Hành trình nuôi chữ của chàng sinh viên liệt nửa người
Tuổi thơ bị ám ảnh bởi giọt nước mắt của mẹ và sự ghẻ lạnh của người xung quanh, nhưng chàng sinh viên liệt nửa người Trần Tất Viên vẫn không ngừng nuôi trong mình ước mơ được trở thành nhà phê bình văn học.
Trong căn phòng nhỏ, chàng sinh viên năm nhất Trần Tất Viên (sinh năm 1996, quê Bình Lục, Hà Nam, sinh viên khoa Văn, trường ĐH KHXH&NV) đang cặm cụi ghi chép bên ánh đèn mờ. Từng con chữ nhọc nhằn hiện lên trang giấy trắng, cũng có gì đó khuyết thiếu như chính người viết ra nó. Nhưng ở đó, người ta vẫn thấy được sự nắn nót, chỉn chu như thể những con chữ ấy là cả cuộc sống của chàng sinh viên nghèo, khuyết tật.
Tuổi thơ “dữ dội”
Trần Tất Viên sinh ra đã là người khuyết tật. Cậu bị liệt nửa người bên trái ngay từ khi mới lọt lòng. Bố Viên không chấp nhận sự thật này nên khi cậu được hơn một tuổi thì bố mẹ Viên chính thức đường ai nấy đi.
Ôm con về nhà ngoại ở Hưng Yên, mẹ Viên chịu đủ điều tiếng từ hàng xóm, láng giềng. Không chỉ vậy, có những người thân của Viên cũng ghẻ lạnh hai mẹ con bởi mẹ cậu đã “trót” sinh ra thứ “quái thai” đến mức cha đẻ cũng không chấp nhận.
Căn nhà dường như chỉ là chỗ đi về, tránh mưa, tránh nắng, là chỗ “chứa” nước mắt của mẹ con Viên chứ không có tình thương.
Trần Tất Viên trải qua tuổi thơ nghèo khó, thiếu tình thương
Hai mẹ con dựa vào nhau sống qua ngày. Ba tuổi, Viên đã lê lết bám theo gánh rau của mẹ bên góc chợ từ sáng đến tối. Lớn hơn chút nữa, cậu ra đồng bắt ốc, mò cua vừa để cải thiện bữa cơm vừa để bán lấy tiền đong gạo. Hai mẹ con, người nhẫn nhục, kẻ chịu đựng sống trong cảnh khuyết thiếu cơ thể và tình yêu thương.
Ước mơ được làm một người bình thường, chân tay có thể cử động theo ý muốn là điều không thể với chàng trai nghèo. Lên lớp 1, làm quen với cây bút, con chữ, Viên càng ý thức rõ điều đó. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức rèn luyện, nét chữ của Viên mới bớt phần nguệch ngoạc, méo mó.
Không chỉ vậy, Viên còn bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Nghiễm nhiên, cái tên Tất Viên bị lãng quên và thay vào đó là biệt danh “thằng què”, “thằng mồ côi bố”.
Viên nhớ lại: “Ngày đó, mình luôn thắc mắc, tại sao mình không thể đứng thẳng, đi vững? Sao tay chân chứ lều khều, không thể cử động như ý muốn? Sao các bạn lại lấy sự bất hạnh của mình ra làm trò mua vui? Dần dần mình hiểu, sự khác biệt bao giờ cũng gây chú ý, dù tốt hay xấu. Mình tập làm quen với cuộc sống khép kín, hằng ngày đến lớp chỉ cắm cúi luyện chữ, đọc sách”.
Tuổi thơ của Viên cũng nhọc nhằn, khập khiễng như chính những bước chân tập tễnh, khuyết tật của cậu. Nhưng cũng chính bởi vậy mà những gì cậu làm được sau này, dù là nhỏ bé so với người khác, nhưng với cậu và người mẹ bất hạnh đó là điều kỳ diệu.
Vịn trang văn mà đứng dậy
Chính những thiệt thòi ấy đã tôi luyện cho chàng trai nghèo Trần Tất Viên nghị lực sống mạnh mẽ, quyết tâm học tập, thực hiện giấc mộng đổi đời từ con chữ.
Suốt 12 năm học, Viên luôn đạt thành tích khá, giỏi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Viên quyết định thi vào khoa Văn học của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội để thực hiện giấc mơ trở thành nhà phê bình văn học.
Viên kể: “Suy nghĩ của mình thay đổi rất nhiều từ khi xem chị Thùy Chi – sinh viên trường báo chí trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Chị ấy cũng bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn, nhưng khi nói về nghị lực sống chị luôn nở nụ cười lạc quan và cho rằng thiệt thòi của bản thân tỷ lệ nghịch với niềm ham mê được sống. Sau hôm đó, mình viết một lá thư gửi đến chị ấy, chia sẻ câu chuyện của mình. Hai chị em từ đó liên lạc thường xuyên và trở nên thân thiết”.
Viên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình
Sau này, chính cô gái ngồi xe lăn Thùy Chi đã đưa Viên đi thi đại học. Và một người chị khác, vì cảm động trước nghị lực của chàng trai nghèo đã tình nguyện nuôi và dạy cậu trong suốt hơn một tháng ôn thi. Cầm giấy báo đỗ đại học trong tay, niềm vui của Viên đã trở thành niềm hạnh phúc của rất nhiều người kỳ vọng ở cậu.
Viên mê văn từ nhỏ. Viên bảo, cậu có thể vượt qua những nỗi đau riêng, sống mạnh mẽ là nhờ những trang văn. Vì không có ai chơi cùng nên những cuốn truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết trở thành bạn thân. Cậu nhìn thấy mình ở những nhân vật văn học tuy thiệt thòi, bất hạnh nhưng vẫn vượt lên tất cả để sống có nghĩa với đời.
Viên chia sẻ: “Nhà văn Phùng Quán từng nói “có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn mình thì bám vịn vào trang văn để đứng vững giữa cuộc đời”.
Trở thành sinh viên khoa Văn như mơ ước, Viên miệt mài học tập. Cậu tham gia câu lạc bộ Hoa Đá (một câu lạc bộ tình nguyện của trường Nhân văn) và lần đầu tiên được sống trong tình thương trọn vẹn của bạn bè.
Nửa người vẫn liệt, những bước chân vẫn tập tễnh, một bên tay vẫn khoòng khèo, nhưng chàng sinh viên khoa Văn Trần Tất Viên đã tìm được mục đích sống. Và đồng hành cùng cậu là niềm đam mê văn học.