Hành trình kỳ diệu từ cô nàng nữ sinh 'ngổ ngáo' đến tiến sĩ trẻ ngành Y Sinh tại Mỹ
Nguyễn Thị Thanh Nhàn (30 tuổi, tốt nghiệp Khoa học Y Sinh, ĐH Tsukuba, Nhật Bản) hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại trường ĐH Illinois, Mỹ.
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Trái ngược hẳn với cái tên, Thanh Nhàn luôn bận rộn với việc nghiên cứu, luôn tràn đầy năng lượng tích cực tham gia hoạt động cộng đồng… Hiện tại, Thanh Nhàn còn là người sáng lập, điều hành tổ chức giáo dục phi lợi nhuận STEM inspiration Vietnam (STEMi Vietnam), mục tiêu truyền cảm hứng học tập và định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ Việt Nam.
Đúng người truyền cảm hứng vào đúng thời điểm
“Mình sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, gia đình thuần nông dân. Kỷ niệm tuổi thơ in sâu trong tâm trí là mình vừa đi học, vừa phụ giúp ba mẹ chăn bò, cắt cỏ, làm đồng… Trước đây, mình không nghĩ sẽ học lên tiến sĩ hay theo đuổi nghiên cứu khoa học gì cả đâu. Bởi, những đứa trẻ ở quê ít có đứa nào được học hành đầy đủ. Lúc đó, mình rất lười học và khá 'ngỗ nghịch', trốn học, tụ tập bạn bè đi đánh nhau suốt”, nhà nghiên cứu trẻ tâm sự.
Rời xa gia đình, tự lập học đại học tại thành phố, Thanh Nhàn sớm thích nghi cuộc sống. Dẫu vậy, Nhàn thừa nhận, thời gian đầu học đại học ở TP. HCM không mấy suôn sẻ. Năm đầu tiên tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM), Thanh Nhàn lãng phí thời gian, mê thể thao nên bỏ bê việc học. Đến năm thứ hai, Nhàn nỗ lực tối đa và lấy lại phong độ học tập, giành được nhiều thành tích tốt.
“Khi chọn chuyên ngành Công nghệ Sinh học Y dược, mình gặp được cô, người hướng dẫn đề tài nghiên cứu và được truyền lửa theo đuổi nghiên cứu khoa học. Và nhờ cô động viên, mình cố gắng giành học bổng chương trình Tiến sĩ Y Sinh từ Chính phủ Nhật, sau đó, tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường đại học Mỹ. Mình nghĩ, một người có thể thay đổi rất nhiều nếu gặp đúng người truyền cảm hứng vào đúng thời điểm. Mình may mắn gặp được người truyền cảm hứng nên cuộc đời có những bước ngoặt phát triển như hiện tại”, tiến sĩ trẻ nhớ lại.
Từ khi theo đuổi nghiên cứu khoa học, Nhàn có cơ hội tham gia các hội nghị khoa học từ Á sang Âu, được gặp gỡ, thảo luận luận với nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới và Nhàn cũng có những công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Những hạt mầm đầu tiên này giúp tiến sĩ trẻ có thêm tâm huyết thực nghiệm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ cho khoa học sức khỏe. Vì vậy, Nhàn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Y, ĐH Illinois, Hoa Kỳ.
Thanh Nhàn tại phòng nghiên cứu thí nghiệm về khoa học y sinh.
Và dự án giáo dục hoàn toàn miễn phí
Hành trình học thuật và nghiên cứu khoa học giúp Thanh Nhàn dung nạp thêm kiến thức mới và tư duy được mở rộng, đi nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ và giao lưu với thầy cô, bạn bè quốc tế…
Việc nhận thức rõ giá trị từ việc theo đuổi sự nghiệp học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt, sự thay đổi từ bản thân thôi thúc Nhàn sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận STEMi Vietnam.
Nhàn nhớ lại, tuổi thơ ở quê, lớn lên cùng những đứa trẻ không có ước mơ, những thanh niên mất phương hướng, những người lớn thiếu lý tưởng sống, và những người già nhiều hối tiếc. “Mình đau đáu vì điều này từ hơn 10 năm qua và ấp ủ việc thực hiện các dự án truyền cảm hứng học tập và định hướng nghề nghiệp cho học sinh Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Với mình, không có nghề nào cao quý hơn nghề nào, chọn làm gì là ở mỗi chúng ta, nhưng những đứa trẻ có quyền biết về những lựa chọn trước khi chúng lựa chọn. Các em có quyền được biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài cái xóm nghèo của mình. Thế giới thì rộng lớn và con người thì tự do. Mình khao khát thay đổi được nhận thức và niềm tin của các em về tương lai, về cơ hội, về giá trị sống”, Nhàn chia sẻ.
Từ trăn trở đó, Nhàn quyết định thành lập STEMi Vietnam và khởi động với dự án 'STEM express', chi phí tài trợ bởi Chính phủ Mỹ. Chương trình giáo dục hoàn toàn miễn phí, tập trung 4 chủ đề: Kỹ thuật, Nông nghiệp hiện đại, Khoa học sức khỏe và Lập trình. Mục tiêu truyền cảm hứng học tập và định hướng nghề nghiệp cho tất cả học sinh 15 - 18 tuổi ở Việt Nam.
Ở mỗi chủ đề, học sinh tham gia 6 buổi học trải nghiệm cùng các chuyên gia trong ngành, chia nhóm để thực hành dự án STEM riêng trong vòng 6 tuần. Các bạn học sinh được hỗ trợ kinh phí và cố vấn 1-1 về phương pháp nghiên cứu khoa học và quy trình thiết kế kỹ thuật từ STEMi…
“Kết thúc chương trình học, nếu các bạn học sinh không hứng thú bất cứ ngành học nào trong các ngành tư vấn cũng không sao. Các em vẫn học được các kỹ năng cần thiết: Làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề… để áp dụng cho công việc trong tương lai”, người sáng lập và điều hành STEMi Vietnam cho biết.
Một buổi học thuật của dự án STEM express với các bạn học sinh Việt Nam.
Có thể thấy, đại dịch mang đến sự thay đổi cách vận hành ở nhiều lĩnh vực và giáo dục cũng không nằm ngoài biến chuyển đó. Việc học tập trực tiếp cũng chuyển dần sang trực tuyến. Vì vậy, Thanh Nhàn mong muốn STEMi Vietnam có thể tiếp cận được tới nhiều học sinh, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa và trên khắp Việt Nam. Sau hai chủ đề đầu tiên, chương trình đã tiếp cận được hơn 1.000 học sinh khắp cả nước và đã hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiều dự án STEM thiết thực.
“Với dự án này, mình hy vọng học sinh sẽ tìm kiếm cảm hứng nghề nghiệp từ những người đi trước để các bạn trẻ có những bước ngoặt cuộc đời, giống như Nhàn trước đây”, Nhàn bày tỏ.
Về việc văn hóa Á Đông luôn quan niệm, thất bại là điều tuyệt đối phải tránh, đặc biệt, các bạn học sinh có xu hướng trầm cảm, tự ti, xấu hổ với bố mẹ khi bị điểm thấp, trượt đại học…, Nhàn chia sẻ: “Mình nghĩ, văn hóa Á Đông chưa hẳn xem thất bại là điều tuyệt đối phải tránh. Ông bà vẫn dạy “thất bại là mẹ thành công”. Lẽ thông thường, không ai muốn gặp thất bại. Nhàn nghĩ, các bạn học sinh nên cho mình cơ hội “thử và sai”, “thất bại và đứng dậy”. Nếu mình không thử, sao mình biết bản thân có phù hợp với con đường mình đã chọn? Nếu mình không thất bại, sao mình biết mình có đủ kiên trì để đi hết con đường này".
"Đó là lý do, các dự án của STEMi Vietnam trải dài nhiều lĩnh vực, nông nghiệp, kỹ thuật, sức khỏe… để các bạn học sinh được tiếp xúc, làm quen với công việc, biết được rằng thực tế công việc đó làm gì, cần kiến thức nào, khó khăn ra sao… Từ đó, các bạn lựa chọn được con đường nghề nghiệp phù hợp trong tương lai”, Thanh Nhàn bộc bạch.
Nguyễn Thị Thành Nhàn, tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM), xuất sắc giành học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản, chương trình Tiến sĩ Y sinh, ĐH Tsukuba (2017 - 2021); năm 2021, Nhàn tiếp tục nhận được học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường ĐH Illinois (Bang Illinois, Mỹ). Song hành với thành tích học thuật và nghiên cứu, Thanh Nhàn có mặt “trên từng cây số” với các hoạt động cộng đồng: Sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận - STEM inspiration Vietnam; trưởng ban điều hành chương trình STEM, Saigon Scientists (2016 - 2017)... Khi học tập tại Nhật, Nhàn từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Tsukuba (2018 - 2020), Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại thành phố Tsukuba, Nhật Bản (2018 - 2019)... |
Lê Thị Dung với tình yêu với động vật và đam mê học tập, nghiên cứu cùng với ước mơ trở thành một bác sĩ thú y để chăm sóc, điều trị bệnh cho thú cưng.
Nguồn: [Link nguồn]