Hành trình tìm về cội nguồn của chàng Việt kiều Mỹ

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lần đầu hiểu ý nghĩa tên mình là "luôn tiến lên", Daniel Nguyễn Hoài Tiến nhận ra ngày tìm về quê hương không xa.

Trước năm 2008, Việt Nam với Hoài Tiến rất mơ hồ bởi thi thoảng nghe bố mẹ và hàng xóm ở California, Mỹ nhắc đến. Anh chỉ biết dải đất hình chữ S là nơi bố mẹ sinh ra, từng trải qua những cuộc chiến tranh dài trước khi giành độc lập dân tộc. "Nhưng thông tin đó giống như việc học lịch sử thế giới bởi tôi không thấy có sự gắn bó hay kết nối gì", Tiến nói.

Vào đại học, Hoài Tiến được cô giáo Nguyễn Ngọc Nga giải thích về ý nghĩa tên gọi của mình, sự tò mò về quê hương trong anh trỗi dậy. Lần đầu tiên trong đời, chàng trai 18 tuổi khao khát được học tiếng Việt. Anh được xếp vào lớp vỡ lòng.

Năm 2008, Tiến cùng gia đình lần đầu tiên trở về Việt Nam sau hơn 30 năm xa cách. Thấy bố bật khóc khi gặp người thân, gương mặt hạnh phúc của mẹ khi nhắc về nơi từng sống, lòng anh bỗng có cảm giác lạ. Chàng trai trẻ lờ mờ cảm nhận được "dòng máu Việt chảy trong mình không thể thay đổi bởi khoảng cách địa lý". Nhưng chuyến đi cũng để lại nhiều tiếc nuối bởi Tiến không thể giao tiếp với mọi người xung quanh do biết quá ít tiếng Việt.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư sinh vật học, anh có hơn bốn năm làm trong lĩnh vực đầu tư phát triển cộng đồng tại thành phố New Orleans ở bang Louisiana. Từ công việc này Tiến đã tham gia các dự án tạo sinh kế cho cho người dân chài gốc Việt bị ảnh hưởng bởi bão Katrina và vụ tràn dầu Deepwater Horizon trên vịnh Mexico. Anh cũng sáng lập hợp tác xã nông nghiệp VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành cung cấp cho nhiều chuỗi nhà hàng, siêu thị ở Louisiana.

Anh Daniel Nguyễn Hoài Tiến, Việt kiều Mỹ hiện sống ở Việt Nam được 10 năm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Daniel Nguyễn Hoài Tiến, Việt kiều Mỹ hiện sống ở Việt Nam được 10 năm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Năm 2012, Tiến về Việt Nam lần thứ hai với tư cách thành viên đoàn tư vấn Mỹ về định hướng phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian công tác không dài nhưng đủ khiến anh cảm mến vùng đất này.

Sau chuyến đi, Tiến nung nấu ý định trở về Việt Nam. Anh thuê gia sư dạy tiếng Việt là một du học sinh quê Hà Nội, học thêm về văn hóa qua Internet bởi nhận ra mỗi từ ngữ lại nhiều tầng ý nghĩa, dựa vào từng ngữ cảnh cụ thể.

Mong muốn hiểu thêm về quê hương, năm 2014, Tiến quyết định nghỉ việc để về nước. Quyết định này bị bố mẹ ngăn cản bởi lo con trai khó thích nghi với môi trường mới. Các anh chị em họ phản đối dữ dội, nói anh bồng bột khi từ bỏ công việc lương cao.

26 tuổi, Hoài Tiến một mình hồi hương.

Anh công tác trong lĩnh vực phát triển chuỗi nông sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhận lương 7 triệu đồng mỗi tháng, bằng 5% thu nhập ở Mỹ.

Hai năm sau, anh tham gia một dự án cộng đồng ở vùng cao nguyên về vấn đề quản trị đất đai và tài nguyên môi trường. Đây là dự án đánh giá việc giao đất giao rừng và tư vấn cho Quốc hội về Luật bảo vệ phát triển rừng. Từ đó, chàng Việt kiều Mỹ có cơ hội được tiếp xúc với bà con các dân tộc, hiểu hơn về tín ngưỡng, văn hóa, tập quán sinh hoạt và đa dạng sinh thái của Việt Nam.

Suốt quá trình ăn ở cùng dân, anh nhận thấy nguồn gene của nhiều giống cây trồng bản địa trên đà mai một. Nhiều người chỉ muốn xuất nguyên liệu thô, chú trọng số lượng những không mang lại giá trị thương hiệu. Anh nảy ý định cùng bà con miền núi xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới.

Ngoài xin giống từ các viện nghiên cứu cây trồng, chàng Việt kiều Mỹ dành nhiều tháng băng hàng trăm cây số đường rừng, gõ cửa từng nhà người dân vùng Tủa Chùa (Điện Biên), Si Ma Cai (Lào Cai) để xin từng bắp ngô bản địa về nghiên cứu, nhân giống trước khi phổ biến lại cho đồng bào.

Ngoài tìm nguồn gene cây trồng bản địa, Tiến cũng đi đến vùng sâu, vùng xa tại Tây Bắc, Tây Nguyên - nơi cuộc sống phụ thuộc vào ruộng nương nhưng không thể tìm đầu ra - để hợp tác. Khi bà con canh tác trên nương rẫy, anh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng xưởng tinh chế sản phẩm, thuê dân bản vào làm để tăng thu nhập.

Hoài Tiến trong chuyến đi khảo sát thực địa, khôi phục giống cây trồng bản địa tại Lào Cai năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoài Tiến trong chuyến đi khảo sát thực địa, khôi phục giống cây trồng bản địa tại Lào Cai năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2018 anh xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản tự gieo trồng, tạo ra thành phẩm chất lượng, bà con nông dân được trả công xứng đáng.

Ngày mới thành lập, công ty của Tiến chưa có nhân viên, một mình anh phụ trách mọi thứ. Trong thời gian này anh có cơ hội gặp bà Lý Mẩy Chạn dân tộc Dao Đỏ ở bản Tả Phìn, Sapa, Lào Cai - người phụ nữ luôn khao khát tìm được đầu ra bền vững cho nông sản của địa phương.

"Tiến ở xứ người nhưng lại có quyết tâm tạo ra sinh kế cho nông dân Việt để thoát nghèo. Hiếm có người như cậu ấy nên tôi muốn được hợp sức, thất bại không bỏ cuộc", bà Chạn, 70 tuổi, nói.

Sản phẩm đầu tiên anh cùng người dân tạo ra là rượu gin, whisky chưng cất từ ngô và thảo mộc lên men, cung cấp cho thị trường trong nước. Hai năm sau, thương hiệu Sông Cái Distillery do anh sáng lập xuất những lô rượu đầu tiên ra Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. Ngoài rượu trắng, anh cũng sản xuất một số rượu thuốc của người Dao Đỏ, đồng thời nghiên cứu sản phẩm lên men từ sim, lúa gạo, mong có sản phẩm thuần Việt hơn.

Sau 8 năm đồng hành cùng nông dân, Hoài Tiến đã thiết lập 3-4 mô hình hợp tác trồng các giống cây bản địa như ngô, mắc khén, lúa nếp với bà con ở Bắc Bộ và Tây Nguyên trên diện tích 40-80 ha. Mỗi khu vực đều kết hợp làm cùng 80-100 hộ dân, đồng thời thuê thêm 4-5 nhân công chính.

"Tôi muốn hợp tác cùng bà con để họ biết dựa vào đất và giống cây bản địa tạo ra kế sinh nhai nuôi sống cả gia đình", Tiến nói. Anh cho biết ý định cố gắng trở thành một người Việt Nam những ngày đầu tiên nay chuyển thành mong muốn được cống hiến sức mình cho quê hương tổ quốc, bất kể là quốc tịch nào.

Tháng 3/2024, Daniel Nguyễn Hoài Tiến là một trong 100 người Việt Nam và gốc Việt tiêu biểu trên khắp thế giới tham gia Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức tại Paris, Pháp.

Hoài Tiến cùng bà con dân bản hái lá dược liệu trong chuyến công tác lên Lào Cai năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoài Tiến cùng bà con dân bản hái lá dược liệu trong chuyến công tác lên Lào Cai năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua 10 năm, người đàn ông 36 tuổi còn say lòng với Việt Nam bởi tình cảm giữa người với người. Đó là khi anh được người lạ sẵn sàng cho ăn ở lúc khó khăn; cùng trải qua cái Tết ở nơi địa đầu Tổ quốc, ngồi quanh bếp lửa gói bánh chưng, nướng ngô, uống rượu nút lá chuối với dân bản. Hay những ngày cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hướng về miền Trung mùa bão lũ để thấy tình cảm gắn kết, sự bao bọc từ những người xa lạ.

Chàng Việt kiều Mỹ dần thấu cảm được suy nghĩ và cách giáo dục của bố mẹ. Giờ đây anh đã hiểu được mục đích của việc cả gia đình quây quần bên bữa cơm, ý nghĩa của Tết cổ truyền, đạo lý uống nước nhớ nguồn hay đơn giản là mong muốn con cái sớm lập gia đình.

Từ ngày giao tiếp thành thạo tiếng Việt, Tiến thường sử dụng ngôn ngữ này để trò chuyện với người thân. Với anh, cảm giác được trò chuyện bằng tiếng Việt vẫn "gần gũi và xúc động vô cùng".

"Tôi tiếc không thể trưởng thành sớm hơn để trở về Việt Nam từ nhiều năm trước. Nhưng tôi biết quyết định tìm về cội nguồn chưa bao giờ là sai lầm", anh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

TP HCM - Tốt nghiệp tiến sĩ ở Viện Công nghệ California, Mỹ, Thành Trung, chủ nhân huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2013 chọn về nước làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN