thằng cha ấy biết mặt”. Hạ Mi bày cho tôi ra công chứng làm hợp đồng vay tiền của cô ấy để sau này khi ly hôn, tòa sẽ buộc Tùng phải có trách nhiệm trả nợ. Như vậy tôi sẽ lấy lại được số tiền đã mất về tay anh trước đó.

Thật sự tôi rất ấm ức vì bị Tùng đối xử như vậy và cũng muốn “cho anh ta một vố” như lời cô bạn bày vẽ. Nhưng rồi tôi nghĩ mãi. Tôi còn có 2 đứa con. Và tôi sợ quả báo. Nếu tôi làm điều sai trái, tôi sợ sau này con tôi sẽ lãnh hậu quả. Cha chúng đã không ra gì, tôi còn gieo chi vào lòng con trẻ những u ám, oán hờn để chúng lớn lên èo uột như cây non thiếu ánh sáng mặt trời?

Thế nhưng nghĩ là một chuyện, còn có làm được hay không lại là chuyện khác.  Đêm đêm nằm ôm con, tôi vẫn ấm ức trong lòng. Hay là tôi cứ nghe lời cô bạn, cho anh ta một vố?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Ngọc (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN