Hành trình đăng ký hiến tạng của một Gen Z: Khó khăn nhất là thuyết phục gia đình thấu hiểu, đồng ý
Đối với một Gen Z, để đi tới quyết định đăng ký hiến tạng không phải là một phút giây bồng bột, mà là cả một quá trình dài đấu tranh tâm lý, tìm hiểu kỹ lưỡng, kèm theo đó là vô vàn trở ngại khi gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình...
Chia sẻ với phóng viên bạn Đặng Thúy (sinh năm 2001, quê Thái Bình) cho biết: “Quyết định đăng ký hiến tạng giống như một cột mốc đáng nhớ trên con đường nỗ lực trở thành một người tử tế của mình, mong rằng ngay cả khi chết đi vẫn có thể đem lại sự sống cho ai đó”.
Ước nguyện nảy sinh từ những mất mát
Từ lớp 9, Thúy đã bắt đầu ấp ủ ước mơ hiến tạng sau khi qua đời. Ước nguyện nhân văn của cô bạn 15 tuổi ngày ấy được nhen nhóm từ chính sự ra đi mãi mãi của một người bạn thân. Sau khi ra đi, người bạn ấy đã hiến tặng đôi mắt, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị: “Tấm lòng cao đẹp của bạn đã chạm đến trái tim của Thúy, truyền cảm hứng, thúc đẩy Thúy làm thật nhiều điều có ý nghĩa để không phải hối tiếc gì khi qua đời" - Thúy xúc động chia sẻ.
Theo quy định, Thúy phải chờ đến khi đủ 18 tuổi mới được đăng ký hiến tạng. Thế nhưng do có nhiều cản trở như 2 năm dịch bệnh và áp lực từ phía gia đình nên mãi đến sinh nhật 21 tuổi, cô bạn mới hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong đời.
Đặng Thúy và bố.
Đấu tranh tâm lý có khó hơn thuyết phục gia đình?
Có lẽ rào cản lớn nhất của việc hiến tạng chính là những định kiến và quan niệm xưa cũ. Bố mẹ Thúy cũng giống nhiều người, cho rằng việc để thân thể không trọn vẹn sau khi mất là một "điềm gở".
Cô gái nhỏ đã có nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo liệu đây có phải là lúc nên thổ lộ với gia đình: “Mình đã quan sát chọn lúc gia đình vui vẻ, tinh thần mọi người thoải mái nhất mới dám nói. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ đã dẫn đến sự chênh lệch về suy nghĩ và cũng bởi thương con nên bố mẹ mình cũng đã phản đối kịch liệt. Thậm chí, bố mình đã nổi giận, suốt một thời gian dài bố mẹ đã lờ đi mỗi lần mình đề cập tới chuyện hiến tạng".
Thế nhưng Đặng Thúy vẫn không nản lòng, cô bạn đã cố gắng học tập, tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện. Cô gái trẻ đã kiên nhẫn, mong muốn gia đình có thể thấu hiểu hơn về hành động này. Và cuối cùng, bố mẹ đã đồng ý. Vậy là việc khó khăn nhất đã được “giải quyết”. Còn lại, Thúy cho biết cô không có sự đấu tranh tâm lý hay phân vân nào cả. Quyết định của bản thân đã “chắc như đinh đóng cột” từ lúc người bạn thân ra đi.
Cho đi là còn mãi…
Trong trường hợp lý tưởng, một người hiến tạng có thể cứu được 8 - 10 người. Hiện nay, các bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu nguồn tạng để ghép, rất nhiều người bệnh đang phải vật lộn duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép tạng.
Là một Gen Z, Thúy không quan niệm “chết là hết”, cô bạn luôn nghĩ rằng cho đi là còn mãi. Cô gái trẻ mong muốn sau khi mất đi sẽ được hồi sinh một lần nữa ở một cơ thể khác. Đem lại sự sống cho một người lạ - đó là món quà nhỏ mà cô để lại cho cuộc đời.
“Vào một buổi sáng đẹp trời tháng 11/2021, sau khi in đơn mẫu đăng ký hiến tạng ra và điền đầy đủ thông tin, Thúy đã gửi kèm theo 1 ảnh thẻ và 1 bản photo chứng minh thư tới địa chỉ: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi, Hà Nội). Thúy cũng đã rất nóng lòng mong nhận được hồi âm từ bệnh viện và vui mừng làm sao, 2 tháng sau chiếc thẻ nhỏ xinh đã về với mình” - Thúy bộc bạch.
Tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng đã đến tay Thúy.
Đặng Thúy cũng nhắn nhủ: “Với những ai đang có ý định tham gia hiến tạng, mình chỉ có một lời khuyên nhỏ là các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ và quan trọng là phải giữ vững lập trường, kiên tâm vượt lên những định kiến từ gia đình và những người xung quanh nhé. Biết lan tỏa giá trị, bạn sẽ luôn thật đẹp như cách bạn sống”.
Nguồn: [Link nguồn]
Quyết định hiến tặng mái tóc nuôi bốn năm cho bệnh nhân ung thư, Lý Phúc Thịnh và Nguyễn Tấn Tài không ngờ câu chuyện của mình lại có thể lan tỏa và truyền được cảm hứng...