Hành trình và mơ ước trở thành Bác sĩ của chàng trai dân tộc Thái
Lò Văn Tân, 20 tuổi, dân tộc Thái, đến từ mảnh đất Tây Bắc. Xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La là mảnh đất vùng cao in lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ và nuôi dưỡng niềm mơ ước trở thành Bác sĩ của Lò Văn Tân.
Lò Văn Tân luôn nỗ lực chinh phục những dự định, kế hoạch mà bản thân đã đề ra.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình chưa khá giả, nhà đông con, nhưng mình rất may mắn khi được đến trường để theo đuổi con chữ như bạn bè cùng lứa tuổi.
Ngay từ khi bắt đầu đi học, bản thân mình đã xác định được mục tiêu học tập. Mặc dù rất khó khăn trong những ngày đầu, khi mà lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với môi trường học tập tiếng phổ thông, nhưng đối với bản thân mình, việc học ngôn ngữ mới là một điều rất đam mê và thú vị.
Tân trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái, tỉnh Sơn La.
Mình thật hạnh phúc mỗi khi nhớ lại hồi còn nhỏ, được đeo túi sách thổ cẩm bà thêu, có quần áo, dép mới cùng lũ bạn chạy đến trường học. Được đến trường là niềm hạnh phúc, sung sướng khi mà mình thấy còn có những bạn không thể đến trường vì gia đình khó khăn. Cảm nhận được điều ý nghĩa ấy, mình đã cố gắng học tập và đạt được nhiều thành tích trong học tập. Cả 12 năm học phổ thông mình đều được nhận danh hiệu Học sinh giỏi và đạt nhiều giải thưởng các kỳ thi, cuộc thi.
Nghĩ về bố mẹ, gia đình chàng trai tuổi 20 như được tiếp thêm động lực để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Phần lớn các bạn học sinh trong bản chỉ học hết cấp 2, mà học xong cấp 2 đã là rất may mắn rồi. Hai chị gái của mình cũng không ngoại lệ, nghỉ học không phải bị bố mẹ bắt ép mà là vì các chị hiểu được hoàn cảnh của bố mẹ, của gia đình. Các chị nhường lại cơ hội học tập và giúp đỡ động viên bố mẹ để tập trung cho mình tiếp tục đi học cấp 3.
Mình vẫn còn nhớ như in cái mùa Đông năm ấy, đạp xe 13 cây số để đến trường, dậy sớm từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đi học, trời thì mới rạng sáng, sương mù thì bao phủ, đi đến trường cũng đã ướt cả áo khoác ngoài. Nhưng điều đó không khiến mình thấy yếu lòng hay mệt mỏi, vừa đạp xe mình vừa nghĩ lại những gì bố mẹ nói với mình: “Con hãy cố gắng học tập, hãy học tập để có tương lai tươi sáng hơn, đừng như bố mẹ. Bố mẹ không có cơ hội đi học, bố mẹ chỉ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bố mẹ không biết việc học của con nó khó khăn hay vất vả gì không. Bố mẹ chỉ biết là làm sao bố mẹ có thể kiếm được đồng tiền để lo cho các con, đến thời gian nghỉ ngơi bố mẹ cũng chẳng có nữa là... Nếu con không muốn vất vả như bố mẹ thì con phải cố gắng học tập, lao động bằng trí óc không vất vả bằng lao động chân tay đâu con nhé”.
Nhiều khi không biết giọt nước lăn dài trên má là do những giọt sương đọng lại rơi xuống hay do đôi mắt cảm nhận được sự thấu lòng mà tuôn ra. Càng nghĩ mình lại càng muốn tiến nhanh hơn nữa để đến trường cũng như tư duy suy nghĩ trong đầu của mình vậy, muốn tiến thật xa ở con đường tri thức để tương lai của mình sẽ không phải vất vả lao động chân tay khổ sở như những người nông dân trong bản làng.
Ấp ủ theo nghề Sư phạm, nhưng chàng trai quyết định lại theo đuổi ngành Y để thực hiện nguyện vọng của ông nội.
Dưới sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình của thầy cô, thanh xuân cấp 3 của mình như mở ra bầu trời mới, điều khiến mình thật hạnh phúc và tự hào khi mình là 1 trong 3 học sinh giỏi toàn trường và tự hào hơn nữa khi mình đạt giải khuyến khích trong lần sáng tác tiểu phẩm của Bộ Tư Pháp, đây có lẽ là giải thưởng cao quý nhất trong 12 năm học của mình.
Thời điểm chỉ còn 4 tháng nữa tốt nghiệp cấp 3, mình vẫn muốn tiếp tục theo đuổi điều mà mình đã ấp ủ 9 năm trời ước mơ trở thành một Thầy giáo. Ước mơ đó ấp ủ cho đến ngày ông nội mình nhập viện, vì đi học trên trường cả ngày nên chỉ được đi thăm ông rất ít lần, ông đã khóc và nói với mình: “Con ơi, ông mừng lắm khi mà cả họ hàng nhà mình có mỗi con là học hành đến nơi đến chốn, ông mừng vì con luôn luôn ngoan ngoãn lễ phép, biết yêu quý ông bà, cha mẹ và mọi người xung quanh. Nhưng ông mong lắm, mong cái ngày mà con mặc áo trắng bác sỹ để chăm sóc những người bệnh, ông mong tất cả mọi người sẽ được con chăm sóc, chăm sóc như những người bác sỹ đã chăm ông vậy...”.
Mình chỉ mất 1 ngày để suy nghĩ và quyết định chuyển từ sư phạm sang ngành Y, lúc đó mình không hề buồn tí nào cả mà mình lại lo lắng hơn, kì thi tốt nghiệp sắp tới mà mình thì ôn khối C nhiều hơn để thi sư phạm. Được thầy cô động viên, mình chọn bước đi an toàn nhất là thi cả khối C và khối B, nếu lỡ trượt ngành Y thì mình sẽ học sư phạm. Và sự thật sau kì thi tốt nghiệp, mình đã không đỗ khối B. Mình buồn và nản nhiều lắm nhưng được mọi người cổ vũ động viên mình quyết định thi lại vào năm sau, vẫn là nước đi an toàn, mình sẽ không chỉ ở nhà để ôn thi đâu.
Năm ấy mình đỗ khối C 29 điểm vào trường sư phạm trong tỉnh. Học sư phạm thì không mất học phí nhưng mình lại mất tiền ở trọ, tiền điện nước... Năm nhất đại học khá bỡ ngỡ, nhưng mình vẫn sắp xếp được và quyết định đi làm thêm để phụ bố mẹ. Học đại học, đi làm thêm,... mình như lột xác hoàn toàn. Khi đi học, mình vẫn nhút nhát, e dè. Khi đi làm, bản thân lại trở nên tự tin hơn và cởi mở ở nhiều phương diện hơn, biết sâu sắc hơn và trân quý hơn những đồng tiền kiếm được.
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên là môi trường học tập chất lượng, bổ ích, năng động giúp Tân hiện thực hóa ước mơ.
Mặc dù đi học, đi làm nhưng mình vẫn không từ bỏ quyết định thi vào ngành Y. Sau bao ngày mong đợi thì cuối cùng ngày ấy cũng đến, mình nhận giấy báo trúng tuyển của Đại Học Y Dược Thái Nguyên. Mặc dù cách nhà hơn 300 km nhưng mình thực sự đã rất vui khi mình đã nhìn thấy được tương lai với màu áo trắng, cũng vì hy vọng và tìm hiểu mà mình đã thích và rất thích khoác lên mình áo blouse ấy.
Tạm gác lại ngành sư phạm và công việc làm thêm ở khu vui chơi FunnyKids Vincom Sơn La, mình bắt đầu ở môi trường đại học lần này không còn bỡ ngỡ nữa. Gác lại nhưng không có nghĩa là gác lại tất cả, bản thân mình thật may mắn khi mà đã học hỏi được nhiều điều ở trong những năm qua mà bây giờ đặt chân đến Thái Nguyên mình không còn là một tân sinh viên như bao bạn khác nữa. Mình vận dụng, tận dụng những kinh nghiệm mà mình có trong năm đại học vừa qua, mình bứt phá lên, tự tin hơn và ngay từ năm nhất học Y mình đã phỏng vấn và làm Chi hội trưởng chi hội.
Được thầy cô, anh chị khóa trên hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, mình cũng may mắn có được kết quả học tập như mong đợi, 1 năm với 2 kì liên tiếp đạt học bổng khuyến khích học tập, điểm rèn luyện tuyệt đối 100 điểm, nhận giấy khen của Hội sinh viên trường Đại Học Y Dược Thái Nguyên có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào sinh viên, đạt danh hiệu đoàn viên ưu tú, đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường, đạt học bổng của quỹ học bổng Thắp sáng tương lai, học bổng của A Better Việt Nam, học bổng của Trung tâm Anh ngữ và nhiều giấy chứng nhận khác.
Tân nhận giấy khen của Hội sinh viên trường Đại Học Y Thái Nguyên có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào sinh viên, đạt danh hiệu đoàn viên ưu tú, đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường cùng nhiều giấy chứng nhận khác,...
Bản thân mình thấy việc học Y rất vất vả, mình đang theo học ngành Y Học Dự Phòng, mong muốn sau này là giúp đỡ tất cả mọi người. Nhiều người luôn nói với mình rằng học Y học dự phòng sau này ra trường thì định làm gì? Mình đã không ngần ngại để đáp lại, mình yêu ngành mình học, yêu màu áo trắng, ngành nghề nào cũng thế, cơ hội luôn rộng mở cho chúng ta, chỉ là chúng ta có cố gắng để chạm đến nó hay không. Bản thân mình vẫn rất hy vọng sau này nếu có cơ hội mình ước muốn mình có thể vừa là Bác sĩ vừa là Thầy giáo như những Giảng viên ở trường mình vậy.
Tân tích cực tham gia hoạt động tại các CLB trong trường cùng những sự kiện Đoàn - Hội do trường phát động.
Trong năm nhất học đại học Y Dược, mình cảm thấy khá hài lòng với những gì mình đạt được, học Y vất vả, mất nhiều thời gian, học phí cao,... Mình cũng không có nhiều thời gian đi làm thêm nữa và mình quyết định không đi làm thêm mà chỉ chú tâm vào học và hoạt động Đoàn - Hội. Nhưng thay vào đó mình tham gia hoạt động ở các CLB ở trong trường, mình cũng may mắn được làm trưởng ban truyền thông của CLB văn Nghệ, Phó trưởng bộ phận truyền thông Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HSSV của Đại Học Y Dược Thái Nguyên và làm phó ban, nhóm trưởng ở nhiều CLB học thuật trong trường.
Việc tham gia hoạt động học thuật, nghệ thuật ở trường giúp mình có thêm nhiều kĩ năng mềm hơn nữa, giúp mình tự tin hơn nữa và có trách nhiệm cao trong công việc giúp mình ngày một hoàn thiện hơn bản thân mình.
Cũng trong năm nhất đại học, dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, bản thân mình là sinh viên ngành Y, mình cũng muốn góp một chút sức lực nhỏ bé này trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Mình đã đăng kí và tham gia phòng chống dịch ở Tp Thái nguyên, và có kỷ niệm đặc biệt với 2 tháng chống dịch ở Tp Thủ Đức, Tp HCM. Khoác lên mình áo blouse, mặc lên mình đồ bảo hộ, tiết trời thì nóng nực, bản thân mình không hề cảm thấy sai lầm khi chọn ngành Y, không hề nản chí mặc dù rất mệt, mình rất vui khi đã góp được một chút sức lực nhỏ bé này, mình chỉ mong rằng tất cả chúng ta luôn luôn khỏe mạnh, cũng rất mong Việt Nam và thế giới sớm trở lại bình an như ngày nào, không phải sống trong sự đe dọa của dịch bệnh nữa.
Tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch COVID - 19 không chỉ giúp Tân có thêm kinh nghiệm thực tế mà còn giúp chàng trai có thêm nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc.
Trong những lần tham gia tình nguyện ở những bản làng vùng cao, mình luôn nhớ lại bản thân và gia đình mình trước đây. Mỗi lần tham gia tình nguyện là mỗi lần mình cảm thấy thật nhẹ lòng, thật ấm áp, thật hạnh phúc, cho dù những lần thiện nguyện ấy chỉ là những hành động nhỏ, những lần quyên góp và trao lại. Bản thân mình xuất phát là con nhà nông tuy nghèo khó nhưng giàu tình cảm, mình biết ơn những bậc sinh thành đã dạy dưỡng mình trở thành người có ích cho xã hội. Mình sẽ luôn trân quý và phát huy!
Trong những giờ nghỉ giải lao ngắn ngủi khi phải trực xuyên Tết, các y bác sĩ tuyến đầu đã tranh thủ tổng kết lại dấu ấn của năm cũ và bày tỏ ước nguyện, gửi lời chúc...
Nguồn: [Link nguồn]