Hành trình "cãi lời bà mụ" đầy đau đớn của chàng trai 9x

Không ngần ngại phơi bày từng góc ngách cuộc sống của mình, Trần An Vi khiến nhiều người xúc động khi lật giở từng bức ảnh.

Nhìn Trần An Vi (tên khai sinh Trần An Vũ, sinh năm 1992, quê Kiên Giang) lần tay trên từng đường kim, mũi chỉ của chiếc váy vừa may xong mới hiểu cô yêu nghề, yêu cuộc sống đến mức nào. Vi bảo, cuộc đời vẫn còn nhân ái với cô lắm khi cho cô một việc làm chân chính và những người bạn tốt bên cạnh. Ngoài kia, không ít người chuyển giới còn bị kỳ thị đến mức không có việc làm, phải bán thân nuôi miệng…

Hành trình "cãi lời bà mụ" đầy đau đớn của chàng trai 9x - 1

Cô gái chuyển giới Trần An Vi, nhân vật chính trong bộ ảnh "Cãi mụ"

An Vi là cái tên khá nổi trong cộng đồng LGBT. Từ sau khi cùng chàng sinh viên năm cuối trường ĐH Sân khấu điện ảnh (TP.HCM) Huỳnh Tuấn Kiệt thực hiện bộ ảnh “Cãi mụ”, cô càng được nhiều người biết đến. Không phải chỉ bởi cô dám phơi bày từng ngóc ngách cuộc sống của một người chuyển giới mà còn vì cô đã có nhiều đóng góp trong tiến trình đấu tranh cho quyền lợi của những người trong cộng đồng LGBT.

Cùng nghe Trần An Vi chia sẻ về hành trình “cãi lời bà mụ” đầy đau đớn:

Chào An Vi! Bộ ảnh “Cãi mụ” nhận được phản ứng khá tích cực từ cộng đồng trong suốt thời gian qua. Ai đã nảy ra ý tưởng thực hiện bộ ảnh này vậy?

Mình và Tuấn Kiệt là bạn đồng hương, anh ấy từng giúp đỡ mình rất nhiều trong những ngày đầu đặt chân lên Sài Gòn. Khi chuẩn bị chụp ảnh làm sản phẩm tốt nghiệp, anh ấy có gặp mình đề nghị được giúp đỡ. Mình là người nảy ra ý tưởng bộ ảnh, còn cái tên “Cãi mụ” là do anh ấy đặt với hàm ý cãi lời “bà mụ”, vì bà ấy “nặn” ra mình là nam nhưng mình lại thích là nữ và tìm mọi cách để trở thành con gái.

Hành trình "cãi lời bà mụ" đầy đau đớn của chàng trai 9x - 2

An Vi khi còn nhỏ

Trước giờ, người chuyển giới vẫn khá kín tiếng về cuộc sống bản thân, tại sao Vi lại mạnh dạn thực hiện bộ ảnh lột tả từng ngóc ngách cuộc sống của mình như vậy?

Chính vì người đồng tính, chuyển giới thường kín tiếng về cuộc sống của bản thân nên mình mới mạnh dạn thực hiện bộ ảnh này để mọi người thấy rõ cuộc sống thật của những người như bọn mình.

Bộ ảnh nói về cái được, cái mất của người chuyển giới và những trăn trở, giằng xé của cá nhân mình trong hành trình tìm về giới tính thật. Mình cũng chỉ hy vọng, qua bộ ảnh, cộng đồng sẽ có cái nhìn khác về người chuyển giới, rằng họ cũng mong muốn có một cuộc sống bình thường, mong được sống tốt, sống có ích.

Vậy theo Vi, bộ ảnh “Cãi mụ” đã thực hiện được điều đó?

Mình chỉ biết, bộ ảnh đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng. Cũng đã có nhiều người hơn chịu chia sẻ thông tin về người chuyển giới.

Vi biết mình là con gái từ khi nào? Quãng thời gian không được sống với giới tính thật có lẽ rất khó khăn?

Lên lớp 8, mình bắt đầu thấy mọi thứ khác lạ. Lúc biết làm đẹp là lúc mình thích dùng đồ con gái. Dần dần lại thấy có tình cảm đặc biệt với các bạn nam. Kể từ đó mình bắt đầu “cãi lời bà mụ”.

Hành trình "cãi lời bà mụ" đầy đau đớn của chàng trai 9x - 3

An Vi là thành viên của nhóm J's Band, nhóm nhạc nổi tiếng dành cho người chuyển giới

Còn khó khăn thì nhiều. Nó cũng giống như các bạn là con gái nhưng lại cứ phải để tóc ngắn, mặc đồ nam, tỏ ra mạnh mẽ, khỏe mạnh như con trai vậy. Rất khó chịu. Rồi khi mình can đảm mặc đồ nữ, tính cách và lối hành xử như con gái thì lại bị nói là gay, bóng... Mọi người bàn tán, dị nghị, khó sống lắm.

Nhưng mình vốn không quan tâm đến những thứ đó. Bởi hơn ai hết, một người từng phải chịu cảnh “hồn một đường, xác một nẻo” hiểu được sống đúng với giới tính thật quan trọng thế nào.

Một năm sau (lớp 9), mình công khai giới tính thật và bắt đầu nuôi tóc dài, mặc đồ con gái. Hết lớp 9, mình thôi học, bởi người như mình tiếp tục đi học cũng khó. Sau đó, vì không thể kiếm được việc làm mình đành cắt tóc ngắn, mặc đồ nam, ước mơ được làm con gái tưởng chừng phải từ bỏ.  

Vậy Vi đã làm gì để được là chính mình như bây giờ?

Từ sau khi nghỉ học mình làm rất nhiều việc để kiếm sống, từ bán vé số cho đến làm thuê trong quán cà phê. Nhưng nghĩ, nếu cứ thế này sẽ không bao giờ sống tốt được nên mình quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đó, mình tròn 18 tuổi.

Những ngày đầu giữa Sài Gòn, mình rất lạc lõng và sợ hãi. Không lâu sau đó, mình xin được việc kết cườm, sửa trang phục cho một công ty làm phim. Cuộc sống ổn định, nhưng mình vẫn không dám nuôi tóc dài, mặc đồ nữ vì sợ bị đuổi việc.

Hành trình "cãi lời bà mụ" đầy đau đớn của chàng trai 9x - 4

Một trong những hình ảnh ấn tượng trong bộ ảnh chuyển giới

Năm 2011, bộ phim đóng máy, mình lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng thật may mắn, mình được biết một nhà thiết kế đang tuyển nhân viên cắt, may trang phục nên nộp đơn xin việc và được nhận. Mình làm ở đó cho đến tận bây giờ.

Ở môi trường nghệ thuật, mọi người sống thoáng, tôn trọng cá tính riêng nên mình được sống đúng với giới tính thật. Mình không chỉ để tóc dài, mặc đồ con gái mà còn nuôi ước mơ phẫu thuật chuyển giới.

Vi bắt đầu chuyển giới từ khi nào? Gia đình bạn phản ứng ra sao khi biết điều này?

Năm 2012, mình bắt đầu tiêm hooc môn nữ để tạo nét mềm mại cho bản thân. Một năm sau đó mình tiến hành phẫu thuật. Khi phẫu thuật vùng ngực mình đã rất đau đớn, cảm giác như có hai thứ gì đó cực nặng đè lên người. Nhưng thà đau thể xác còn hơn đau tinh thần.

Còn về phần bố mẹ, vốn dĩ họ đã tôn trọng cuộc sống, hạnh phúc của con cái nên không có vấn đề gì lớn. Chỉ là mình lúc thì mặc đồ con trai lúc lại diện đồ con gái nên mẹ hơi cằn nhằn (cười).

Khi tiến hành phẫu thuật chuyển giới, có khi nào An Vi nghĩ về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra?

Không chỉ nghĩ mà mình còn từng chứng kiến tận mắt cảnh bạn bè đau đớn, chảy máu sau khi phẫu thuật. Có người còn ra đi ngay trên bàn mổ.

Những điều tồi tệ nhất mình đều đã nghĩ qua trước khi quyết định phẫu thuật chuyển giới. Bạn biết đấy, việc mổ, xẻ trút bỏ hình hài đàn ông chưa bao giờ dễ dàng dù chỉ là trong tưởng tượng. Nhưng mình vẫn làm, bởi sự đau đớn về thể xác có là gì so với nỗi sợ hãi không được là chính mình.

Tất nhiên, chuyển giới từ nam sang nữ hay ngược lại là cả một quá trình dài, chứ không riêng chuyện mổ, xẻ. Mình nói ra những điều này vì muốn khẳng định rằng, người chuyển giới thực sự có nghị lực và quyết tâm rất lớn.

Theo Vi, những người trong cộng đồng LGBT cần nhất những điều gì để có cuộc sống bình thường?

Chúng mình cần nhất 5 thứ, đó là: đổi tên, đổi giấy tờ, công việc, y tế và được phép phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam.

Riêng với mình thì việc đổi tên là quan trọng nhất vì ở Việt Nam, cái tên rất quan trọng. Một người trông rất nữ mà lại có cái tên nghe rất nam thì khó khăn trong mọi việc.

Cảm ơn An Vi và chúc bạn có cuộc sống hạnh phúc!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN